Một người bán rau ở Hà Nội tháng 5 không đi đâu, rát họng đi khám phát hiện mắc COVID-19

Sáng nay 7-6, CDC Hà Nội thông báo ca bệnh cộng đồng, bệnh nhân là người bán rau ở Đông Anh, Hà Nội. Cả tháng 5 người này chỉ ở Đông Anh không đi đâu, ngày 4-6 có dấu hiệu rát họng, sổ mũi, đi khám và xét nghiệm mắc COVID-19.

Sáng nay 7-6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã có báo cáo nhanh về trường hợp mắc COVID-19 tại thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Nữ bệnh nhân Đ.T.H.N., sinh năm 1976 ở thị trấn Đông Anh. Trong tháng 5, bệnh nhân chỉ sinh sống tại địa bàn huyện Đông Anh. Bệnh nhân bán rau tại chợ thuộc thị trấn Đông Anh.

Sau khi nghỉ bán 2 ngày, ngày 30-5, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng rát họng, sổ mũi. Khoảng 14h ngày 30-5, người này có đến hiệu thuốc Thu Hằng tại thị trấn Đông Anh mua thuốc, khi đến có đeo khẩu trang.

Tại nhà bệnh nhân có tiếp xúc với chồng và 2 con trai (chồng bệnh nhân bị tai biến chỉ ở nhà).

Từ ngày 30-5 đến 4-6, bệnh nhân ở nhà tự điều trị.

Khoảng gần 14h ngày 4-6, chị vào khám tại Bệnh viện Bắc Thăng Long với triệu chứng sốt nhẹ, ho đờm, tức ngực. Bênh nhân khai báo y tế tại cổng, sau đó được chuyển sang khám tại khu vực sàng lọc cho bệnh nhân ho sốt. Bệnh nhân được chụp tim phổi và nhập viện vào khoa nội tổng hợp, được bố trí phòng cách ly tạm thời với chẩn đoán viêm phế quản phổi.

Ngày 5-6, chị được lấy mẫu bệnh phẩm và gửi Bệnh viện Đa khoa Đức Giang xét nghiệm SARS-COV-2.

Ngày 6-6, người nhà gồm mẹ và anh, em trai vào thăm bệnh nhân. Cùng ngày, mẫu bệnh phẩm tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang nghi ngờ dương tính, chuyển CDC Hà Nội xét nghiệm khẳng định kết quả dương tính.

Hiện tại, bệnh nhân sốt 38 độ C, ho nhiều, ho đờm, không khó thở. Trung tâm Y tế huyện Đông Anh phối hợp với các đơn vị điều tra, xử lý và chuyển bệnh nhân đi cách ly và điều trị.

Qua điều tra nhanh xác định bệnh nhân có 13 F1 (người tiếp xúc gần, trong đó 10 trường hợp tại huyện Đông Anh, 1 trường hợp tại quận Đống Đa, 2 trường hợp tại Bệnh viện Bắc Thăng Long).

Cơ quan y tế đã chuyển CDC Hà Nội xét nghiệm 4 mẫu F1 gồm chồng, con trai út và 2 bệnh nhân nằm cùng phòng của chị N.. Các trường hợp còn lại đang tiếp tục điều tra lấy mẫu. Sáng nay 7-6, tiếp tục lấy mẫu tại các điểm liên quan. Đây là ca bệnh chưa rõ nguồn lây.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội thông báo tìm người đã đến, liên quan các địa điểm sau: 

 1. Chợ Tó, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, khoảng từ 3h-5h sáng hằng ngày từ 16-5 đến 28-5. 

 2. Khu vực chợ cửa hàng mới thị trấn Đông Anh – mua hàng tại các hàng rau ven đường, từ ngày 16-5 đến 28-5. 

Người đã đến các địa điểm trên, tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với trạm y tế, trung tâm y tế trên địa bàn hoặc gọi điện thoại đến số 02438835560 (Trung tâm Y tế huyện Đông Anh); 0969.082.115/0949.396.115 (CDC Hà Nội).

Theo Tuổi Trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/mot-nguoi-ban-rau-o-ha-noi-thang-5-khong-di-dau-rat-hong-di-kham-phat-hien-mac-covid-19-20210607090021069.htm

Ông cụ 85 tuổi cấp cứu nhưng không qua khỏi vì sợ đi bệnh viện lây COVID-19

Ông X. khó thở, gọi 115 đến đưa đi cấp cứu nhưng đã thở ngáp, nguy kịch. Mặc dù đã được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu, tuy nhiên bệnh nhân bị suy đa tạng và không qua khỏi.

Ông cụ 85 tuổi cấp cứu nhưng không qua khỏi vì sợ đi bệnh viện lây COVID-19 - Ảnh 1.

Các bệnh nhân có bệnh nền nặng, nếu có biểu hiện bất thường thì cần đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời – Ảnh: PHẠM TUẤN

Lo ngại lây nhiễm COVID-19 nên nhiều bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân lớn tuổi mắc bệnh mãn tính, bệnh nhân ung thư… đã trì hoãn việc thăm khám đúng thời hạn ở bệnh viện, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Theo Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh viện này vừa có một bệnh nhân tử vong do đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Bệnh nặng lên đã 1 tuần nhưng bệnh nhân ngại không đi khám vì “sợ COVID-19”.

Trong cuối tháng 5, Bệnh viện thành phố Thủ Đức cũng ghi nhận hai trường hợp bệnh nhân bị biến chứng nặng do tự ý uống lại toa thuốc cũ mà không đến bệnh viện khám vì sợ dịch COVID-19.

Để trở nặng mới đi khám

PGS.TS Hoàng Bùi Hải, trưởng khoa cấp cứu và hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết mới đây tại bệnh viện này có một bệnh nhân chết do đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Đáng nói, bệnh tình của bệnh nhân nặng lên đã 1 tuần nay nhưng ngại không đi khám vì “sợ COVID-19”.

Bệnh nhân là ông N.V.X. (85 tuổi, trú quận Thanh Xuân, Hà Nội), có tiền sử bệnh phổi mãn tính tâm phế mạn, vẫn đang điều trị tại nhà bình thường. 10 ngày gần đây bệnh nhân khó thở, lẽ ra phải đi khám, nhưng do dịch COVID-19 nên e ngại, không tới bệnh viện.

Khoảng 10h ngày 26-5, ông X. khó thở hơn, sau đó gọi 115 đến đưa đi cấp cứu nhưng đã thở ngáp, nguy kịch. Mặc dù được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu, tuy nhiên đến ngày 27-5 bệnh nhân bị suy đa tạng và không qua khỏi.

Bà N.V.T. (80 tuổi, ngụ ở TP.HCM) được điều trị tại khoa nội tim mạch Bệnh viện Nhân Dân Gia Định nhập viện trong tình trạng tổn thương thận cấp và tổn thương gan cấp, nguy hiểm đến tính mạng. Trước đó, bà T. có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường type 2, rối loạn mỡ máu… nhưng lại trì hoãn việc thăm khám tại bệnh viện. May mắn bệnh nhân đã được các bác sĩ cấp cứu kịp thời, qua cơn nguy kịch.

Theo lời người nhà của bệnh nhân, thấy nguy cơ dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên đã không đưa bà T. đến bệnh viện thăm khám định kỳ vì sợ lây nhiễm COVID-19. Thời gian gần đây thấy bà T. ngày càng có biểu hiện nặng như khó thở, gia đình mới vội vàng đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Không nên trì hoãn thăm khám ở bệnh viện

Bác sĩ CK2 Nguyễn Thái Yên, phó khoa nội tim mạch Bệnh viện Nhân Dân Gia Định TP.HCM, cho biết trong mùa dịch COVID-19 bệnh viện đã điều trị cho nhiều bệnh nhân có diễn tiến bệnh nặng do không đến bệnh viện khám vì sợ dịch COVID-19.

Nhiều bệnh nhân vì sợ lây nhiễm dịch COVID-19 đã tự ý sử dụng lại các toa thuốc cũ bác sĩ kê trước đó, sử dụng liên tục toa thuốc cũ trong một thời gian dài. Hoặc nhiều bệnh nhân thay thế thuốc trong toa bằng những loại thuốc không có thành phần giống nhau. Điều này làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị, thậm chí làm cho bệnh có diễn tiến xấu hơn.

Mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng nhiều bệnh nhân, đặc biệt là người cao tuổi mắc bệnh mãn tính, bắt buộc phải được tái khám định kỳ. Một số ca bệnh phải tái khám đúng thời gian, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng như suy tim sau nhồi máu cơ tim, bệnh van tim đã phẫu thuật thay van, rung nhĩ đang điều trị dự phòng thuyên tắc huyết khối, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, cường giáp, động kinh, loét dạ dày tá tràng…

Bác sĩ Yên cho biết hiện nay các bệnh viện đều có hệ thống sàng lọc, phân luồng kỹ càng đối với bệnh nhân COVID-19. Những bệnh nhân có nguy cơ, triệu chứng liên quan đến COVID-19 như sốt, ho, khó thở… đều được đi vào khu vực riêng và thăm khám ở khu vực tách biệt. Ngay cả bệnh nhân cấp cứu khi chưa được làm xét nghiệm COVID-19 sẽ được chuyển vào cấp cứu tại một khu vực riêng biệt; nhân viên cấp cứu được trang bị đồ bảo hộ, tập huấn giống như bệnh nhân COVID-19 để đảm bảo an toàn cho người bệnh.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết hiện nay bệnh viện là nơi có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 lớn nên tâm lý lo ngại tới bệnh viện của bệnh nhân là có thể thông cảm.

Một trong những giải pháp được áp dụng hiện nay để tránh tình trạng người không cần thiết đến viện cũng tới khám, ngược lại người bị bệnh nặng lo sợ lây nhiễm COVID-19 lại ở nhà, các bệnh nhân trước khi đến viện khám nên gọi cho các bác sĩ để được tư vấn, chẩn đoán tình trạng bệnh. Những ca bệnh nặng sẽ được các bác sĩ khuyên đến viện sớm, cấp cứu kịp thời, các ca nhẹ không cần đến viện sẽ được tư vấn chữa bệnh từ xa.

Nhiều ca nhẹ cũng đến viện, trong khi khả năng sàng lọc của mỗi bệnh viện có hạn. Bệnh nhân tới đông quá, nơi sàng lọc chờ đợi sẽ quá tải cũng sẽ là nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Ngược lại, bệnh nhân nặng vì lo sợ nên không tới sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.

Nguy hiểm với những người có bệnh nền

195853246_1321344318259545_8517488299690388280_n 4(read-only)

Bệnh nhân mắc bệnh nền cần đến bệnh viện dù là mùa nào – Ảnh: P.T.

Theo bác sĩ Bùi Hải, tình hình dịch COVID-19 phức tạp rất nguy hiểm với những người có bệnh nền. Tuy nhiên, các trường hợp có bệnh nền cần giữ liên hệ với bác sĩ qua các kênh khác nhau để tiếp tục được dùng thuốc và theo dõi tình trạng bệnh, không nên tự xử lý ở nhà.

Nếu bệnh nhân có bệnh nền và có các biểu hiện bất thường như khó thở tăng, mệt mỏi, đau ngực, vã mồ hôi, không tỉnh táo thì buộc phải báo người nhà đưa đi cấp cứu kịp thời.

Bác sĩ Hải nhấn mạnh trong bệnh viện có hệ thống sàng lọc, trong cấp cứu cũng sàng lọc kỹ càng để phân loại những bệnh nhân có nguy cơ về COVID-19. Đặc biệt, khi bệnh nhân có vấn đề nặng đe dọa tính mạng sẽ được cho vào khu riêng, tuy chưa loại trừ được COVID-19 nhưng vẫn được cấp cứu kịp thời.

Theo Tuổi Trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/ong-cu-85-tuoi-cap-cuu-nhung-khong-qua-khoi-vi-so-di-benh-vien-lay-covid-19-20210606221003113.htm