Thuốc uống điều trị Covid-19 mở ra hy vọng chấm dứt đại dịch

Mỹ đang thử nghiệm giai đoạn 3 loại thuốc điều trị Covid-19 qua đường uống và có thể đưa ra thị trường vào cuối năm nay.

Đây là một tin vui với tất cả người dân trên toàn thế giới trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Loại thuốc kháng virus có tên Molnupiravir của Mỹ đang là ứng viên tiềm năng nhất cho hy vọng chấm dứt đại dịch Covid-19 trong tương lai gần.

Thuốc Molnupiravir được phát triển bởi sự hợp tác giữa 2 công ty Rigibel (Đức) và Merk (Mỹ). Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đã hoàn tất với hiệu quả 100% trên các bệnh nhân Covid-19. Sau 5 ngày, tải lượng virus của bệnh nhân xuống thấp đến ngưỡng không lây lan.

Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 cũng gần đi đến chặng cuối với hiệu quả rất tốt, dự kiến sẽ có kết quả ngay trong mùa thu năm nay.

Thuốc uống điều trị Covid-19 mở ra hy vọng chấm dứt đại dịch

Thuốc Molnupiravir mang đến nhiều kỳ vọng cho người dân khắp thế giới

Nếu quá trình nghiên cứu suôn sẻ, thuốc Molnupiravir sẽ được đưa ra thị trường trong 4-5 tháng tới.

Loại thuốc này được nghiên cứu dựa trên thuốc gốc chống lại virus cúm, có tác dụng ức chế sự sao chép của các virus RNA trong đó có SARS-CoV-2 khiến virus không nhân lên và bị đào thải rất nhanh, giúp bệnh nhân khỏi bệnh. Đặc biệt, thuốc có rất ít tác dụng phụ, phổ biến là nhức đầu, mất ngủ.

Molnupiravir sử dụng dễ dàng qua đường uống, điều trị các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 giai đoạn đầu. Theo đó, mỗi bệnh nhân sẽ uống 2 liều mỗi ngày và duy trì trong 5 ngày ngay tại nhà.

Nếu nghiên cứu pha 3 thành công, trong tương lai việc điều trị SARS-CoV-2 sẽ giống như điều trị các loại cúm khác.

Hiện tại, Chính phủ Mỹ đã chi khoảng 1,2 tỉ USD để mua 1,7 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir sử dụng cho các bệnh nhân Covid-19. Nếu kết quả thành công, FDA của Mỹ sẽ cấp phép cho loại thuốc này.

Từ tháng 3 năm ngoái, sau khi phát hiện hàng triệu con chồn bị chết hàng loạt tại các trang trại ở Hà Lan và Nauy do một chủng coronavirus, nhóm nghiên cứu đã cho chồn sử dụng thuốc Molnupiravir. Kết quả không phát hiện virus trong các con chồn bị bệnh sau 24 giờ. Từ kết quả đó, nhóm nghiên cứu tiếp tục phát triển, nâng cấp thuốc Molnupiravir để thử nghiệm trên người.

Ngày 9/7 vừa qua, Phòng thí nghiệm Hetero của Ấn Độ cũng đang xin cơ quan quản lý cấp phép thuốc Molnupiravir để sử dụng trong chương trình khẩn cấp sau khi nghiên cứu thử nghiệm ban đầu cho thấy thuốc có tác dụng giảm tỉ lệ nhập viện và tăng tốc độ hồi phục của các bệnh nhân Covid-19 nhẹ.

Theo Vietnam.net

Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/thuoc-uong-dieu-tri-covid-19-mo-ra-hy-vong-cham-dut-dai-dich-756280.html

Bộ trưởng Bộ Y tế: Đợt dịch lần này sẽ kéo dài hơn trước, gây tác động trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống người dân

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định đợt dịch Covid-19 lần này sẽ kéo dài hơn so với trước, gây tác động trên diện rất rộng, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống, phát triển kinh tế xã hội, nhất là các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam.

“Trong những ngày tới, có thể gia tăng nhiều ca mắc mới, nhiều bệnh nhân tử vong”

Sáng 16/7, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến công tác phòng chống dịch toàn quốc. Hội nghị kết nối đến gần 130 điểm cầu trong cả nước.

Bộ trưởng cho biết, thời gian qua nhiều biện pháp phòng chống dịch Covid-19 quyết liệt đã được triển khai. Tuy nhiên, tại một số địa phương, đặc biệt là TP.HCM và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ đang đối mặt với sự bùng phát dịch hết sức phức tạp. Trong những ngày tới, có thể gia tăng nhiều ca mắc mới, nhiều bệnh nhân tử vong.

Bộ trưởng nhận định, đợt dịch này sẽ kéo dài hơn so với các đợt dịch trước, gây tác động trên diện rất rộng, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống, phát triển kinh tế xã hội, nhất là các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam.

Bộ trưởng Bộ Y tế: Đợt dịch lần này sẽ kéo dài hơn trước, gây tác động trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống người dân - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: Bộ Y tế)

Theo Bộ trưởng, các đợt dịch trước chỉ một đến một tháng rưỡi là kết thúc. Biến chủng Delta (lần đầu tiên ghi nhận tại Ấn Độ) lây lan nhanh, tốc độ tấn công tăng gấp 2 – 3 lần so với các đợt dịch trước. Do tốc độ bám dính của biến chủng Delta đối với tế bào vật chủ, khả năng nhân lên nhanh với số lượng lớn trong tế bào dẫn đến việc phá huỷ tế bào, phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh trong thời gian ngắn. Chu kỳ lây nhiễm hiện nay chỉ còn 2 ngày chứ không phải 5 ngày như trước đây.

“Dù chúng ta triển khai chống dịch quyết liệt, rất cố gắng, nhưng kết quả chưa được như mong muốn”, Bộ trưởng nói và dẫn chứng việc thực hiện Chỉ thị 16 tại một số địa phương chưa nghiêm túc, chưa đầy đủ, chưa quyết liệt, còn chần chừ và nấn ná.

Người dân đi lại vẫn nhộn nhịp, cửa hàng siêu thị vẫn mở dù Chỉ thị 16 quy định chỉ mở các dịch vụ thiết yếu như thực phẩm, thuốc men. Chợ vẫn họp đông, thì không thể chấm dứt chuỗi lây nhiễm được. Các khu công nghiệp cũng chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế.

“Có địa phương chưa kiểm tra, chưa giám sát, chưa xét nghiệm, đặc biệt là tâm thế chuẩn bị cho tình hình dịch lan rộng kéo dài còn rất lần chần. Một số nơi vẫn còn trông chờ vào Trung ương, ngại mua sắm”, Bộ trưởng Bộ Y tế thẳng thắn.

Ông đề nghị các địa phương đánh giá, rà soát lại các kịch bản, chuẩn bị cho tình hình dịch phức tạp hơn.

Những thay đổi về chiến lược cách ly, xét nghiệm và điều trị phù hợp với thực tiễn

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin một số thay đổi cơ bản trong phòng chống dịch hiện nay.

Về vấn đề cách ly: Giảm thời gian cách ly, dù có rủi ro nhưng chấp nhận rủi ro ở mức thấp. Đồng thời thí điểm cách ly F1 tại nhà, có thể áp dụng theo hướng dẫn của Bộ Y tế nếu đảm bảo các tiêu chí, thay đổi trong xét nghiệm.

Về xét nghiệm: Trước đây chủ yếu sử dụng xét nghiệm PCR là chính, bây giờ sử dụng test nhanh là chính, để tối ưu hóa và trả kết quả nhanh, đưa F0 ra khỏi cộng đồng càng nhanh càng tốt. Lý do vì đặc tính virus phát tán mạnh, một người nhiễm, là cả gia đình và những người tiếp xúc gần có thể bị nhiễm.

Đặc biệt để tiết kiệm test nhanh, Bộ Y tế kiến nghị gộp mẫu, nhất là TP.HCM nơi có tỷ lệ nhiễm cao, đặc biệt khu vực diễn biến phức tạp có thể sử dụng test nhanh gộp 3 – 5 mẫu trong một test.

Điều này vừa tiết kiệm vừa đảm bảo tốc độ, đảm bảo độ nhạy gần tương đương mẫu đơn. Dù vậy, Bộ trưởng lưu ý với vùng nguy cơ cao không nên gộp quá nhiều mẫu test nhanh, tối đa chỉ nên 5 mẫu.

Bộ trưởng Bộ Y tế: Đợt dịch lần này sẽ kéo dài hơn trước, gây tác động trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống người dân - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh: Bộ Y tế)

Về điều trị bệnh nhân Covid-19: Bộ Y tế đã có những thay đổi về chiến lược điều trị, trong đó thiết lập phân tầng theo các khu vực khác nhau.

Thứ nhất, khu vực dành cho điều trị bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng sẽ điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu phù hợp với diễn tiến bệnh. Điều này tránh lãng phí nhân lực và trang thiết bị, cơ sở điều trị.

Thứ hai, đối với bệnh nhân có triệu chứng, sẽ chuyển điều trị tại các cơ sở y tế.

Thứ ba, bệnh nhân nặng, rất nặng chuyển đến điều trị tại các bệnh viện đa khoa, bệnh viện dã chiến có đơn vị điều trị hồi sức tích cực (ICU).

“Chúng tôi khuyến nghị các địa phương thiết lập khu vực điều trị ICU tại các bệnh viện dã chiến để có thể nâng cao năng lực khi cần và giảm lây nhiễm chéo trong bệnh viện”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Bộ trưởng nói rõ, nếu bệnh nhân không triệu chứng có 2 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 hoặc 2 lần xét nghiệm dương tính nhưng chỉ số nồng độ virus thấp (giá trị CT >=30), thì được xuất viện vì khả năng lây ra cộng đồng hầu như không có. Tuy nhiên, các trường hợp này vẫn phải theo dõi, giám sát y tế tại nơi lưu trú trong 14 ngày.

Với trường hợp dương tính SARS-CoV-2 phát hiện tại cộng đồng, nếu giá trị CT>=30 thì chuyển đến cơ sở y tế và lấy mẫu xét nghiệm lần 2 sau 24h. Nếu kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính hoặc dương tính nhưng giá trị CT>=30 thì bệnh nhân được xuất viện và thực hiện theo dõi, giám sát y tế như trên.

Bộ Y tế cũng đã tổng kết hơn 400 trường hợp tái dương tính sau khi ra viện và không ghi nhận trường hợp nào lây lan ra cộng đồng. Vì vậy, khi các địa phương phát hiện trường hợp tái dương tính trong cộng đồng, không phải thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý ổ dịch. Các trường hợp này cần tiếp tục theo dõi y tế, nếu xuất hiện triệu chứng thì liên hệ ngay với cơ sở y tế để được chăm sóc, theo dõi.

“Những thay đổi này giảm được thời gian nằm viện của bệnh nhân không triệu chứng và bệnh nhân nhẹ để tập trung điều trị bệnh nhân nặng tại các cơ sở điều trị”, GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Việt Nam đã đàm phán thành công được khoảng 170 triệu liều vaccine Covid-19 từ các nguồn khác nhau

Liên quan đến công tác tiêm chủng vaccine Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay, Việt Nam đã đàm phán thành công được khoảng 170 triệu liều từ các nguồn khác nhau.

Tuy nhiên, do mức độ khan hiếm của vaccine trên toàn cầu, nên dù đã có những hợp đồng mua từ tháng 11/2020, hay những cam kết thoả thuận từ tháng 9/2020, nhưng đến nay Việt Nam mới bắt đầu nhận được những lô vaccine theo cam kết. Tình trạng nguồn cung vaccine hạn chế sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 9/2021.

Do đó, trước mắt Bộ Y tế ưu tiên phân bổ vaccine cho các tỉnh, thành phố đang có dịch, các địa phương là đầu tàu phát triển kinh tế xã hội để đảm bảo đạt được mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội.

“Khi vaccine về, các tỉnh, thành phố phải triển khai ngay kế hoạch tiêm chủng, lựa chọn tiêm theo đúng đối tượng trong Nghị quyết 21”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/bo-truong-bo-y-te-dot-dich-lan-nay-se-keo-dai-hon-truoc-gay-tac-dong-tren-dien-rong-anh-huong-nghiem-trong-doi-song-nguoi-dan-161211607103659692.htm

TP.HCM tính chuyện kẻ ô bàn cờ trên lòng lề đường để… mang chợ xuống phố

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhìn nhận thay vì tổ chức bán ở trong chợ thì bây giờ kẻ ô, kẻ vạch dưới lòng lề đường, vỉa hè đảm bảo khoảng cách khi mua hàng phục vụ nhu cầu người dân.

Tại cuộc họp sơ kết 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 chiều 15.7, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ nhìn nhận sau khi 3 chợ đầu mối và hàng loạt chợ truyền thống dừng hoạt động thì việc cung ứng hàng hóa cho người dân gặp nhiều khó khăn. Như hôm qua, khi có tin đồn “đóng cửa thành phố” thì có tình trạng người dân tập trung trước siêu thị mua sắm; sau khi thành phố công bố thông tin chính thức thì sức mua sắm giảm lại.Ông Vũ cho biết đã làm việc với TP.Thủ Đức và Hóc Môn khai thác khu vực gần chợ đầu mối để làm nơi tập kết hàng hóa. 3 ngày qua, chợ đầu mối Thủ Đức đưa vào hoạt động, mỗi ngày cung cấp khoảng 100 tấn rau củ quả từ các tỉnh về; chợ đầu mối Hóc Môn đang tính phương án này.Sở Công thương cũng khuyến khích các tiểu thương giao dịch trực tuyến và vận chuyển hàng hóa về.

Điểm đáng chú ý, ông Vũ cho biết đang có phương án huy động các công ty bưu chính, giao hàng, logictics bổ sung 1.000 địa điểm bán hàng.

Ngày mai (16.7), Sở Công thương sử dụng các điểm bán của Con Cưng (150 điểm bán), Guardian (65 điểm bán), hệ thống Vinshop… cung cấp thực phẩm đông lạnh và rau củ quả. Có 7 doanh nghiệp logictics và thương mại độc lập tham gia với công suất 1.000 tấn; qua đó có thể kéo được giá thực phẩm xuống.

Nhân viên bốc xếp ở chợ đầu mối Thủ Đức vác hàng hóa xuống trước thời điểm chợ dừng hoạt động. ẢNH: KHÁNH TRẦN

Giải pháp tiếp theo là làm việc với các quận huyện để mở cửa lại các chợ truyền thống đảm bảo điều kiện an toàn phòng chống dịch.

Sở Công thương sẽ bàn bạc với Ủy ban MTTQVN và các đoàn thể các cấp để các chợ truyền thống hoạt động theo mô hình tự quản, tự điều hành và giám sát với mục tiêu là giảm tối đa số sạp, tạo khoảng cách, đảm bảo 5K. Đồng thời, hướng dẫn tiểu thương bán hàng đồng giá, không giao dịch lâu.

“Sở Công thương sẽ cố gắng đưa thêm nhiều chợ truyền thống đủ điều kiện vào hoạt động để người dân có thu nhập trung bình và thu nhập thấp tiếp cận các mặt hàng rau củ quả”, ông Vũ nói.

Sở Công thương cũng làm việc với Tiki, Lazada, Sendo thống nhất bán rau củ quả trên sàn thương mại điện tử, sử dụng chính kho hàng của các doanh nghiệp. Với những giải pháp trên, ông Vũ hy vọng trong vài ngày nữa tình hình cung cứng cho người dân sẽ được cải thiện Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử phạt hành vi găm hàng, tăng giá.

Nghiên cứu mô hình “mang chợ xuống phố”

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong lưu ý thành phố có 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức, nhu cầu mỗi nơi khác nhau nên khi làm việc với các doanh nghiệp phải tính toán phân bổ hàng hóa gắn với từng địa bàn để đảm bảo tương thích giữa khả năng phân phối với nhu cầu mua sắm của người dân.

Đồng thời, tổ chức xe lưu động, cửa hàng “không đồng”, chương trình từ thiện của các tổ chức, đoàn thể giải quyết nguồn cung, đáp ứng cho từng địa bàn. “Thời gian qua, chúng ta đã rất nỗ lực nhưng vẫn còn tình trạng khan hiếm hàng hóa”, ông Phong nhìn nhận.

Về việc mở lại chợ truyền thống, ông Phong cho biết lãnh đạo Chính phủ vẫn còn e ngại. Do đó, Sở Công thương tham mưu phương án tận dụng mặt bằng ở các chợ đầu mối Hóc Môn, Thủ Đức để tổ chức buôn bán.

“Thay vì tổ chức bán ở trong chợ thì bây giờ kẻ ô, kẻ vạch lòng lề đường, vỉa hè đảm bảo khoảng cách khi mua hàng. Mình tổ chức theo ô bàn cờ như thế thì vẫn có thể phục vụ cho người dân khi hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi vượt quá khả năng cung ứng”, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định.

Theo Thanh niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/thoi-su/tphcm-tinh-chuyen-ke-o-ban-co-tren-long-le-duong-de-mang-cho-xuong-pho-1414945.html