TP Buôn Ma Thuột đính chính văn bản, khẳng định không ‘ngăn sông cấm chợ’

TTO – Lãnh đạo TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk cho biết đang điều chỉnh một văn bản ban hành trước đó gây hiểu nhầm là “ngăn sông cấm chợ”…

Phó chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột Đoàn Ngọc Thượng cho biết văn bản 505 đang được điều chỉnh trong hôm nay – Ảnh: TR.TÂN

Sáng 4-2, ông Đoàn Ngọc Thượng, phó chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, xác nhận văn bản lan truyền trên mạng (văn bản số 505 ngày 3-2) gây hiểu nhầm thành phố này “ngăn sông cấm chợ” đang được điều chỉnh theo hướng “ghi nhận ý kiến từ dư luận”.

Theo ông Thượng, để phòng chống sự lây lan của dịch COVID-19, ngày 3-2, ông thay mặt UBND TP Buôn Ma Thuột ký văn bản 505 yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm việc phát hiện, cách ly đối với những người từ các tỉnh, thành phố đã có ca nhiễm COVID-19.

Văn bản này quy định: các trường hợp đi từ các tỉnh đã công bố dịch như Hải Dương, Gia Lai, Bình Dương, TP.HCM, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hòa Bình, Bắc Giang thì thực hiện cách ly tại nhà, cơ sở lưu trú trong 21 ngày.

Đặc biệt các địa phương thực hiện việc xử lý nghiêm đối với các trường hợp từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng các biện pháp cách ly.

Sau khi văn bản 505 ra đời, nhiều người dân đang tạm trú tại các địa phương nêu trên lo lắng không được về quê. Nếu về TP Buôn Ma Thuột sẽ bị cách ly 21 ngày sẽ ‘hết tết’ và không thể đi làm trở lại đúng thời hạn sau Tết Nguyên đán…

Về vấn đề này, ông Thượng khẳng định văn bản 505 đúng là có gây hiểu nhầm và thành phố đang cho điều chỉnh. Theo đó, đối với công dân trở về Buôn Ma Thuột từ các tỉnh thành nêu trên (Hải Dương, Gia Lai, Bình Dương, TP.HCM, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hòa Bình, Bắc Giang) cần khai báo y tế đầy đủ, đeo khẩu trang thường xuyên và hạn chế đến những nơi đông người.

“Chỉ những công dân trở về từ những khu vực đang có ca bệnh, phải cách ly thì tự cách ly tại nhà. Với những trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh thì thực hiện cách ly tập trung, triển khai các bước xét nghiệm theo quy định”, ông Thượng nói.

THEO TRUNG TÂN/TUỔI TRẺ

Nguồn: https://tuoitre.vn/tp-buon-ma-thuot-dinh-chinh-van-ban-khang-dinh-khong-ngan-song-cam-cho-20210204075055464.htm

Xem thêm: Dịch Covid-19 ở Gia Lai đang có xu hướng lan rộng

Theo UBND tỉnh Gia Lai, dịch Covid-19 ở Gia Lai đang có xu hướng lan rộng và có những diễn biến phức tạp

Lực lượng Quân đoàn 3 thực hiện tiêu độc, khử trùng tại TX.Ayun Pa, Gia Lai  /// ẢNH: TRẦN HIẾU
Lực lượng Quân đoàn 3 thực hiện tiêu độc, khử trùng tại TX.Ayun Pa, Gia Lai
ẢNH: TRẦN HIẾU

Chiều 3.2, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai để tiếp tục triển khai các phương án phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại tỉnh này. Cùng tham dự có đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên, Viện Pasteur TP.HCM, các bệnh viện: Bạch Mai, Chợ Rẫy.

Theo UBND tỉnh Gia Lai, dịch Covid-19 ở Gia Lai đang có xu hướng lan rộng và có những diễn biến phức tạp. Đến chiều 3.2, Gia Lai có 14 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, dịch bệnh đã lan rộng đến 5 huyện, thị xã, thành phố gồm: Ayun Pa, Ia Pa, Phú Thiện, Krông Pa và Pleiku.

Sau khi phát hiện ca dương tính đầu tiên, ngành y tế Gia Lai đã tập trung điều tra dịch tễ các ổ dịch và truy vết được gần 5.500 trường hợp; trong đó có liên quan tiếp xúc gần với ca bệnh là 1.197 trường hợp F1 và gần 4.300 trường hợp F2. Tại 17 huyện, thị xã, thành phố đều có đội lấy mẫu và khi phát hiện ca dương tính thứ 14 thì công tác lấy mẫu xét nghiệm tiếp tục đẩy mạnh. Gia Lai có 33 điểm cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh với khoảng trên 5.000 người. Hiện nay đã tiếp nhận tại 14 điểm với số lượng 1.321 người đang cách ly tập trung.

Ông Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên, cho biết: “Hiện đã truy vết được 259 F1, và hầu hết đều đã được xét nghiệm. Ngành y tế cũng đã truy vết được hơn 1.000 F2. Sắp tới, nếu dịch lan rộng, nếu lấy cả F1, F2 để truy vết thì sẽ xét nghiệm khoảng 3.000 mẫu/ngày. Chúng ta đang thiếu lực lượng lấy mẫu, tuy vậy cán bộ, nhân viên của viện sẽ bám trụ đến cùng ở điểm nóng cho đến khi hết dịch”.

PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, nói: “Chúng tôi đang điều 2 máy tự động tách chiết mẫu hiện đại từ Viện Pasteur Nha Trang và Viện Pasteur TP.HCM ra giúp CDC Gia Lai nhằm tăng công suất tách chiết mẫu, nhằm giải phóng sức lao động cho kỹ thuật viên xét nghiệm”. Theo ông Lân, kể cả sau này khi có vắc xin thì công cuộc phòng chống dịch còn lâu dài, cần thiết phải có sẵn kịch bản chống dịch để chủ động. Bên cạnh đó, ông Tuyên đề nghị nâng công suất xét nghiệm, ít nhất 3.000 mẫu/ngày.

Theo Trần Hiếu/Thanh niên Online

Nguồn: https://thanhnien.vn/thoi-su/dich-covid-19-o-gia-lai-dang-co-xu-huong-lan-rong-1338195.html