Lớp học không tiếng giảng bài của bà giáo 89 tuổi

Tiếng nhạc du dương phát ra từ chiếc đài cassette khi bà giáo Hồ Hương Nam bắt đầu buổi học. Hôm nay lớp của bà Nam có 12 học sinh đi học, 6 bạn vừa được bố mẹ xin phép nghỉ.

7h30 từ thứ hai đến thứ sáu, cô giáo Hồ Hương Nam (89 tuổi, quận Tây Hồ) có mặt tại lớp học tình thương dành cho trẻ khuyết tật đặt trong khuôn viên của trường THCS An Dương (phường Yên Phụ). Căn phòng rộng chừng 30 m2, được chia làm hai dãy là nơi học tập của 18 học sinh khuyết tật, gồm cả trẻ bị bệnh down, câm điếc, tuổi từ 10 đến 35 ở Hà Nội.

Đúng 8h, lần lượt các học sinh bước vào lớp, bà giáo già đưa usb đã tải sẵn nhạc vào đài cassette, vặn âm thanh vừa đủ nghe, nhắc nhở học sinh mang sách vở ra để chuẩn bị học tập. Với bà Nam, thay vì không khí tĩnh lặng như các lớp của học sinh bình thường, bà mong muốn dùng âm nhạc để các con dễ tiếp thu kiến thức và xua đi không khí căng thẳng mỗi khi đến trường.

“Hôm nay lớp có 12 bạn đi học do 6 bạn vừa được bố mẹ gọi điện xin phép nghỉ. Vậy chúng ta bắt tay vào học thôi các con”, bà Nam nói

Lớp học của cô Nam có 18 học sinh, buổi học hôm nay có 12 em đi học. Ảnh: Nguyễn Ngoan
Lớp học của cô Nam có 18 học sinh, buổi học hôm nay có 12 em đi học. Ảnh: Nguyễn Ngoan.

Lớp học của bà Nam chẳng có bảng hay phấn viết. Thay vì đứng trên bục giảng, bà giáo già đi tới từng bàn, kèm từng nét chữ, uốn nắn cách cầm bút đến đánh vần chữ cái.

“Tôi dạy cho các con không chạy theo giáo án vì học sinh có nhiều trình độ khác nhau. Thay vì đọc chép lên bảng, tôi đến từng bàn hướng dẫn sẽ tốt hơn. Ai hiểu biết đến đâu tôi dạy đến đó”, bà Nam chia sẻ.

Đi đến sát Phương Anh,18 tuổi, bà Nam kể cô bị câm điếc bẩm sinh, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Để giao tiếp được với các học sinh như Phương Anh, bà Nam phải đi học khoá giao tiếp với học sinh khiếm thính, sau đó sử dụng ngôn ngữ cơ thể để truyền đạt kiến thức. Phương Anh đã bám lớp bà Nam hơn 10 năm nay, lực học khá và nhận thức tốt.

Sau hơn 30 phút dạy kiến thức mới cho học sinh, bà giáo già bắt đầu giao bài tập để học sinh làm. Mặc bên ngoài có tiếng nô đùa, các em trong lớp học đặc biệt này trật tự làm bài.

Bà Hồ Hương Nam quê gốc ở Thừa Thiên – Huế. Bà từng tốt nghiệp lớp đào tạo sư phạm cấp tốc, sau đó được điều ra Hà Nội dạy học tại trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình). Năm 1979, bà nghỉ hưu. Đến năm 1990, bà được phường giao công việc làm cộng tác viên dân số, vận động các gia đình không sinh con thứ ba.

Trong quá trình làm việc, bà gặp nhiều trường hợp trẻ em khuyết tật, gia đình khó khăn không có điều kiện cho con đi học. Với cái tâm của một nhà giáo, sau nhiều đêm trăn trở, bà quyết định mở lớp dạy chữ miến phí, giúp các em khuyết tật hòa nhập với cuộc sống.

Phương Anh đã theo học lớp học tình thương được 10 năm. Ảnh: Nguyễn Ngoan
Phương Anh, 18 tuổi, bị câm điếc bẩm sinh, đã theo lớp học tình thương được 10 năm. Ảnh: Nguyễn Ngoan.

Thời gian đầu đi vận động phụ huynh, bà giáo về hưu nhận không ít sự miệt thị, khó chịu vì bị cho là “rảnh quá nên nghĩ ra chuyện làm”.

“Ngày ấy tôi mất hàng tháng để vận động các gia đình cho con đi học. Có nhà thấy tôi từ xa đã xua tay đuổi về. Tôi buồn chứ, nhưng tâm tôi biết họ chỉ mặc cảm vì đang yên lành có người động đến nỗi đau con cái không được như những đứa trẻ khác. Chính vì vậy, tôi càng phải cố”, bà Nam kể.

Suốt hai năm đầu, lớp tình thương của bà Nam xin học nhờ ở trụ sở tuần tra của khu dân cư với hai học sinh. Bà bắt đầu dạy các em cách chào hỏi, ăn cơm biết mời, trước khi ăn phải rửa tay và đi học phải sửa sang quần áo chỉnh tề.

Sau một tháng, phụ huynh ngạc nhiên khi “bỗng dưng” con biết chào hỏi lễ phép, ngoan ngoãn nghe lời hơn. Dạy lễ nghĩa xong, bà giáo mới bắt đầu hướng dẫn các em làm quen mặt chữ. Trước khi dạy chữ O, bà viết mẫu lên chiếc bảng con và giảng giải cho học sinh hiểu phải đưa nét bút từ hướng nào lại. Khi đã quen, bà viết mẫu bằng bút chì lên vở để các em tô lại.

“Dạy trẻ bình thường đã khó, dạy các em khuyết tật hay thiểu năng vất vả hơn nhiều lần. Tôi cứ cầm tay hai em tô hết trang này tới trang khác chữ O cho tới khi thành thạo. Xong chữ O, tôi mới dạy các chữ cái khác. Học ghép vần cũng như vậy, nên dạy một đứa trẻ buộc lòng phải có sự kiên trì và nhẫn nại”, bà Nam cho hay.

Trong số học sinh của bà, có em đã bám lớp được 16-17 năm, có em mới vào từ đầu năm ngoái, có học sinh đã “tốt nghiệp” và lập gia đình, có em đã mất. Không chỉ học sinh ở phường Yên Phụ, nhiều gia đình trong thành phố cũng gửi con tới lớp của bà. Bà chưa lần nào từ chối khi có học sinh tìm đến, dù các em bị down, liệt, tự kỷ, bởi bà tâm niệm “đến mình còn từ chối thì lấy ai sẽ giúp đỡ các con?”.

Để động viên học trò, cứ thứ sáu hàng tuần bà bỏ tiền túi ra mua bim bim phát cho mỗi em một gói. Học sinh nào ngoan bà sẽ thưởng thêm, các em chưa ngoan sẽ tự hiểu và phải cố gắng nhiều hơn.

Cô Nam hướng dẫn một em học sinh mới vào lớp viết chữ cái. Ảnh: Nguyễn Ngoan
Bà Nam hướng dẫn một học sinh mới vào lớp viết chữ cái. Ảnh: Nguyễn Ngoan.

Nhìn quanh căn phòng khang trang, rộng rãi, bà Nam cười: “Giờ các con vào nề nếp rồi chứ ngày trước vất vả lắm. Ngoài việc giảng dạy, tôi còn phải lau dọn vệ sinh, rửa mặt mũi chân tay. Gọi là cô giáo nhưng thực chất tôi kiêm cả bảo mẫu”.

Suốt 23 năm gắn bó với trẻ khuyết tật, bà Nam có nhiều kỷ niệm cảm động. Dù đã nhiều năm trôi qua, bà vẫn không quên lần đầu tiên được học sinh tặng hoa trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Hôm ấy bà bước vào lớp thì thấy các em học sinh đứng hết dậy, rồi mỗi em bẽn lẽn lấy một bông hoa hồng mang đến tặng. Khi được hỏi lấy tiền đâu, đám học sinh thành thật “khai” tiết kiệm tiền quà sáng.

“Có lần tôi bị tai nạn phải nằm nhà, học sinh cũng đến tận nơi thăm. Có em còn ngồi cạnh giường mếu máo ‘cô ơi cô đừng chết nhé’, nhìn thương lắm”, bà Nam kể chậm lại, mắt rơm rớm.

Tháng 3/2020, Covid-19 bùng phát khiến lớp học buộc phải nghỉ một thời gian dài, cả cô và trò ai nấy cũng đều buồn. Thời điểm nghỉ học, ngày nào bà Nam cũng gọi điện thoại cho gia đình để giao bài tập, thỉnh thoảng lại nói chuyện với các học sinh. Mãi đến tháng 5, khi dịch bệnh được kiểm soát, cả lớp vui mừng trở lại lớp.

23 năm qua, bà Nam chưa bao giờ nghĩ đến chuyện thu học phí hay bất cứ một khoản tiền nào. Nhiều khi bà còn chắt chiu đồng lương hưu để mua quà, bánh, đồ dùng học tập cho học trò của mình. Với bà, sự yêu quý và tiến bộ của học trò chính là nguồn động viên lớn nhất giúp bà tiếp tục công việc.

Bước sang tuổi 89, khi chân ngày càng yếu, tay run, bà Nam không biết có thể đứng lớp được bao lâu nữa. Nhưng với bà, khi còn sức khoẻ, còn có thể dạy học sinh, bà không ngại mưa gió hay bão lũ, miễn là có thể đến gặp và dạy dỗ các học sinh thân yêu.

Cô giáo Hồ Phương Nam đã có 23 năm theo dạy trẻ khuyết tật. Ảnh: Nguyễn Ngoan
Cô giáo Hồ Phương Nam đã có 23 năm theo dạy trẻ khuyết tật. Ảnh: Nguyễn Ngoan.

Theo Đăng Khoa/ Ngoisao.net

Nguồn: https://ngoisao.net/lop-hoc-khong-tieng-giang-bai-cua-ba-giao-89-tuoi-4232693.html