TP.HCM chính thức thí điểm cách ly điều trị F0 tại nhà

Được sự chấp thuận của ông Nguyễn Trường Sơn – thứ trưởng Bộ Y tế, ngành y tế thành phố triển khai thí điểm cách ly, điều trị những trường hợp F0, F1.

TP.HCM chính thức thí điểm cách ly điều trị F0 tại nhà - Ảnh 1.

TP.HCM thí điểm cách ly điều trị F1, F0 tại nhà – Ảnh: HOÀNG AN

Ngày 13-7, Sở Y tế TP.HCM có văn bản khẩn về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay.

Theo văn bản của Sở Y tế, được sự chấp thuận của ông Nguyễn Trường Sơn – thứ trưởng Bộ Y tế, ngành y tế thành phố triển khai thí điểm cách ly, điều trị những trường hợp F0, F1.

Cụ thể, tại khu vực có nguy cơ rất cao, trường hợp F1 không đủ điều kiện theo tiêu chí của Bộ Y tế để cách ly tại nhà thì chuyển cách ly tập trung, xét nghiệm RT-PCR ngày 7 thay vì ngày 14 như trước đây, nếu âm tính thì xem xét chuyển về cách ly tại nơi lưu trú.

Về cách ly, điều trị F0, đối với trường hợp không triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện, nếu xét nghiệm RT-PCR ngày 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng virus thấp thì chuyển về cách ly tại nhà nếu đảm bảo điều kiện an toàn, phòng chống lây nhiễm. Tiếp tục xét nghiệm RT-PCR tại nhà vào ngày thứ 14 và 21.

Triển khai thí điểm cách ly F0 tại nhà đối với trường hợp không triệu chứng cho thí điểm áp dụng với nhân viên y tế bị lây nhiễm được cách ly tại nhà khi có đủ điều kiện tương tự F1, tự theo dõi về tình trạng sức khỏe, báo cáo với cơ quan theo dõi y tế hằng ngày và thực hiện xét nghiệm theo quy định.

Các trường hợp F0 này phải được giám sát của cơ quan y tế địa phương và nơi làm việc. Tuân thủ các biện pháp an toàn trong phòng, chống lây nhiễm.

TP.HCM chính thức thí điểm cách ly điều trị F0 tại nhà - Ảnh 2.

Các ca F0 được chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 3 chiều 8-7 – Ảnh: HOÀNG AN

Đối vớicác F1 ở khu vực có nguy cơ rất cao và đủ điều kiện theo tiêu chí của Bộ Y tế thì được cách ly tại nhà. Nhà cách ly F1 phải có biển báo bên ngoài, có hàng rào mềm ngăn cách, toàn bộ thành viên trong nhà/gia đình không được phép đi ra ngoài.

Người F1 phải hạn chế tiếp xúc, bố trí khu vực/phòng riêng cho người F1 nếu có thể; bố trí các đồ dùng cá nhân riêng, ăn riêng, thùng đựng rác riêng, vệ sinh khử khuẩn khu vực vệ sinh chung sau mỗi lần người F1 sử dụng.

Trường hợp F1 ở tại các khu tập thể, khu chung cư, nếu có ca F0 tại nhà/gia đình thì đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung.

Trường hợp có đông người F1 lưu trú tại một khu vực phong tỏa như khu nhà trọ, khu ký túc xá, khu dân cư… thì áp dụng thiết chế cách ly y tế tập trung đối với khu vực đó. Trường hợp mật độ người cách ly quá đông thì xem xét giảm bớt mật độ bằng cách ra các khu cách ly tập trung.

Tại khu vực có nguy cơ cao áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Riêng đối với yêu cầu cơ sở vật chất, trang thiết bị thì không áp dụng yêu cầu phải có phòng riêng để nhân viên y tế thực hiện khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe.

Có thể xem xét cho phép cách ly trường hợp F1 tại căn hộ chung cư, tập thể nếu có phòng cách ly riêng, khép kín, nhưng nếu có ca F0 tại nhà/gia đình thì phải đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung.

Nếu tất cả hoặc nhiều thành viên trong nhà/gia đình được xác định là F1 thì có thể xem xét thực hiện cách ly tất cả các thành viên tại nhà và không yêu cầu có phòng cách ly riêng cho mỗi thành viên.

Tại các khu vực khác áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Riêng đối với yêu cầu cơ sở vật chất, trang thiết bị thì không áp dụng yêu cầu phải có phòng riêng để nhân viên y tế thực hiện khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe.

Nếu tất cả hoặc nhiều thành viên trong nhà/gia đình được xác định là F1 thì có thể xem xét thực hiện cách ly tất cả các thành viên tại nhà và không yêu cầu có phòng cách ly riêng cho mỗi thành viên.

Về tổ chức chăm sóc sức khỏe tại nhà đối với trường hợp F0 và F1, y tế địa phương phải tổ chức đội theo dõi sức khỏe hằng ngày đối với các trường hợp F0 cách ly tại nhà; tổ chức đường dây nóng tiếp nhận thông tin trường hợp bệnh nhân xuất hiện triệu chứng, khẩn trương đưa vào bệnh viện điều trị.

Đối với trường hợp F1 được theo dõi tại nhà và thực hiện xét nghiệm RT-PCR theo quy định như trường hợp cách ly tập trung. Đề nghị các đơn vị phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện. Nếu có khó khăn vướng mắc, phản ánh ngay về Sở Y tế để giải quyết.

Theo Tuổi Trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/tp-hcm-chinh-thuc-thi-diem-cach-ly-dieu-tri-f0-tai-nha-20210713205200169.htm

Đi ra ATM rút tiền mua đồ ăn bị phạt 1 triệu, đúng hay sai?

Chỉ thị 16 tại TP.HCM yêu cầu người dân chỉ ra đường khi thật sự cần thiết như: mua lương thực, thuốc men, cấp cứu… Vậy người dân có được đi ra cây ATM rút tiền mua đồ ăn?

Đi ra ATM rút tiền mua đồ ăn bị phạt 1 triệu, đúng hay sai? - Ảnh 1.

Tổ công tác phòng, chống dịch phường 7, quận Phú Nhuận tại chốt giao lộ đường Phan Xích Long – Hoa Sứ – Ảnh: MINH HÒA

Anh Vũ Minh Nhật (22 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) phản ánh lúc 15h ngày 10-7, anh đi từ nhà (địa chỉ số 7M đường số 14, phường 3, quận Bình Thạnh) đến trụ ATM của Sacombank trên đường Phan Xích Long (phường 7, quận Phú Nhuận) để rút tiền đi mua thực phẩm.

Khi còn cách ATM khoảng 10m thì anh bị cán bộ chốt kiểm dịch COVID-19 tại giao lộ Phan Xích Long – Hoa Sứ yêu cầu dừng xe. Anh đã giải thích mình đi rút tiền mua thực phẩm nhưng vẫn bị lập biên bản phạt 1 triệu đồng lỗi ra đường không có lý do chính đáng.

“Tôi có giải thích là tôi hết tiền và nhà hết đồ ăn, tôi cũng đang thất nghiệp, tôi chỉ đi rút tiền để mua thực phẩm…” – anh Nhật nói. Anh cũng cho biết sau khi bị lập biên bản, anh đi bộ tới ATM rút 2 triệu (trong thẻ chỉ còn hơn 2 triệu) đóng phạt tại chốt rồi đi về mà không nhận được biên lai phạt.

Phạt người ra ngoài đường trong trường hợp này đúng hay sai?

Bà Nguyễn Huỳnh Hải Đăng – chủ tịch UBND phường 7 (quận Phú Nhuận) – cho rằng lúc anh Nhật làm việc với tổ công tác thì không nêu được lý do ra đường, vì vậy phường phạt 1 triệu đồng.

Sau khi đóng phạt, anh đi về rồi quay lại cùng vài người nhà, yêu cầu tổ công tác giải đáp thắc mắc về lỗi của Nhật. Lúc đó người nhà anh Nhật có quay clip lại rồi đăng lên mạng. Thông qua clip, phường biết được anh Nhật đi rút tiền để qua siêu thị Co.op Mart Rạch Miễu mua thức ăn.

Theo bà Hải Đăng, hiện nay các siêu thị đều cho phép thanh toán qua thẻ ngân hàng không cần phải đi rút tiền mặt. Trong khi ngay sau lưng chỗ ở của anh Nhật cũng có cửa hàng Bách Hóa Xanh, cho phép thanh toán qua thẻ.

Bà Hải Đăng cho rằng anh Nhật hoàn toàn có thể mua lương thực, thực phẩm tại địa bàn phường 3, Bình Thạnh. Còn chốt anh Nhật gặp là chốt ngăn với phường 7, quận Phú Nhuận và phường 3, quận Bình Thạnh.

“Căn cứ công văn 2279 của UBND TP thì lý do người này đưa ra là từ phường 3, quận Bình Thạnh đi rút tiền và mua thực phẩm ở phường 7, quận Phú Nhuận là không chính đáng, không thực tế, thiết yếu…” – bà Hải Đăng nói.

Nhận định về trường hợp này, luật sư Nguyễn Huy Việt cho rằng phường 7 phạt anh Nhật là không đúng, có sự ngộ nhận về tinh thần chỉ đạo của công văn 2279. Theo quy định nội dung công văn vẫn cho phép người dân ra đường mua lương thực, cấp cứu… Nội dung công văn không có giới hạn địa giới hành chính mà người dân có thể di chuyển.

“Nhu cầu rút tiền mặt để mua lương thực của anh Nhật là hoàn toàn chính đáng. Người dân cần tiền mặt để thanh toán cho rất nhiều nhu cầu khác như đổ xăng, mua thuốc men…” – luật sư Huy Việt phân tích.

Không đưa biên lai đóng tiền phạt là sai

Giải thích thêm việc chưa đưa biên lai phạt, bà Nguyễn Huỳnh Hải Đăng cho biết có hẹn anh Nhật ra phường lấy nhưng anh Nhật chưa lấy và phường vẫn còn giữ.

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Huy Việt, việc tổ công tác không xuất biên lai đóng tiền phạt cho người vi phạm là sai. Theo quy định thì cơ quan chức năng phải mang theo biên lai để xử phạt nóng, trực tiếp người vi phạm.

Theo Tuổi trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/di-ra-atm-rut-tien-mua-do-an-bi-phat-1-trieu-dung-hay-sai-20210713161510737.htm

Phường ở TP.HCM giao chỉ tiêu phạt người vi phạm Chỉ thị 16: Quận chấn chỉnh ngay

Ngày 13.7, mạng xã hội lan truyền văn bản có chỉ tiêu xử phạt người vi phạm Chỉ thị 16 phòng chống dịch Covid-19 tại P.6, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Ngay lập tức, Chủ tịch Q.Gò Vấp đã yêu cầu chấn chỉnh, thu hồi văn bản.

Hình ảnh này chưa có thuộc tính alt; tên tệp của nó là phi_dbpc.jpg

Lực lượng chức năng Gò Vấp kiểm tra trên đường Phan Huy Ích.ẢNH: ĐỘC LẬP

Theo đó, mạng xã hội đang lan truyền văn bản được cho là của UBND P.6, Q.Gò Vấp, TP.HCM về phân công công việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng. 

Cụ thể, văn bản yêu cầu tổ trực hành chính phản ứng nhanh có trách nhiệm trực hằng ngày tại cơ quan, đồng thời tiếp nhận và chuyển thông tin cho tổ tuần tra, giám sát xuống địa bàn giải quyết những vấn đề phát sinh khi có phản ánh của người dân.

Tổ tuần tra, giám sát hoạt động cả tuần (kể cả thứ bảy, chủ nhật) có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra địa bàn, không để xảy ra các trường hợp tập trung đông người và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch; đặc biệt tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp người dân ra khỏi nhà không thuộc các trường hợp quy định trên và không có lý do chính đáng.

Đáng chú ý, trong văn bản có nội dung chỉ tiêu phạt nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng. “Hằng ngày, tổ chức 1 chốt xử phạt trước cổng cơ quan UBND phường. Mỗi ca phải phạt 20 trường hợp” (đối với tổ trực hành chính). “Mỗi ca phải phạt 5 trường hợp” (đối với tổ tuần tra, giám sát).

Hình ảnh này chưa có thuộc tính alt; tên tệp của nó là chot3_uyfa.jpg

Người dân lưu thông qua Q.Gò Vấp vào ngày 12.7. ẢNH: VŨ PHƯỢNG

Ngay khi văn bản được chia sẻ trên mạng xã hội, trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Trí Dũng – Chủ tịch UBND Q.Gò Vấp cho biết đã nắm được thông tin, chấn chỉnh và yêu cầu thu hồi văn bản. “Quận yêu cầu P.6 tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm tra và xử phạt người vi phạm theo quy định. Không được áp đặt chỉ tiêu”, ông Dũng khẳng định. 

Ông Phan Đình An (Chủ tịch UBND P.6, Q.Gò Vấp) cũng cho hay, ngày 12.7, phường đã có văn bản điều chỉnh. Theo đó, hai nội dung liên quan chỉ tiêu xử phạt được sửa thành: “Mục tiêu xử lý tất cả các vấn đề phát sinh được phát hiện”. 

Trước đó, từ 0 giờ ngày 9.7, TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Người dân được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết. Các quán ăn, cửa hàng đóng cửa, chỉ có một số dịch vụ thiết yếu được phép tiếp tục hoạt động, trong đó có shipper.

Theo Thanh niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/doi-song/phuong-o-tphcm-giao-chi-tieu-phat-nguoi-vi-pham-chi-thi-16-quan-chan-chinh-ngay-1413746.html