Lần đầu tiên TP.HCM có mặt cả hai biến chủng từ Ấn và Anh có thể lây lan nhanh

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM giải trình tự gene virus của bệnh nhân 4583 (ca quận 7) ghi nhận biến chủng B.1.617.2 từ Ấn Độ, bệnh nhân 4780 (phụ nữ bán quán ăn ở quận 3) nhiễm chủng B.1.1.7 từ Anh.

Lần đầu tiên TP.HCM có mặt cả hai biến chủng từ Ấn và Anh có thể lây lan nhanh - Ảnh 1.
Lực lượng chức năng khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm người dân trong hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu – Ảnh: MINH HÒA

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, tối 21-5 cho biết kết quả này do nhóm nghiên cứu COVID-19 của bệnh viện và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) giải mã mẫu RNA được tách chiết từ mẫu phết hầu họng của hai bệnh nhân 4583 và 4780.

Kết quả cho thấy bộ gene virus của bệnh nhân 4583 (quận 7) thuộc biến chủng B.1.617.2, tương tự biến chủng ghi nhận ở bệnh nhân 4514 – thanh niên ngụ TP Thủ Đức đã được thông tin trước đó. Ca dương tính ở quận 7 này cũng được các chuyên gia cho rằng đã lây bệnh COVID-19 cho bệnh nhân ở TP Thủ Đức.

Hai người này làm chung công ty tại quận 3. Ca dương tính ở quận 7 từng đến thăm người nhà ở Hải Phòng từ ngày 24-4 đến 5-5, về TP.HCM đi làm trước khi phát hiện dương tính SARS-CoV-2 tối 18-5.

Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, kết hợp hai kết quả giải mã virus với thông tin dịch tễ, có thể khẳng định bệnh nhân 4583 và 4514 có cùng nguồn lây.

Biến chủng của hai bệnh nhân này tương tự biến chủng đang gây dịch tại các tỉnh phía Bắc.

Còn bệnh nhân 4780 – người phụ nữ bán quán ăn ngụ hẻm 287 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, nhiễm biến chủng B.1.1.7.

Bệnh viện cũng đang tiếp tục giải trình tự gene virus hai người con của bệnh nhân này, gồm bệnh nhân 4781 và 4782. Cả ba được ghi nhận mắc COVID-19 ngày 20-5.

Biến chủng B.1.1.7 từ Anh đang lưu hành tại Đà Nẵng và Hà Nam, hiện nay đã lây lan ra các tỉnh khu vực miền Trung.

Tại TP.HCM, chủng này từng được phát hiện trên bệnh nhân 1660 (thanh niên 28 tuổi từ Hải Dương, phát hiện bệnh ngày 29-1) và bệnh nhân 2910 (thanh niên 28 tuổi từ Hà Nam, phát hiện bệnh ngày 29-4), được cách ly điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi trước đây.

TS.BS Châu nhận định: “Đây là lần đầu tiên TP.HCM ghi nhận sự lưu hành đồng thời của cả hai biến chủng được cho là có khả năng lây lan nhanh, gồm biến chủng Án Độ và Anh, ở các ca bệnh trong cộng đồng”.

Theo Thùy Dương/Tuổi Trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/lan-dau-tien-tp-hcm-co-mat-ca-hai-bien-chung-tu-an-va-anh-co-the-lay-lan-nhanh-20210521203515543.htm

Khẩn cấp truy tìm nữ công nhân nghi mắc COVID-19 bỏ trốn khỏi Bắc Giang

Các huyện tại Yên Bái đang hỏa tốc truy tìm một nữ công nhân được cho đã mắc COVID-19 nhưng trốn khỏi Bắc Giang. Tuy nhiên, có khả năng người này đã khai báo thông tin cá nhân không trung thực.

UBND huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã gửi văn bản khẩn cấp tới Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của huyện, các xã, thị trấn, công an… về việc rà soát, nắm tình hình tất cả các công dân trên địa bàn có tên Hoàng Thị Thương (SN 1993, quê Yên Bái).

Công dân này bị xác định đã trốn khỏi khu cách ly ở khu công nghiệp Quang Châu (Việt Yên, Bắc Giang) từ ngày 20/5.

Chính quyền huyện Văn Chấn xác định Hoàng Thị Thương có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh COVID-19 nên bất cứ ai phát hiện có người trùng thông tin hoặc nghi ngờ là chị Thương phải báo ngay về UBND huyện.

“Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách, đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện” – văn bản của UBND huyện Văn Chấn nêu rõ.

Một địa phương khác tại Yên Bái, huyện Văn Yên cũng gửi văn bản hỏa tốc yêu cầu cơ quan chức năng, người dân tìm kiếm công dân tên Hoàng Thị Thương nói trên.

Văn bản của huyện Văn Yên xác định, có một số công dân đã trốn khỏi địa bàn tỉnh Bắc Giang khi có kết quả xác định nhiễm COVID-19 gồm chị Hoàng Thị Thương. Do vậy, các địa phương trong huyện phải rà soát, nếu để lọt đối tượng về từ vùng dịch, Bí thư, Chủ tịch UBND địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Phương – Chủ tịch UBND huyện Việt Yên (Bắc Giang) cho biết, tại huyện Việt Yên từng có một công nhân tên “Hà Thị Thương” (SN 1993, quê Yên Bái).

Bước đầu, cơ quan công an nhận định Hà Thị Thương trùng khớp thông tin với đối tượng Hoàng Thị Thương đang được chính quyền tại Yên Bái truy tìm và nhiều khả năng là cùng một người. “Hà Thị Thương từng được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Dũng (Bắc Giang) điều trị từ ngày 17/5” – ông Phương nói.

Theo Tiền Phong

Nguồn: https://tienphong.vn/khan-cap-truy-tim-nu-cong-nhan-nghi-mac-covid-19-bo-tron-khoi-bac-giang-post1338877.tpo