Thư từ nước Mỹ: Những người anh hùng đạp xe cà tàng trên đường phố Hà Nội

Tôi đã hỏi một người bán hàng rong rằng tại sao anh không làm một công việc khác. Anh ấy nói: “Tôi không có lựa chọn nào khác.”

Trong khi nhiều người Việt còn đang tận hưởng kỳ nghỉ Tết thì có nhiều người khác đã phải rong ruổi trên từng con phố để cố gắng kiếm sống qua ngày. Họ là những người bán hàng rong.

Cuộc sống bộn bề, con người lúc nào cũng hối hả, Tết là lúc người ta sống chậm lại để quan tâm, tri ân lẫn nhau – còn tôi dành những phút giây này để nghĩ về những người Việt không mệt mỏi rong ruổi trên mọi vỉa hè, con phố, chịu đựng cái nóng như thiêu như đốt của mùa hè, những đợt gió mùa lạnh buốt khi đông về, những trận mưa bất thình lình xối xả, bụi bẩn và ngập lụt; len lỏi giữa dòng xe máy, ô tô và xe tải chật như nêm, và đôi khi còn phải né tránh cả những cơn thịnh nộ của các chủ cửa hàng ven đường, tránh những tốp học sinh nô đùa chạy nhảy trên đường đi học về, những người lao công và những đội công nhân sửa đường – chỉ để làm sao lo đủ cho một cuộc sống ở mức tối thiểu.

Có điều gì đó ở những người lao động này khiến họ thực sự cao quý và anh hùng, mặc dù phần nhiều những người qua đường có cuộc sống may mắn hơn ít khi để ý đến họ.

Thư từ nước Mỹ: Những người anh hùng đạp xe cà tàng trên đường phố Hà Nội - Ảnh 1.

Điều khiến tôi suy nghĩ rất nhiều về những người bán hàng rong là nếu rơi vào hoàn cảnh tương tự thì tôi, hay 99% dân số còn lại sẽ làm sao mà có thể tồn tại được trên đường phố trong những điều kiện tồi tệ như vậy khi trong túi chỉ có vài đồng ít ỏi, không có cách nào khác để kiếm ra tiền và cũng không có ai hỗ trợ. Chỉ nghĩ đến như vậy đã thấy quả là đáng sợ. Vậy mà những người bán hàng rong, bằng cách nào đó, vẫn tiếp tục công cuộc mưu sinh và thậm chí còn ăn nên làm ra ở một mức độ nào đó, bất chấp mọi khó khăn.

Tôi đã hỏi một người bán hàng rong rằng tại sao anh không làm một công việc khác. Anh ấy nói: “Tôi không có lựa chọn nào khác.” Câu trả lời khiến tôi cứ buồn mãi cho đến khi tôi hiểu ra rằng anh ấy chính là người đang cung cấp hàng hóa và dịch vụ thiết yếu cho những người có nhu cầu, anh ấy không phải là gánh nặng cho bất kỳ ai hay xã hội, và anh ấy đang làm một công việc lương thiện.

Nhiều lần khi đi dọc theo các con phố, tôi nhìn thấy những chiếc hộp xốp đựng đầy nước nằm trên vỉa hè. Tôi hỏi một người đàn ông ngồi trên chiếc ghế nhựa nhỏ về chậu nước. Anh ấy nói rằng anh ấy là một thợ vá lốp xe đạp. Người qua đường, khi xe bị thủng lốp, sẽ dừng lại ở chỗ anh và anh thợ sẽ đặt chiếc săm xe vào trong chậu nước để tìm chỗ thủng. Sau đó, anh ấy sẽ vá lốp và bơm căng trở lại bằng một chiếc bơm tay.

Dạo quanh các con phố khác nhau khắp thành phố tôi nhận thấy có rất nhiều chiếc máy nén khí trên vỉa hè. Chủ của những chiếc máy này cũng gần giống như những người bán hàng rong. Thì ra đây là những chiếc máy bơm dùng để bơm lốp xe đạp, xe máy. Tôi nói chuyện với người chủ của một chiếc máy bơm thì được biết rằng ông đã về hưu và gia đình sắm cho ông một chiếc máy bơm để ông vừa có việc làm vừa có thể ngồi trên vỉa hè quan sát thế giới trôi qua từng ngày. Tôi tự hỏi có phải phía sau mỗi chiếc máy bơm tôi thấy trên đường phố đều là những người đàn ông đã nghỉ hưu được gia đình bố trí cho một công việc trên vỉa hè để vừa có thêm thu nhập vừa khuây khoả tuổi già.

Tôi nhận thấy một điều là nhiều người bán hàng rong có những ý tưởng kinh doanh rất thông minh. Tôi thích nhất là hình ảnh của người đàn ông làm công việc ép plastic dạo. Dù bạn là ai thì thế nào cũng có lúc bạn cần ép plastic một số giấy tờ nhất định. Và đây chính là người bạn cần. Anh ấy cũng là người vui tính nhất mà tôi từng gặp. Hành trang của anh chỉ là một chiếc xe đạp cà tàng, phía sau chở chiếc máy ép plastic và một chiếc loa nho nhỏ. Quan trọng nhất là một nụ cười không bao giờ tắt trên gương mặt lam lũ.

Có lẽ một trong những công việc hè phố thu hút được nhiều khách hàng nhất là những người thợ khoá. Họ có trong tay những chùm chìa khoá chưa mài rãnh với đầy đủ các loại chìa, ổ khóa và bộ dụng cụ với các thiết bị để đánh chìa mới và sửa khoá cũ. Nghe người thợ khoá nói chuyện thì mới biết rằng thực ra số người gặp rắc rối với ổ khoá, chìa khoá của mình nhiều đến mức đáng ngạc nhiên. Điều này khiến tôi băn khoăn không hiểu người Việt đang làm gì mà phải sửa khoá và đánh chìa liên tục như vậy.

Thư từ nước Mỹ: Những người anh hùng đạp xe cà tàng trên đường phố Hà Nội - Ảnh 2.

Một hình ảnh thường thấy nữa trên các đường phố Hà Nội là những người bán hàng rong bằng xe đạp. Hình ảnh này đã trở nên rất nổi tiếng và trở thành một trong những biểu tượng của thành phố sau khi nhiều khách du lịch chia sẻ những bức ảnh của họ sau các chuyến đi. Đó là hình ảnh của một lão nông chở những chiếc nơm cá được xếp thành hình giống như những bông hoa đang bung cánh phía sau chiếc xe đạp. Cùng với đó là những chiếc xe máy làm công việc chuyên chở hàng hoá – người ta sẽ những thấy những chiếc tủ lạnh, những tấm đệm cỡ lớn… di động mà không thấy người lái xe ở đâu. Tất cả những con người bé nhỏ này có lẽ không biết rằng họ đã trở thành hình ảnh tiêu biểu mỗi khi khách du lịch nghĩ về các thành phố ở Việt Nam.

Thư từ nước Mỹ: Những người anh hùng đạp xe cà tàng trên đường phố Hà Nội - Ảnh 3.

Dường như những người bán hàng rong có thể chở cả thế giới trên chiếc xe đạp của mình: hoa, rau quả, đồ gia dụng, cả một quầy kính mắt, chổi lông, giày dép, DVD, sách báo và đồ lưu niệm…Tôi đặc biệt ấn tượng với anh chàng bán cà phê dạo mà nhiều người cứ gọi là xe cafe nhân tạo bởi thứ mà khách hàng của anh ấy nhận được là một chai nước có vị và màu giống café chứ chưa chắc đã là café. Một người nữa là người phụ nữ chở theo cả thế giới tin tức ngay sau lưng mình: báo ngày, báo tuần, tạp chí, thậm chí cả truyện tranh dài kỳ. Vật bất ly thân của cả hai người này là bộ loa di động gắn vào “con ngựa sắt” thồ hàng để không ai có thể bỏ qua được sự hiện diện của họ. Họ có mặt trên phố vào buổi sáng, và chẳng hiểu sao thường trùng nhau cùng một thời điểm mỗi ngày. Có lẽ họ không biết rằng với rất nhiều người dân trong các căn nhà ven đường, và cả chung cư của chúng tôi, họ chính là những chiếc đồng hồ báo thức.

Một hình ảnh vô cùng bắt mắt và khiến trái tim chúng ta mềm lại chính là những chiếc xe đạp chở hoa: đủ các loại hoa, đủ màu sắc. Chủ nhân của một chiếc xe hoa nói với tôi rằng hàng ngày chị dậy từ rất sớm, lên chợ đầu mối chọn những loại hoa mà chị nghĩ khách hàng sẽ yêu thích và chất lên chiếc xe đạp cũ, rồi rong ruổi khắp phố phường. Những đoá hoa đó sẽ dừng lại ở một căn phòng khách hay trên ban công, bên bệ cửa của các gia đình. Tôi cứ luôn nghĩ về những người phụ nữ này – liệu khi mải miết đạp xe và lo lắng về cuộc sống mưu sinh của mình, họ có biết rằng có bao nhiêu ánh mắt đang nhìn theo chiếc xe của họ mỉm cười – họ đang chở cả mùa xuân đi khắp thành phố. Nói một cách văn vẻ thì gương mặt họ trong nắng sớm, giữa hai giỏ hoa lớn – một phía trước, một phía sau chiếc xe đạp – chính là đoá hoa đẹp nhất trong ngày.

Thư từ nước Mỹ: Những người anh hùng đạp xe cà tàng trên đường phố Hà Nội - Ảnh 4.

Khách hàng của những người bán hàng rong có thể là bất kỳ ai, nhưng rất nhiều trong số họ cảm thấy may mắn có những dịch vụ như thế này. Đó là những sinh viên với khoản sinh hoạt phí hạn hẹp, những người lao động không thể chi trả mức sống cao, những người giúp việc nhà muốn mua một món quà thành phố cho người già, trẻ em ở quê…

Trên các con phố, chúng ta sẽ thường xuyên gặp những người phụ nữ, hầu hết đều đội nón lá, dáng dấp vẫn nguyên vẻ quê mùa. Họ tạo nên nét duyên dáng cho các đô thị Việt Nam. Ở nhiều phương diện, họ chính là cánh cửa sổ dẫn người ta đi ngược thời gian, trở về khung cảnh xưa khi Hà Nội chưa có nhiều cửa hàng cửa hiệu mà chủ yếu chỉ là những gánh hàng bán bên vệ đường. Họ cũng đã trờ thành một hình ảnh tượng trưng cho phố phường Việt Nam.

Thư từ nước Mỹ: Những người anh hùng đạp xe cà tàng trên đường phố Hà Nội - Ảnh 5.

Một dịch vụ đường phố rất phổ biến nữa là cắt tóc dạo. Những người thợ cắt tóc có thể nhanh chóng thiết lập một cửa hàng cắt tóc di động chỉ bằng một vài thao tác: treo một tấm gương lên tường, lấy ra một ghế gấp cho khách ngồi, và mở bộ đồ nghề. Thế là đã có một cửa hiệu khá chuyên nghiệp và đầy đủ. Khách hàng của họ phần nhiều là những người đàn ông đã về hưu, các cậu bé học sinh nhỏ tuổi được mẹ hay bà dắt đến, và cũng có lúc là một công chức văn phòng tranh thủ giờ nghỉ trưa. Điều đáng nói là phần lớn đều là khách quen. Anh thợ cắt tóc thậm chí không cần hỏi khách muốn kiểu gì. Anh hiểu rất rõ gu của từng khách.

Những người bán hàng rong thường có những địa phận cố định của mình. Người mua có thể tìm thấy người bán quen ở những nơi nhất định. Họ trở thành một phần của cộng đồng dân cư, chia sẻ những câu chuyện phiếm với khách mua hàng và chào hỏi người qua lại.

Ấn tượng của tôi về những người bán hàng rong là họ không đi xin và cũng chẳng mong chờ lòng hảo tâm của ai cả. Kể cả có ai đó ngỏ ý cho tặng thì cũng hiếm khi họ chấp nhận. Họ tự hào về công việc của mình và rất độc lập. Họ chính là những doanh nghiệp siêu nhỏ, một trong những nền tảng của nền kinh tế. Chính vì vậy, những người bán hàng rong thực sự là những người cao quý và anh hùng.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/thu-tu-nuoc-my-nhung-nguoi-anh-hung-dap-xe-ca-tang-tren-duong-pho-ha-noi-161212102191751438.htm