TP.HCM sau ngày 30.9: Đừng nóng vội chen chân ngoài đường kẻo hối không kịp

TP.HCM sau ngày 30.9 có nới lỏng giãn cách hay tiếp tục Chỉ thị 16 thì mỗi người dân cũng nên tự ý thức 5K, vì mình và mọi người. Nhịp sống bình thường mới càng có ý nghĩa khi an toàn được đặt lên hàng đầu.

Đường Hà Nội đông nghẹt người đêm trung thu khiến nhiều người lo lắng /// Ảnh Giang Ngọc

Đường Hà Nội đông nghẹt người đêm trung thu khiến nhiều người lo lắng. ẢNH GIANG NGỌC

Những hình ảnh người dân Hà Nội đổ ra đường kẹt cứng trong đêm trung thu 21.9, khi nơi này vừa có thông báo nới lỏng giãn cách khiến cho nhiều bạn đọc Báo Thanh Niên cảm thấy lo lắng. Được đi ra đường sau nhiều ngày trong nhà là ước mơ của nhiều người. Nhưng, những hình ảnh đó cho thấy mọi người không thực hiện 5K . “Tôi mong TP.HCM sau ngày 30.9, dù có nới lỏng giãn cách, mọi người đừng vội chen chân ra đường”, Nguyễn Văn Thanh Tuấn, 18 tuổi, chia sẻ.

Đừng vội chen chân ra đường!

Tuấn là sinh viên Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng, trong đội tình nguyện viên hỗ trợ F0 của phường Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM. Anh vẫn theo dõi tình hình dịch bệnh các địa phương và cảm thấy lo lắng nếu ngay sau khi nới lỏng giãn cách, người dân đã chen chân ra đường. “Chỉ cần trong đám đông có một F0 thôi, hệ quả sẽ như thế nào”, anh nói.

Tuấn cho rằng TP.HCM nên tiếp tục giãn cách thêm khoảng 2 tuần nữa sau ngày 30.9 để tình hình dịch bệnh ổn định thêm vì hiện tại số lượng các ca F0 mới trong cộng đồng chưa giảm. “Tuy nhiên, nếu thành phố có quyết định sau 30.9 sẽ được nới lỏng giãn cách, thì tôi cũng mong người dân nên tuyệt đối tuân thủ 5K. Chỉ ra ngoài khi đi làm, giải quyết công việc thật sự cần thiết, còn lại thì nên ở trong nhà, đừng tập trung đông người. Tôi cũng cho rằng thời gian sau ngày 30.9, các hàng quán ăn uống, cà phê của thành phố chưa phục vụ tại chỗ ngay mà vẫn nên tiếp tục duy trì hình thức bán mang về cho các shipper để an toàn hơn”, Tuấn chia sẻ.

TP.HCM sau ngày 30.9: Đừng nóng vội chen chân ngoài đường kẻo hối không kịp - ảnh 1

Nhiều người mong nhịp sống bình thường mới trở lại, nhưng người dân cũng nên tuân thủ 5K. ẢNH MINH HỌA BẢO VY

Cùng quan điểm này, Trần Mai Trọng, 23 tuổi, trú P.10, Q.3, TP.HCM, F0 đã khỏi bệnh và từng hỗ trợ chăm sóc F0 tại Bệnh viện dã chiến thu dung số 2, cho biết thành phố chưa nên vội vàng đồng loạt mở cửa sau ngày 30.9 mà nên siết chặt hơn nữa để đảm bảo an toàn cho cộng đồng. “Tôi mong muốn thành phố trở lại trạng thái bình thường mới nhưng phải an toàn”, Trọng cho hay. Chàng trai từng trải qua những ngày là bệnh nhân phải điều trị ở bệnh viện dã chiến thu dung cho rằng, người dân đừng chủ quan, nóng vội với Covid-19.

Anh Nguyễn Hoàng Đại, 31 tuổi, Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự P.2, Q.8, TP.HCM, cũng mong người dân sau ngày 30.9 vẫn tuân thủ nguyên tắc 5K về phòng chống dịch bệnh, luôn nâng cao tinh thần phòng chống dịch, để thành phố nhanh chóng trở lại bình thường.

Diệu Linh, 9X, tình nguyện viên chống dịch ở Thành đoàn TP.Thủ Đức, TP.HCM, cho hay, cô mong sau ngày 30.9, thành phố sẽ nới lỏng giãn cách ra hơn một chút bởi sau nhiều tháng ở trong nhà, chưa ra đường làm việc được, người dân cũng đã rất khó khăn nên cần được đi làm để có thu nhập. “Song, dù nới lỏng, người dân cũng vẫn phải thực hiện đúng 5K, tuân thủ khoảng cách, khẩu trang, sát khuẩn… nhất là ở nơi công cộng và nơi làm việc”, cô chia sẻ.

TP.HCM sau ngày 30.9: Đừng nóng vội chen chân ngoài đường kẻo hối không kịp - ảnh 2

5K, khi quay về nhịp sống bình thường mới để an toàn cho mình và cộng đồng. ẢNH MINH HỌA BẢO VY

Bác sĩ khuyên gì?

Bác sĩ Đặng Văn Đạt, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức, TP.Thủ Đức, TP.HCM, người trực tiếp điều trị cho các F0, cho hay trong thời gian qua, các bạn trẻ cả nước cũng như người dân TP.HCM trải qua thời gian giãn cách kéo dài theo Chỉ thị 16 nghiêm ngặt nhất của chính phủ, ai ở đâu ở yên đó. Sau ngày 30.9, thành phố có thể nới nới lỏng giãn cách, thực hiện chiến lược sống chung với dịch, mọi hoạt động giao thương hàng hóa, các nhà máy, xí nghiệp nên được hoạt động trở lại. Song, theo bác sĩ Đạt, dù như thế nào, mỗi người dân, mỗi bạn trẻ cần tiếp tục tuân thủ các quy định phòng chống dịch trong trạng thái bình thường mới.

“Nên đảm bảo cho bản thân đủ hai mũi vắc xin đúng thời gian quy định để đạt nồng độ kháng thể tốt nhất chống lại vi rút. Luôn tuân thủ 5K ở mọi lúc mọi nơi. Không tập trung đông người. Tránh ở những nơi có không gian kín. Khẩu trang đảm bảo chất lượng (ví dụ N95) là một mắt xích quan trọng để ngăn ngừa vi rút xâm nhập vào cơ thể. Hiện trên thị trường có rất nhiều loại khẩu trang nhưng không đảm bảo chất lượng, không có khả năng phòng chống dịch”, bác sĩ Đạt nhấn mạnh.

TP.HCM sau ngày 30.9: Đừng nóng vội chen chân ngoài đường kẻo hối không kịp - ảnh 3

Nhiều lao động gặp khó khăn sau thời gian giãn cách dài, nhưng vẫn luôn tuân thủ 5K kể cả khi trở về nhịp sống bình thường mới. ẢNH MINH HỌA BẢO VY

Theo bác sĩ Đạt, TP.HCM sau ngày 30.9, người dân cũng đừng quên các thói quen rất quan trọng trong phòng chống dịch bệnh như: sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh chạm tay lên mắt, mũi, miệng. Thường xuyên khử khuẩn các vật thể, bề mặt tiếp xúc. Không khạc, nhổ, vứt rác khẩu trang bừa bãi. Che miệng và mũi khi ho, hắt hơi. Kiểm tra thân nhiệt hàng ngày, thông báo kịp thời với cơ sở y tế các trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác.

“Sau ngày 30.9, mỗi người dân TP.HCM đừng quên việc chủ động khai báo tạm trú, tạm vắng đối với bạn bè, người thân đến lưu trú. Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý xây dựng lối sống lành mạnh, tuân thủ các khuyến cáo của Bộ y tế trong công tác phòng chống dịch. Bên cạnh việc tiêm vắc xin + tuân thủ 5K thì ý thức mỗi người dân trong phòng chống dịch góp phần rất quan trọng đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian tới”, bác sĩ Đạt khuyên.

Theo Thanh niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/gioi-tre/tphcm-sau-ngay-309-dung-nong-voi-chen-chan-ngoai-duong-keo-hoi-khong-kip-1453230.html

Phó Bí thư Hà Nội: Thành quả chống dịch bị thách thức rất lớn sau việc người dân đổ ra đường đêm Trung thu

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, thành quả chống dịch trong thời gian qua của cả thành phố hiện đang bị thách thức rất lớn sau việc người dân đổ ra đường đêm Trung thu.

Tối 21/9 – đêm Trung thu, ngày đầu tiên Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, chuyển áp dụng từ Chỉ thị 16 xuống 15, người dân đổ ra đường khá đông, nhiều tuyến đường phố cổ bị ùn ứ cục bộ. Từ những hình ảnh dòng người chen chúc, ken đặc đổ về trung tâm chơi Trung thu, nhiều người lo ngại nguy cơ tái bùng phát dịch ở Thủ đô.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong ngày 22/9 nhận định, Hà Nội vẫn có nguy cơ bùng phát dịch bệnh bất cứ lúc nào. Một trong những nguy cơ đó chính là sự chủ quan của cả một số cơ quan quản lý và người dân.

“Việc tối Trung thu người dân đổ ra đường đông như vậy là không thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch, thể hiện sự chủ quan, coi thường sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng”, ông Phong nói và bày tỏ “rất đáng trách” khi nhiều phụ huynh đã đưa cả trẻ em đi cùng.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, thành quả chống dịch trong thời gian qua của cả thành phố, trong đó có đóng góp quyết định của nhân dân Thủ đô hiện đang bị thách thức rất lớn. Ông mong rằng người dân rút kinh nghiệm, tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định phòng chống dịch, nhất là thường xuyên theo dõi sức khỏe và khai báo y tế.

“Công tác chống dịch chỉ đem lại kết quả thực chất khi tất cả chúng ta cùng đồng lòng và tự giác chấp hành các quy định về phòng chống dịch. Đừng để thành quả bước đầu đạt được, công sức của chúng ta uổng phí vì sự chủ quan”, ông Phong nhấn mạnh.

Phó Bí thư Hà Nội: Thành quả chống dịch bị thách thức rất lớn sau việc người dân đổ ra đường đêm Trung thu - Ảnh 1.

Người Hà Nội đổ ra đường chơi Trung thu tối 21/9, nhiều tuyến đường ùn tắc cục bộ (Ảnh: Đinh Huy)

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, dù Hà Nội nới lỏng giãn cách, nhưng khuyến cáo người dân chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Người dân cần phải cảnh giác cao độ, vì nếu trong đêm Trung thu có 1 F0, thì dịch bệnh dễ lây lan, “không biết ai lây cho ai”.

“Điều này gây khó khăn trong việc truy vết, xác định các ổ dịch mới và phòng chống dịch”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Ông Phu nhắc lại Hà Nội có lượng người đi lại nhiều, giao lưu lớn nên toàn thành phố cần cảnh giác, tránh dịch lây lan, chỉ ra đường khi cần thiết.

“Việc vui chơi là điều người dân mong muốn nhưng lúc này nên tạm gác lại, có thể để dịp sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn. Đây là bài học cảnh báo cho tâm lý xả hơi sau giãn cách của người dân”, ông Phu nói.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho hay, nguy cơ bùng phát dịch tại Hà Nội có thể từ tình trạng dòng người ken đặc ở các tuyến phố lớn đêm qua.

Phó Bí thư Hà Nội: Thành quả chống dịch bị thách thức rất lớn sau việc người dân đổ ra đường đêm Trung thu - Ảnh 1.

“Mặc dù nới lỏng giãn cách và xét nghiệm diện rộng, nhưng không thể đảm bảo đã bóc tách hết F0 lẩn khuất trong cộng đồng. Từ đó, nguy cơ bùng phát dịch luôn hiện hữu”, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng nói.

Theo ông Hùng, việc đổ ra đường đi chơi đêm Trung thu cho thấy người dân có tâm lý chủ quan và vi phạm quy định giãn cách.

“Thành quả của Hà Nội sau 4 đợt giãn cách xã hội có thể bị xô đổ chỉ sau một dịp lễ Trung thu”, PGS Nguyễn Việt Hùng cho hay.

Trước đó, từ 6h ngày 21/9, Hà Nội áp dụng Chỉ thị 15 và một số biện pháp cao hơn phù hợp với tình hình thực tế, cho phép nhiều hoạt động, dịch vụ được mở cửa trở lại như cắt tóc, gội đầu, cửa hàng ăn uống,…

Trong cuộc họp Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 chiều 21/9, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn, các đơn vị không được lơ là chủ quan, thực hiện nghiêm túc tinh thần của Chỉ thị 22 của Thành phố. Trong đó, cần quan tâm 3 “trụ cột” chính là kiểm soát, chủ động trước tình hình dịch bệnh; đảm bảo sức khỏe cho người dân và đảm bảo sản xuất kinh doanh an toàn.

“Mục tiêu cuối cùng, cao nhất, số một là đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người dân sau đó mới phục hồi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh”, Phó Chủ tịch Hà Nội khẳng định.

Ông Hải đề nghị các địa phương bám sát 8 nguyên tắc trong phòng, chống dịch. Trong đó, đặc biệt lưu ý tiếp tục duy trì phong tỏa hẹp, quản lý chặt các “điểm đỏ” trên địa bàn. Đồng thời, rà soát cơ sở dữ liệu phục vụ phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh nhằm đảm bảo sức khỏe người dân, đảm bảo an sinh xã hội, sản xuất kinh doanh theo từng chức năng, nhiệm vụ…

Đợt dịch thứ 4 tính từ ngày 27/4 đến trưa nay, Hà Nội có tổng 3.950 ca Covid-19, trong đó 1.599 ca ngoài cộng đồng và 2.351 người đã được cách ly.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/pho-bi-thu-ha-noi-thanh-qua-chong-dich-bi-thach-thuc-rat-lon-sau-viec-nguoi-dan-do-ra-duong-dem-trung-thu-161212209152146768.htm