Mang rau Đồng Nai lên TP.HCM bị CSGT phạt 2 triệu: ‘Trên đây mắc, sao mua nổi’

Một người phụ nữ đi xe hơi chở rau và các thực phẩm khác từ Đồng Nai lên TP.HCM bị CSGT thổi phạt 2 triệu vì ‘ra đường không cần thiết’ bức xúc: ‘Sao lại không cần thiết, rau đây mắc quá sao mua, chết đói thì sao’.

Người phụ nữ đôi co với CSGT khi bị lập biên bản /// Ảnh: Độc Lập

Người phụ nữ đôi co với CSGT khi bị lập biên bảnẢNH: ĐỘC LẬP

Tối 13.7, Đội CSGT – TT Công an Q.Phú Nhuận (TP.HCM) phối hợp cùng lực lượng của UBND P.9, Q.Phú Nhuận kiểm tra người dân ra đường không lý do theo Chỉ thị 16 tại đường Hoàng Minh Giám (đoạn gần Công viên Gia Định). 

Trong 1 giờ kiểm tra, tổ công tác lập biên bản 3 trường hợp vì ra đường không cần thiết. Cả 3 trường hợp đều trình bày đủ lý do nhưng không được  CSGT, lực lượng của UBND P.9 chấp nhận.

“Rau TP.HCM mắc quá sao mua nổi”

Khoảng 19 giờ 30 phút, một người phụ nữ đi xe hơi biển số Đồng Nai bị CSGT yêu cầu dừng xe, trình bày lý do ra đường. Xuống xe, người này chỉ xuất trình được giấy xét nghiệm âm tính, nhưng CSGT báo sẽ phạt vì “ra đường không cần thiết”, chị bức xúc to tiếng với lực lượng chức năng. 

Mang rau Đồng Nai lên TP.HCM bị CSGT phạt 2 triệu: 'Trên đây mắc, sao mua nổi' - ảnh 1

Chị cho rằng rau ở TP.HCM quá mắc nên phải mua từ vườn ở Đồng Nai đem lên cho nhân viên của mình. ẢNH: ĐỘC LẬP

Chị cho hay, nếu không có lý do cần thiết thì không việc gì phải ra đường lúc này, vì ra đường vừa tốn tiền, vừa tốn thời gian, nhưng ngoài đường không có gì “mở để chơi hết”. Do đó, việc chị ra đường lúc này là có lý do cần thiết mới ra. 

CSGT phân tích: “Chỉ thị 16 quy định rồi, không ra đường khi không có việc cần thiết rồi mà”. “Tôi đi đưa thực phẩm mà anh nói không hợp lý là sao, không được, tôi đi đúng quy trình mà. Tất cả mọi nơi khó khăn đều khó khăn trong ăn uống. Đi ra đường giá cả vậy sao mua. Bao nhiêu người trong gia đình mình sao mình không lo”, người này to tiếng với lực lượng chức năng. Sau đó, chị lên xe đóng cửa. CSGT phải gõ cửa mời chị xuống làm việc.

Mang rau Đồng Nai lên TP.HCM bị CSGT phạt 2 triệu: 'Trên đây mắc, sao mua nổi' - ảnh 2

Trong lúc CSGT lập biên bản, chị bức xúc: “Chưa chết vì dịch đã chết vì đói rồi”. ẢNH: ĐỘC LẬP

Sau khi đọc biên bản, người này vẫn bức xúc: “Tôi không dùng biện pháp chống dịch khi nào, không hợp lý. Tôi mang thực phẩm này cần thiết cho nhân viên của tôi ăn, cần thiết cho gia đình của tôi. Trên xe của tôi vẫn có đầy đủ thực phẩm, mà anh kêu tôi không thực hiện là không được. Giờ từ tỉnh này qua tỉnh khác yêu cầu có giấy xét nghiệm tôi cũng có giấy mà”, chị nói ý kiến. 

Khi nhận thấy người phụ nữ nóng nảy, CSGT đã khuyên chị bình tĩnh để tiếp tục làm việc. CSGT hỏi: “Sao không mua đồ ăn ở đây mà phải chuyển từ Đồng Nai lên?”. Chị giải thích: “Đồ ăn ở đây quá mắc. Người nhà tôi rất đông, nhân sự của tôi rất đông. Tôi không có khả năng để phục vụ nhân sự bao nhiêu người như vậy”.

Mang rau Đồng Nai lên TP.HCM bị CSGT phạt 2 triệu: 'Trên đây mắc, sao mua nổi' - ảnh 3

Tối 13.7, dòng xe ra đường vẫn còn khá đông. ẢNH: ĐỘC LẬP

Mang rau Đồng Nai lên TP.HCM bị CSGT phạt 2 triệu: 'Trên đây mắc, sao mua nổi' - ảnh 4

Phó chủ tịch UBND P.9 kiểm tra giấy tờ xác nhận đi lại của người lưu thông trên đường. ẢNH: ĐỘC LẬP

CSGT nói tiếp rằng chị có ý kiến gì có thể viết vào biên bản này, dù vậy người phụ nữ vẫn không chịu vì cho rằng câu từ trên biên bản không đúng. “Tôi thấy thực phẩm ở dưới đó rẻ thì tôi mua thôi, tôi mua ở vườn. Anh mua cho mình gia đình anh thì khác, anh có vài chục con người ăn đi thì anh tính như thế nào. Anh trả lời đi”.

Sau một hồi đôi co qua lại, người phụ nữ này cho hay, chị từng mua rau tại TP, 40.000 đồng chỉ được vài cọng rau loe hoe nên không thể chấp nhận nổi. Để di chuyển mỗi ngày từ Đồng Nai lên TP.HCM, chị xét nghiệm đều đặn 3 ngày/lần và dùng giấy đó trình đi đường. 

Nhiều người nói “đi về nhà” cũng bị phạt

Theo ghi nhận, trong tối 13.7, CSGT – TT Công an Q.Phú Nhuận cũng ghi nhận một số trường hợp nói “đi về nhà” nhưng không chứng minh được nhà ở khu vực bắt buộc phải đi từ quận này sang quận khác. 

Mang rau Đồng Nai lên TP.HCM bị CSGT phạt 2 triệu: 'Trên đây mắc, sao mua nổi' - ảnh 5

Đây là trường hợp 4 người ngồi trên xe ô tô nói đi từ Gò Vấp đến đường Hai Bà Trưng mua thuốc nhưng không được CSGT chấp nhận vì “đi mua thuốc sao đi đông vậy”. Để nhắc nhở, CSGT đã lập biên bản 1 người. ẢNH: ĐỘC LẬP

Chị T. (đi ô tô theo hướng Hoàng Minh Giám về sân bay Tân Sơn Nhất) bị CSGT thổi phạt, không trình được các giấy tờ xác nhận đi lại. Khi CSGT báo lập biên bản vì ra đường không cần thiết, chị thắc mắc: “Ủa anh ơi, em đi về nhà em mà sao lại không cần thiết?”. CSGT đáp: “Giấy tờ của chị ở Thủ Đức, giờ chị nói chị đi về nhà mà sao đi hướng này?”. “Em còn nhà bên Tân Bình nữa. Nhà 2 cái, mỗi người đứng tên một cái”, chị trả lời. 

CSGT cho rằng, nếu chị tạm trú ở đâu thì phải có xác nhận của công an khu vực ở đó thì mới chứng minh được đó là nơi ở của mình. Chị T. hỏi tiếp: “Nhưng em làm hộ khẩu Thủ Đức rồi thì vẫn làm tạm trú nơi khác nữa hả?”. Giải đáp thắc mắc này, CSGT yêu cầu chị ở nhà nào thì phải có tạm trú tại đó để cơ quan chức năng dễ quản lý, việc đi lại của chị cũng được chứng minh rõ ràng. Chị T. đồng ý ký biên bản. 

Mang rau Đồng Nai lên TP.HCM bị CSGT phạt 2 triệu: 'Trên đây mắc, sao mua nổi' - ảnh 6

Người phụ nữ bị phạt khi nói “đi về nhà” nhưng giấy tờ đăng ký lại ở nơi khác. ẢNH: ĐỘC LẬP

Mang rau Đồng Nai lên TP.HCM bị CSGT phạt 2 triệu: 'Trên đây mắc, sao mua nổi' - ảnh 7

CSGT – TT Công an Q.Phú Nhuận ngoài xử phạt về ra đường không cần thiết sẽ phạt luôn các vi phạm về giao thông nếu phát hiện.ẢNH: ĐỘC LẬP

Cùng lúc đó, UBND P.9 cũng lập biên bản ông K. đi từ Q.Gò Vấp sang Q.5, đi ngang Q.Phú Nhuận. Ông K. nói, ông làm bảo vệ và đang đi về nhà. Nhưng ngoài một tờ giấy xác nhận làm bảo vệ của ông, không ghi ngày tháng giá trị hiệu lực, ông K. không trình được giấy tờ nào khác. Sau một hồi giải thích mãi không được chấp nhận, ông K. ký biên bản rồi đặt mạnh cây viết xuống bàn.

Ngoài các tổ kiểm tra trên Công viên Gia Định, tối cùng ngày, tổ công tác khác của CSGT – TT Công an Q.Phú Nhuận (TP.HCM) tiếp tục tuần tra kiểm soát ngẫu nhiên trên đường, Khi phát hiện người dân ra đường không lý do và các vi phạm giao thông, trật tự khác, tổ đều lập biên bản xử lý.

Theo Thanh Niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/doi-song/mang-rau-dong-nai-len-tphcm-bi-csgt-phat-2-trieu-tren-day-mac-sao-mua-noi-1413921.html

Đi ra ATM rút tiền mua đồ ăn bị phạt 1 triệu, đúng hay sai?

Chỉ thị 16 tại TP.HCM yêu cầu người dân chỉ ra đường khi thật sự cần thiết như: mua lương thực, thuốc men, cấp cứu… Vậy người dân có được đi ra cây ATM rút tiền mua đồ ăn?

Đi ra ATM rút tiền mua đồ ăn bị phạt 1 triệu, đúng hay sai? - Ảnh 1.

Tổ công tác phòng, chống dịch phường 7, quận Phú Nhuận tại chốt giao lộ đường Phan Xích Long – Hoa Sứ – Ảnh: MINH HÒA

Anh Vũ Minh Nhật (22 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) phản ánh lúc 15h ngày 10-7, anh đi từ nhà (địa chỉ số 7M đường số 14, phường 3, quận Bình Thạnh) đến trụ ATM của Sacombank trên đường Phan Xích Long (phường 7, quận Phú Nhuận) để rút tiền đi mua thực phẩm.

Khi còn cách ATM khoảng 10m thì anh bị cán bộ chốt kiểm dịch COVID-19 tại giao lộ Phan Xích Long – Hoa Sứ yêu cầu dừng xe. Anh đã giải thích mình đi rút tiền mua thực phẩm nhưng vẫn bị lập biên bản phạt 1 triệu đồng lỗi ra đường không có lý do chính đáng.

“Tôi có giải thích là tôi hết tiền và nhà hết đồ ăn, tôi cũng đang thất nghiệp, tôi chỉ đi rút tiền để mua thực phẩm…” – anh Nhật nói. Anh cũng cho biết sau khi bị lập biên bản, anh đi bộ tới ATM rút 2 triệu (trong thẻ chỉ còn hơn 2 triệu) đóng phạt tại chốt rồi đi về mà không nhận được biên lai phạt.

Phạt người ra ngoài đường trong trường hợp này đúng hay sai?

Bà Nguyễn Huỳnh Hải Đăng – chủ tịch UBND phường 7 (quận Phú Nhuận) – cho rằng lúc anh Nhật làm việc với tổ công tác thì không nêu được lý do ra đường, vì vậy phường phạt 1 triệu đồng.

Sau khi đóng phạt, anh đi về rồi quay lại cùng vài người nhà, yêu cầu tổ công tác giải đáp thắc mắc về lỗi của Nhật. Lúc đó người nhà anh Nhật có quay clip lại rồi đăng lên mạng. Thông qua clip, phường biết được anh Nhật đi rút tiền để qua siêu thị Co.op Mart Rạch Miễu mua thức ăn.

Theo bà Hải Đăng, hiện nay các siêu thị đều cho phép thanh toán qua thẻ ngân hàng không cần phải đi rút tiền mặt. Trong khi ngay sau lưng chỗ ở của anh Nhật cũng có cửa hàng Bách Hóa Xanh, cho phép thanh toán qua thẻ.

Bà Hải Đăng cho rằng anh Nhật hoàn toàn có thể mua lương thực, thực phẩm tại địa bàn phường 3, Bình Thạnh. Còn chốt anh Nhật gặp là chốt ngăn với phường 7, quận Phú Nhuận và phường 3, quận Bình Thạnh.

“Căn cứ công văn 2279 của UBND TP thì lý do người này đưa ra là từ phường 3, quận Bình Thạnh đi rút tiền và mua thực phẩm ở phường 7, quận Phú Nhuận là không chính đáng, không thực tế, thiết yếu…” – bà Hải Đăng nói.

Nhận định về trường hợp này, luật sư Nguyễn Huy Việt cho rằng phường 7 phạt anh Nhật là không đúng, có sự ngộ nhận về tinh thần chỉ đạo của công văn 2279. Theo quy định nội dung công văn vẫn cho phép người dân ra đường mua lương thực, cấp cứu… Nội dung công văn không có giới hạn địa giới hành chính mà người dân có thể di chuyển.

“Nhu cầu rút tiền mặt để mua lương thực của anh Nhật là hoàn toàn chính đáng. Người dân cần tiền mặt để thanh toán cho rất nhiều nhu cầu khác như đổ xăng, mua thuốc men…” – luật sư Huy Việt phân tích.

Không đưa biên lai đóng tiền phạt là sai

Giải thích thêm việc chưa đưa biên lai phạt, bà Nguyễn Huỳnh Hải Đăng cho biết có hẹn anh Nhật ra phường lấy nhưng anh Nhật chưa lấy và phường vẫn còn giữ.

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Huy Việt, việc tổ công tác không xuất biên lai đóng tiền phạt cho người vi phạm là sai. Theo quy định thì cơ quan chức năng phải mang theo biên lai để xử phạt nóng, trực tiếp người vi phạm.

Theo Tuổi trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/di-ra-atm-rut-tien-mua-do-an-bi-phat-1-trieu-dung-hay-sai-20210713161510737.htm