Vượt qua Bắc Giang, vì sao dịch Covid-19 ở TP.HCM lây lan quá nhanh, “xô đổ mọi kỷ lục”?

Đến nay, TP.HCM có số ca mắc Covid-19 lên tới hơn 5800 ca và đang dẫn đầu cả nước, số ca mắc hàng ngày vẫn tăng, chỉ từ 6h sáng ngày 4/7 tới trưa đã có 430 ca nhiễm.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết, với số ca mắc hiện tại như ở TP.HCM dù “xô đổ mọi kỷ lục” nhưng thực tế điều đã được dự đoán trước và không bất ngờ.

BS Khanh cho biết, chỉ tính riêng mỗi ngày cũng có hàng chục ca nhiễm được phát hiện thông qua khám sàng lọc tại các bệnh viện. Từ những ca này, ngành y tế tiến hành truy vết lại các ổ dịch ở các khu nhà trọ, cơ sở sản xuất, chợ buôn bán và tiếp tục ghi nhận thêm các ca nhiễm mới. Ngoài ra, số ca mắc còn được xét nghiệm và ghi nhận ở trong khu vực phong toả.

So với ở Bắc Giang, hình thái lây nhiễm ở TP.HCM phức tạp hơn rất nhiều, khác biệt hơn.

Nếu ở Bắc Giang, dịch chủ yếu lây trong khu công nghiệp thì chỉ cần “chặn” ở khu công nghiệp, khu nhà trọ sẽ siết được virus, còn tại TP.HCM do địa bàn quá rộng, người dân đa ngành nghề. Từ chùm lây của hội nhóm truyền Phục hưng đã nhanh chóng lây ra ngoài nhiều quận huyện.

Khi chuỗi lây nhiễm này được kiểm soát thì lại xuất hiện rải rác các chùm lây nhiễm khác.

Vượt qua Bắc Giang, vì sao dịch Covid-19 ở TP.HCM lây lan quá nhanh, xô đổ mọi kỷ lục? - Ảnh 1.

Xét nghiệm tại TP.HCM

Người mắc bệnh làm quá nhiều nghề nghiệp khác nhau, nhiều địa phương khác nhau, lối sinh hoạt cũng phức tạp từ gia đình tới nhà trọ, khu làm việc. Ở làn sóng này, ghi nhận ổ nhiễm trong các hộ gia đình quá nhiều so với các tỉnh thành khác.

BS Khanh cũng cho biết, khi việc giãn cách xã hội chưa siết chặt, sự giao lưu, tiếp xúc trong các chợ đầu mối, chợ truyền thống, tòa nhà văn phòng… với mật độ giao lưu đông, việc mang khẩu trang, khoảng cách và khử khuẩn không đảm bảo càng khiến sự lây nhiễm thêm chồng chéo.

Ví dụ như riêng chùm ca bệnh tại chợ đầu mối Hooc Môn đã lây nhiễm ra cho hàng chục người và còn lây cho các tỉnh lân cận. Hay trong 1 công ty, tỷ suất lây nhiễm cũng lên tới hơn 20%. Đây thực sự là điều đáng báo động.

Một nhân viên lây ở cơ quan, ở chợ rồi về nhà làm lây cho các thành viên khác trong gia đình và vô tình tạo thành chuỗi lây âm thầm trong cộng đồng mà không thể chặn lại được.

BS Khanh nhận định, thời điểm hiện tại dù nhiều ca mắc nhưng vẫn chưa thể coi là là đỉnh dịch và người dân cần chuẩn bị có thể số ca nhiễm còn tăng khi xét nghiệm rộng hơn.

GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM – cho biết, người dân TP.HCM thường có sự tập trung mật độ dân ở khu chợ, hoặc khu đông dân cư nên khi có ca bệnh sẽ lây lan nhanh. Bên cạnh đó, đây là địa bàn có những nhà máy lớn đông công nhân, khu công nghiệp.

Do đó, khi một công nhân mắc Covid-19 không có triệu chứng đi vào làm việc cũng có khả năng lây lan cho cả một quần thể người lao động.

Ngoài ra, theo GS Lân, nhờ công tác tổ chức xét nghiệm diện rộng, không chỉ người trong khu cách ly, phong toả mà kể cả ở các khu cộng đồng dân cư cũng nhanh chóng phát hiện người dương tính.

Hiện nay, TP.HCM đang tăng tốc đẩy nhanh xét nghiệm nhanh kháng nguyên, BS Khanh cho rằng việc tăng cường xét nghiệm kháng nguyên hoàn toàn đúng hướng vừa đảm bảo nhanh có kết quả khoanh vùng, truy vết nếu phát hiện F0, cũng giúp người dân tiếp cận với các biện pháp xét nghiệm nhanh hơn.

Theo Sở Y tế TP.HCM, song song với việc triển khai xét nghiệm RT-PCR, Sở Y tế đã đề nghị Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh trên địa bàn thành phố, dự kiến thực hiện 150.000 – 200.000 xét nghiệm mỗi ngày, trung bình 6.000 – 8.000 mẫu/ngày/quận, huyện.

Như vậy trong thời gian tới, các trường hợp F1 được phát hiện sau khi điều tra dịch tễ, truy vết từ ca F0 sẽ được thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh, đồng thời lấy mẫu đơn RT- PCR.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/vuot-qua-bac-giang-vi-sao-dich-covid-19-o-tp-hcm-lay-lan-qua-nhanh-xo-do-moi-ky-luc-161210407153556858.htm

24 giờ qua, TP.HCM có thêm 559 ca COVID-19

Trong 24 giờ, TP.HCM ghi nhận 559 ca mắc COVID-19, trong đó có 22 trường hợp đang điều tra dịch tễ. Với 559 ca này, nâng tổng số từ đầu mùa dịch thứ 4 lên đến 6.034 ca và dẫn đầu cả nước trong tổng số 53 tỉnh, thành có dịch COVID-19.

24 giờ qua, TP.HCM có thêm 559 ca COVID-19 - Ảnh 1.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân TP.HCM tại Trường tiểu học Kỳ Đồng, phường 9, quận 3 – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Tối 4-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết tính từ 6h đến 18h ngày 4-7, Bộ Y tế đã công bố thêm 382 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM.

Như vậy tính từ 18h ngày 3-7 đến 18h ngày 4-7, TP.HCM ghi nhận 599 trường hợp nhiễm mới, gồm các bệnh nhân 19089-19305, 19335-19547, 19763-19902, 19904, 19906-19933.

Theo đó, 599 trường hợp nhiễm mới bao gồm 577 trường hợp là các tiếp xúc đã được truy vết, được cách ly hoặc ở trong khu vực phong tỏa và 22 trường hợp đang điều tra dịch tễ.

Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay), TP đã có tổng cộng 6.034 trường hợp nhiễm COVID-19 được Bộ Y tế công bố. Hiện TP.HCM dẫn đầu số ca mắc COVID-19 trong 53 tỉnh, thành có bệnh nhân COVID-19 (vượt Bắc Giang vào trưa 4-7). 

Trong cuộc họp nghe báo cáo và thảo luận về quy trình xét nghiệm và mạng lưới giám sát điều tra dịch tễ cùng ngày, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu cho biết TP sẽ thành lập Trung tâm điều hành xét nghiệm COVID-19 do 1 phó chủ tịch UBND TP phụ trách nhằm phân bổ lực lượng linh hoạt. 

Để đẩy nhanh tốc độ truy vết, mỗi quận huyện bổ sung 10-30 người chuyên điều tra truy vết tùy theo tình hình dịch bệnh của từng quận huyện.

HCDC cho biết TP đang tập trung giám sát điều tra dịch tễ, truy vết và xét nghiệm các trường hợp liên quan ca nhiễm COVID-19 một cách khoa học và phối hợp nhịp nhàng các đơn vị liên quan; tổ chức hoạt động phòng chống dịch theo phương châm: trật tự, an toàn, đúng diện, đúng điểm, thông suốt.

HCDC khuyến cáo người dân cần thực hiện nghiêm chỉ thị 10 của UBND TP và khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết, chủ động khai báo y tế khi nhận thấy bản thân có nguy cơ dịch bệnh. 

Trường hợp nằm trong khu vực phong tỏa, người dân cần thực hiện nghiêm các quy định để hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho bản thân và gia đình.

Theo Tuổi Trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/24-gio-qua-tp-hcm-co-them-559-ca-covid-19-20210704193055747.htm