Sau vụ clip ‘bánh mì không thiết yếu’, thực phẩm thiết yếu là những mặt hàng nào?

Sở Công thương Khánh Hòa ban hành công văn khẩn hướng dẫn về hàng thiết yếu khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 sau sự việc một Phó chủ tịch phường nói ‘bánh mì không thiết yếu’ và thu xe của một thanh niên.

Hình ảnh Phó chủ tịch P.Vĩnh Hòa chỉ tay vào mặt thanh niên đi mua bánh mì /// ẢNH CẮT TỪ CLIP

Hình ảnh Phó chủ tịch P.Vĩnh Hòa chỉ tay vào mặt thanh niên đi mua bánh mì. ẢNH CẮT TỪ CLIP

Ngay sau vụ việc Phó chủ tịch phường Vĩnh Hòa (TP.Nha Trang, Khánh Hòa) nói “bánh mì không thiết yếu” và thu xe của một thanh niên đi mua bánh mì, Sở Công thương Khánh Hòa đã ra công văn khẩn số 1153/SCT-TMXNK ngày 19.7.

Theo đó, hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang có diễn biến phức tạp, để chủ động thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, Sở công Thương hướng dẫn về hàng hóa thiết yếu khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Công văn nêu rõ, hàng hóa thiết yếu là những hàng hóa bao gồm: thứ nhất là hàng thực phẩm tươi sống: thịt (các sản phẩm từ thịt), thủy sản (các sản phẩm từ thủy sản); rau, củ, quả (các sản phẩm từ rau, củ, quả); trái cây, trứng (các sản phẩm từ trứng).

Thứ hai là hàng công nghệ phẩm: Bánh, kẹo, muối, bột nêm, gia vị; nước mắm, đường, dầu thực vật, sửa các loại; mì gói các loại và một số mặt hàng lương thực, thực phẩm khác phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hàng ngày của người dân: Nước uống, nước ngọt đóng chai, lon, thùng.

Thứ ba, về lương thực bao gồm: gạo tẻ, gạo nếp, vừng, đậu, ngô, khoai, sắn, bột, tinh bột (các sản phẩm từ bột, tinh bột). Thứ tư là nhóm thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh gồm khẩu trang, sản phẩm dùng để rửa tay, tắm giặt, gội; nước kháng khuẩn, giấy vệ sinh.

Thứ năm là nhóm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ phục vụ sản xuất, lưu thông gồm: Xăng dầu, gas, khí đốt và các loại nguyên liệu, vật liệu khác phục vụ sản xuất; Dịch vụ cung cấp điện, nước cho sản xuất và đời sống. Và sau cùng là nhóm thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y.

Sau vụ clip 'bánh mì không thiết yếu', thực phẩm thiết yếu là những mặt hàng nào? - ảnh 1

Bánh mì và nước lọc vẫn treo trên xe nam thanh niên trước khi bị “cưỡng chế” thu xe. ẢNH CẮT TỪ CLIP

Trước đó, mạng xã hội lan truyền clip tranh cãi giữa Phó chủ tịch UBND P.Vĩnh Hòa, TP.Nha Trang (đại diện chốt kiểm soát dịch bệnh) với nam thanh niên (công nhân làm thuê) đi mua bánh mì để ăn, chuẩn bị làm việc tăng ca. Trong quá trình tranh cãi, nam thanh niên bị thu giữ giấy tờ và xe máy vì Phó chủ tịch phường cho rằng bánh mì không phải hàng thiết yếu. Sau đó, Chủ tịch UBND TP.Nha Trang yêu cầu khẩn trương trả lại xe cho thanh niên nói trên.

Theo Thanh Niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/doi-song/sau-vu-clip-banh-mi-khong-thiet-yeu-thuc-pham-thiet-yeu-la-nhung-mat-hang-nao-1417189.html

4 mẹ con đạp xe về Nghệ An: ‘Xin nhường tiền đó cho những người đang kẹt lại TP’

Sau khi Thanh Niên đăng bài 4 mẹ con đạp xe đạp từ Đồng Nai về người Nghệ An, họ được đồng hương giúp đỡ mua vé tàu. Họ từ chối nhận thêm tiền vì đã đủ, mong muốn những người đang kẹt lại cũng được giúp.

Người dân địa phương hỗ trợ tiền giúp 4 mẹ con về quê /// Ảnh: Thiện Nhân

Người dân địa phương hỗ trợ tiền giúp 4 mẹ con về quê. ẢNH: THIỆN NHÂN

Bốn mẹ con người Nghệ An đạp xe dọc QL1 trên 2 chiếc xe đạp từ H.Trảng Bom (Đồng Nai) để về Nghệ An đi qua nhiều trạm kiểm soát phòng chống dịch Covid-19. Khi đến thị trấn Phước Dân, H.Ninh Phước (Ninh Thuận), lực lượng tại chốt kiểm soát Chung Mỹ (thị trấn Phước Dân) kiểm tra và biết được hoàn cảnh khó khăn của 4 mẹ con nên mời vào trạm.

Tại đây, 4 mẹ con gồm bà Nguyễn Thị Hương (50 tuổi) và các con Võ Thị Thanh Thanh (30 tuổi), Võ Thanh Bình (28 tuổi), Võ Thanh Trinh (19 tuổi, cùng quê H.Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết vào đầu năm 2021, họ vào H.Trảng Bom, Đồng Nai để làm thuê. Tuy nhiên, dịch Covid-19 kéo dài khiến họ thất nghiệp, không có tiền trang trải cuộc sống nên quyết định về quê bằng xe đạp.

4 mẹ con đạp xe về Nghệ An: 'Xin nhường tiền đó cho những người đang kẹt lại TP' - ảnh 1

4 mẹ con rời chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 Chung Mỹ. ẢNH: CTV

4 mẹ con đạp xe về Nghệ An: 'Xin nhường tiền đó cho những người đang kẹt lại TP' - ảnh 2

Được đồng hương hỗ trợ, 4 mẹ con di chuyển vào khu vực ga Tháp Chàm. ẢNH: THIỆN NHÂN

Theo lời kể của 4 mẹ con người Nghệ An, ngày 9.7, họ xuất phát từ H.Trảng Bom vừa đi vừa nghỉ và về đến chốt kiểm soát Chung Mỹ vào trưa 19.7, sau đó tiếp tục cuộc hành trình về quê.

Được tin đồng hương đang gặp khó khăn, ông Nguyễn Xuân Quân (35 tuổi, quê ở Nghệ An, đang làm việc tại Ninh Thuận) đã liên lạc và hướng dẫn 4 mẹ con vào khu vực ga Tháp Chàm để được hỗ trợ mua vé tàu về quê.

Tại đây, ông Quân đưa 4 mẹ con vào Trạm y tế Tháp Chàm để xét nghiệm nhanh và cho kết quả âm tính với Covid-19. Ông Quân mua 4 vé tàu loại chỗ giường nằm, sẽ xuất phát 12 giờ 23 phút ngày 21.7 để trở về quê. Hiện tại, 4 mẹ con đang tạm nghỉ tại ga Tháp Chàm.

4 mẹ con đạp xe về Nghệ An: 'Xin nhường tiền đó cho những người đang kẹt lại TP' - ảnh 3

Trên đường vào ga Tháp Chàm. ẢNH: THIỆN NHÂN

Chị Hạnh Lưu (47 tuổi, Q.2) cho biết sau khi đọc bài trên báo Thanh Niên, em trai chị đã liên lạc nhờ chị hỗ trợ cho 4 mẹ con số tiền 10 triệu đồng. Trong chiều nay, chị cho biết không thể liên lạc được với gia đình do thuê bao liên tục báo bận, chị cũng có nhờ người quen ở Ninh Thuận liên lạc nhưng không có kết quả. Lúc đó, chị nghĩ mình không có duyên nên không thể giúp được bốn mẹ con.

Chị Lưu kể với PV Thanh Niên: “Lúc tối, em tôi sốt ruột bảo tôi gọi lại lần nữa để hỏi thăm tình hình như thế nào thì may mắn liên hệ được. Có một bạn nam bắt máy, chắc là người con của chị đó, em ấy nói là gia đình em nhận được nhiều sự trợ giúp rồi và bây giờ đang ở ga tàu Tháp Chàm chờ tới thứ 4 mới có tàu về quê. Hiện em cũng được một người sắp xếp cho chỗ ở tại đây”.

Khi chị đề nghị hỗ trợ, 4 mẹ con đều từ chối nhận và nói rằng: “Bây giờ em nhận được sự hỗ trợ rồi và mục đích của em cũng chỉ cố gắng để về được quê thôi, chỉ cần vậy thôi. Em muốn nhường số tiền đó cho những người phía sau còn kẹt lại thành phố”. Sự từ chối này khiến chị hết sức xúc động.

Chị Hạnh Lưu đã gửi lời cảm ơn đến gia đình của 4 mẹ con và chúc họ sớm được về quê bình an. Chị nói mình chị hết sức trân trọng tinh thần của họ vì “trong trường hợp này, họ hoàn toàn có thể nhận vì mình tự nguyện cho. Đằng này họ lại biết nghĩ tới những người khác thì thật là đáng quý”.

Tiếp xúc với báo chí tại ga Tháp Chàm, 4 mẹ con đều từ chối trả lời các câu hỏi của phóng viên. Họ cho biết trên đường đi đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhiều người nên hiện tại mong muốn được trở về quê càng sớm càng tốt.

Theo Thanh Niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/doi-song/4-me-con-dap-xe-ve-nghe-an-xin-nhuong-tien-do-cho-nhung-nguoi-dang-ket-lai-tp-1417120.html