Ông Phan Văn Mãi: TP.HCM sẽ tiếp tục giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 sau 15-8

Thông tin được Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi nêu ra tại họp báo cung cấp thông tin về dịch COVID-19 sáng 13-8.

Ông Phan Văn Mãi: TP.HCM sẽ tiếp tục giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 sau 15-8 - Ảnh 1.

Đường Hoàng Văn Thụ vắng bóng xe cộ qua lại những ngày giãn cách xã hội – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sáng 13-8, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.

Theo ông Phan Văn Mãi, TP.HCM đặt ra mục tiêu đến 15-9 sẽ kiểm soát được tình hình dịch bệnh với các tiêu chí cụ thể. Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, TP đang khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện kiểm soát dịch bệnh.

“Đến chủ nhật, TP sẽ công bố kế hoạch chính thức theo hướng TP tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần chỉ thị 16”, ông Mãi nói.

Phó bí thư Thường trực Thành ủy cho biết từ đây đến 30-8, TP cố gắng sàng lọc, đánh giá địa bàn để xác định các vùng xanh vùng đỏ. Từ đó áp dụng các biện pháp giãn cách cho phù hợp.

“Dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc áp dụng các biện pháp xã hội có thể kéo dài, TP đã nỗ lực và đạt được kết quả. Chúng ta phải có tinh thần và tâm thế trường kỳ kháng chiến. Trước mắt là đến 15-9 nhưng chúng ta cũng phải chuẩn bị tâm lý dài hơi ở những cấp độ khác nhau”, ông Mãi nói.

TP Thủ Đức: Phong tỏa thêm 2 phường với hơn 122.000 dân - Tin tức

Theo ông Mãi, với các nước, kể cả Mỹ, Ấn Độ… , khi dịch đạt đỉnh, việc kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh cũng rất lâu, có nơi 4 – 5 tháng mới thực hiện được.

Trước đó, UBND TP.HCM có văn bản tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn TP.HCM theo tinh thần chỉ thị số 16 thêm 14 ngày, kể từ 0h ngày 2-8.

Từ 0h ngày 31-5, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị số 15 của Thủ tướng trong vòng 15 ngày, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 giãn cách theo chỉ thị 16.

Nhưng do TP.HCM xuất hiện nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, đến ngày 14-6, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tiếp tục chỉ đạo giãn cách xã hội toàn địa bàn theo chỉ thị 15 thêm 2 tuần, từ 0h ngày 15-6 đến 0h ngày 29-6.

Ngày 19-6, UBND TP.HCM ban hành chỉ thị số 10 về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn; tạm ngưng các chợ tự phát, dừng vận chuyển hành khách công cộng… cho đến nay.

Đến 0h ngày 9-7, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 trên toàn thành phố, thời gian áp dụng 15 ngày.

TP HCM giãn cách theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7

Ngày 22-7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên ký chỉ thị 12 tăng cường một số biện pháp thực hiện chỉ thị số 16. 

Đến ngày 23-7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký công văn số 2468 tăng cường mạnh mẽ các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16. TP thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần chỉ thị 16 cho đến nay.

Theo Tuổi Trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/ong-phan-van-mai-tp-hcm-se-tiep-tuc-gian-cach-xa-hoi-theo-chi-thi-16-sau-15-8-20210813082201286.htm

Bộ trưởng Bộ Y tế: Tập trung chiến lược giảm tải điều trị, giảm tối đa tử vong

Sáng 13/8, GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì hội nghị tập huấn trực tuyến về quản lý, điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 và an toàn tiêm chủng.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương hiện là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Bên cạnh công tác dự phòng, vấn đề điều trị được ưu tiên trọng tâm nhằm giảm tối đa trường hợp tử vong. 

Chủ tịch Đà Nẵng đề nghị Hải Phòng, Bình Định hỗ trợ chống dịch gấp -  VietNamNet

Từ thực tiễn chống dịch, Bộ trưởng nhấn mạnh tất cả người dân đều được tiếp cận và cung cấp các dịch vụ y tế một cách nhanh chóng, thuận tiện và chất lượng. Trong bối cảnh hiện nay, tại tuyến Trung ương, Quốc hội và Chính phủ đã đồng ý thành lập các bệnh viện dã chiến, Trung tâm Hồi sức tích cực. 

Đối với địa phương, Bộ Y tế hướng dẫn chia tầng điều trị theo mô hình tháp 3 tầng. Trong đó tầng 1 gồm các bệnh viện dã chiến, các địa điểm tại cộng đồng, kể cả tại gia đình… để quản lý và chăm sóc bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng. 

Sắp tới, Bộ sẽ thí điểm điều trị tại nhà với TP.HCM và một số tỉnh/ thành khác khi ca nhiễm tăng nhanh, vượt quá khả năng thu dung, điều trị của các cơ sở. 

Tầng thứ 2, vô cùng quan trọng, là cơ sở y tế tuyến huyện trở lên, phục vụ những bệnh nhân có triệu chứng trung bình. Có 3 yếu tố cực kỳ quan trọng mà tầng điều trị này phải chuẩn bị, gồm oxy, thuốc kháng đông và thuốc kháng viêm. 

Bộ trưởng nhấn mạnh nếu điều trị tốt ở tầng này thì sẽ giảm nhẹ ca mắc và không làm tăng nặng ca nhiễm. Khả năng cứu sống bệnh nhân nhiều hơn, thực tế đã chứng minh điều đó. Bộ Y tế khuyến cáo nên sử dụng máy thở dòng cao (HFNC) trong điều trị, máy thở không xâm nhập… và một số trang thiết bị khác mà nhân viên y tế có thể kiểm soát được.

Bộ trưởng Bộ Y tế: Tập trung chiến lược giảm tải điều trị, giảm tối đa tử vong - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh: Bộ Y tế)

Tầng thứ 3 dành điều trị Hồi sức tích cực. Tất cả địa phương phải chuẩn bị nhân lực và trang thiết bị để khi dịch xảy ra “không bị ngỡ ngàng”, “không hoang mang”, “không bị động”. Các tỉnh thành phải chuẩn bị theo đúng phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng giường bệnh, oxy, máy thở (bao gồm cả HFNC) và trang thiết bị phòng hộ. 

Về nhân lực, Bộ nhấn mạnh không nên có tâm lý trông chờ vào nguồn nhân lực chi viện. Các địa phương phải huy động tối đa nguồn lực tại chỗ kể cả y tế công lập và tư nhân. 

“Nếu chuẩn bị càng kỹ lưỡng bao nhiêu, càng chủ động bao nhiêu thì càng hiệu quả trong điều trị bấy nhiêu”, Bộ trưởng nói và lưu ý phải thường xuyên, liên tục đào tạo chuyên môn sử dụng máy thở cho nhân viên y tế; thực hành chia ca, chia kíp trực; đào tạo đảm bảo phòng hộ trong thực hiện nhiệm vụ.

“Phải duy trì được lực lượng y tế thì mới có thể điều trị lâu dài được. Chúng tôi đề nghị các địa phương đã chuẩn bị phải chuẩn bị cao hơn, mong dịch không xảy ra, nhưng khi dịch xuất hiện thì không lúng túng, bị động”, GS.TS Nguyễn Thanh Long nói.

Bộ trưởng Long cho biết đã huy động tổng lực cho TP.HCM, gồm một bệnh viện và 4 Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân nặng và nguy kịch. Trong đó Bệnh viện Chợ Rẫy điều hành Bệnh viện hồi sức tích cực Covid-19 TP.HCM với quy mô 1000 giường; Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Trung ương Huế và Đại học Y Dược TP.HCM đều đã nhận bệnh nhân nặng và nguy kịch.

Bên cạnh đó, Bộ cũng thiết lập các trung tâm Hồi sức tích cực tại Bình Dương (đã đi vào hoạt động ngày 12/8), Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ.

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế trên toàn quốc phải dành ít nhất 40% nhân lực sẵn sàng cho tình huống diễn biến phức tạp mà khả năng các địa phương không đáp ứng được thì phải điều động. Bộ cũng đã sửa đổi các phác đồ về điều trị theo cách thức tiếp cận rộng rãi hơn với tất cả loại thuốc. 

Tới đây, Bộ sẽ triển khai chương trình điều trị tại nhà thí điểm, sử dụng thuốc Molnupiravir là một trong những thuốc được đánh giá là giảm nhanh nồng độ virus. Hiện nay, các Hội đồng Đạo đức, Khoa học của Bộ Y tế và chuyên gia đang tập hợp để sớm triển khai khi có thuốc. Bộ Y tế đề nghị tăng sản xuất thuốc này khi có điều kiện sẽ sử dụng, đồng thời các doanh nghiệp sản xuất thuốc này có thể trao đổi với các doanh nghiệp khác có bản quyền để chuyển giao công nghệ. Đây là vấn đề rất quan trọng trong điều trị tại cộng đồng.

Ngoài ra, Việt Nam đã tiếp nhận đợt 1 thuốc điều trị Covid-19 Remdesivir và một số thuốc kháng virus khác. “Coi thuốc kháng virus là một trong các vũ khí chống lại virus để áp dụng cho bệnh nhân theo từng mức độ hướng dẫn chuyên môn và có thể áp dụng đại trà”, Bộ trưởng nói.

Theo Nhịp Sống Việt

Nguồn: http://nhipsongviet.toquoc.vn/bo-truong-bo-y-te-tap-trung-chien-luoc-giam-tai-dieu-tri-giam-toi-da-tu-vong-22021138131637401.htm