Ước mơ ngày 8/3 của những người phụ nữ bán hàng rong ở TPHCM

Vẫn còn nhiều phụ nữ mà với họ, ngày 8/3 chỉ là một ngày bình thường như bao ngày lao động khác với mong ước kiếm đủ tiền trang trải cho bản thân và gia đình.

Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 là ngày mà cả thế giới tôn vinh và dành lời chúc tốt đẹp nhất đến các bà, các mẹ. Thế nhưng vẫn còn nhiều phụ nữ mà với họ, đó chỉ là một ngày bình thường như bao ngày lao động khác với mong ước kiếm đủ tiền trang trải cho bản thân và gia đình.

Vừa bán hàng, vừa phải trông cháu gái 5 tuổi, bà Trần Thị Kim Thơm, 71 tuổi (ngụ huyện Nhà Bè, TPHCM) đã gắn bó với công việc này hơn một năm nay. Bà Thơm cho biết, trước đây bà đi bán mũ, nón ngoài vỉa hè, nhưng do dịch bệnh và thường xuyên lỗ vốn nên bà quyết định chuyển sang sắm chiếc xe đẩy bán nước giải khát. Chiếc xe của bà cũng nhỏ xíu, chỉ vài ba chai nước ngọt và dụng cụ đơn giản để pha chế vì bà không đủ khả năng để đầu tư chiếc xe đẩy lớn hơn. Xe nhỏ nên bà cũng không bán cố định một nơi mà di chuyển nay đây mai đó.

Bà Trần Thị Kim Thơm và chiếc xe đẩy bán nước của mình.

Cô con gái bà đã lập gia đình. Do công việc bận rộn nên cô phải gửi con cho bà Thơm chăm nom sau giờ đi nhà trẻ. Mỗi ngày, cứ khoảng 18h – 24h, hai bà cháu lại rong ruổi đẩy xe nước bán quanh khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ. Mong ước của bà Thơm trong ngày 8/3 bây giờ, không phải là quà hay lời chúc mà là làm sao để bán hàng lời chút đỉnh để lo cho chính mình.

“Bữa nào mà bán được thì kiếm được hơn 100.000, không có thì khoảng 50.000 – 70.000. Giờ lớn tuổi rồi nên mình cũng không nghĩ đến ngày đó. Chỉ mong ước buôn bán có tiền, có sức khỏe để bán được hàng”.

Năm nay cũng trên 70 tuổi, bà Nguyễn Thị Út (ngụ Quận 1) mỗi tối vẫn đẩy chiếc xe lỉnh kỉnh bao lớn, túi bé đựng giấy, chai nhựa, đi dọc các con đường quanh khu vực Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão (Quận 1) nhặt ve chai. Ngày nào bà cũng chăm chỉ làm việc từ chiều tối đến đêm muộn, ve chai nhặt được đem về để bán vào sáng hôm sau. Tuổi đã cao, sức khỏe cũng ngày càng giảm sút nhưng bà không thể bỏ nghề nhặt ve chai vì không còn nguồn sống nào khác. 

Bà Út và và chiếc xe chất đầy ve chai.

Không chồng, không con, bà Út sống cùng gia đình anh trai trong ngôi nhà nhỏ được cha mẹ để lại ở con hẻm trên đường Đề Thám, quận 1. Căn nhà nhỏ nhưng có tới 3 thế hệ cùng sinh sống. Gia cảnh người anh trai của bà cũng hết sức khó khăn. Ông mắc bệnh nặng, nằm liệt giường, nhà lại còn có một người cháu cũng không thể đi lại được. Những người cháu khác cũng  không khấm khá gì nên bà Út phải tự mình làm lụng nuôi sống bản thân.

Bà Út kể, những hôm đi nhặt ve chai về muộn người bà đầy bụi bẩn, mồ hôi, sợ mọi người thức giấc nên bà đành co ro ngủ ngoài hiên nhà cho đến sáng hôm sau. Mỗi ngày, bà bán cho vựa thu mua ve chai và nhận được khoảng 30.000 – 50.000 đồng.

Những ngày này, các tiệm hoa ngoài đường tấp nập người mua kẻ bán, nhưng bà Út chẳng hề quan tâm, vì với bà đó là những thứ xa xỉ mà cả cuộc đời bà chưa một lần được đụng vào. Đêm đêm, bà vẫn một mình lầm lũi bên chiếc xe nhặt ve chai kiếm sống: “8/3 chưa bao giờ được nhận hoa, quà bao giờ. Mấy năm nay, từ ngày đi nhặt ve chai đến giờ không có nhận được những thứ đó. Lâu lâu thì được mọi người cho đồ ăn như bánh mì, hộp cơm thôi, chứ quà thì không”.

Niềm vui giản đơn

Trong những người chúng tôi gặp, chị Lê Xuyến năm nay 40 tuổi quê ở Hà Nam lại có phần may mắn hơn. Hai vợ chồng vào TPHCM lập nghiệp từ 20 năm trước, bươn chải kiểm sống từ nghề buôn bán dạo. Đến nay, đứa con gái lớn 18 tuổi của chị đã nghỉ học đi làm thuê ở quê, con gái thứ vẫn đang học lớp 2. Cả hai vợ chồng mỗi ngày chia nhau đẩy chiếc xe chất đầy rau củ bán dạo khắp thành phố. Thu nhập mỗi ngày khoảng 200.000 đồng. Cả hai vợ chồng gộp lại cũng chỉ đủ để chi trả tiền thuê căn phòng hơn 15m vuông ở quận Gò Vấp, tiền ăn và lo cho con gái út học hành.

Chị Lê Xuyến và chiếc xe chở rau của mình.

19h, chị Xuyến vừa xếp lại những bó rau chưa bán hết vừa tâm sự, hai vợ chồng chị vào đây, xin việc các công ty, xí nghiệp cũng khó vì không có bằng cấp gì. Nhưng chị may mắn hơn nhiều người khác vì cả hai đều còn sức khỏe, tự kiếm sống bằng sức lao động của mình.

Ngày lễ, chị chỉ mong có thể bán hết hàng và được về nhà từ sớm để lo cơm nước cho cả nhà: “Nói chung mình nghĩ ngày này chỉ là ngày bình thường. Vì mình không có gì hết nên đơn giản chỉ cần bán đắt hàng, không mong điều gì khác”.

Không hoa, không quà, ngày 8/3 của những người phụ nữ bán hàng rong mà chúng tôi đã gặp đơn giản chỉ là mong sao có sức khỏe để tiếp tục cuộc sống mưu sinh mỗi ngày./. 

Theo Vũ Hường/VOV-TPHCM

Nguồn: https://vov.vn/xa-hoi/uoc-mo-ngay-83-cua-nhung-nguoi-phu-nu-ban-hang-rong-o-tphcm-841287.vov