Covid-19 ở TP.HCM: Chuyên gia dự báo dịch đã gần đạt đỉnh, kết thúc cuối tháng 8

Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Fulbright và Tech4Covid dự báo đến đầu tháng 8-2021, dịch Covid-19 ở TP.HCM chỉ còn rải rác vài ca/ngày và sẽ kết thúc vào cuối tháng này nếu thực hiện nghiêm Chỉ thị 10.

Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM vừa có báo cáo tổng hợp các phân tích, đánh giá, dự báo và giải pháp đối với diễn biến dịch Covid-19 tại TP lên Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và một số thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.

Trong báo cáo, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã giới thiệu kết quả của 2 nhóm nghiên cứu: nhóm nghiên cứu của Đại học Fulbright và nhóm nghiên cứu Tech4Covid .

Theo kết quả phân tích của nhóm nghiên cứu Đại học Fulbright, việc áp dụng Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM cho thấy xu hướng dịch đã gần đạt đỉnh vào cuối tháng 6-2021 và đầu tháng 7-2021.

Nhóm nghiên cứu Đại học Fulbright đưa ra 4 kịch bản về áp dụng chính sách kiểm soát dịch, trong đó có 2 kịch bản áp dụng Chỉ thị 10 của TP và Chỉ thị 16 của Chính phủ và từ đó kết luận dịch bệnh sẽ suy giảm và kết thúc vào tháng 8-2021.

Trong đó có kịch bản áp dụng Chỉ thị 10 trong 2 tuần tháng 7 và sau đó nới lỏng dần. Tổng số ca của cả đợt dịch là khoảng 11.000 ca. Kể từ đầu tháng 8 chỉ còn rải rác vài ca/ngày và dịch sẽ kết thúc vào cuối tháng.

Kịch bản còn lại là áp dụng Chỉ thị 16 trong một tuần kể từ cuối tháng 6, đầu tháng 7, sau đó nới lỏng dần. Tổng số ca của cả đợt dịch là khoảng 7.000 – 10.000 ca. Kể từ đầu tháng 8 chỉ còn rải rác vài ca/ngày và sẽ kết thúc vào giữa tháng 8.

 Covid-19 ở TP.HCM: Chuyên gia dự báo dịch đã gần đạt đỉnh, kết thúc cuối tháng 8  - Ảnh 1.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại quận 3 ngày 1-7. Ảnh: Hoàng Triều

Nhóm này khuyến nghị áp dụng Chỉ thị 10 trong 2 tuần đầu tháng 7, sau đó nới lỏng dần sẽ giúp kiểm soát dịch hoàn toàn vào cuối tháng 8-2021 và dịch không bùng phát trở lại. Dù vậy, cần kiểm soát nguy cơ từ các ca xâm nhập từ tỉnh khác.

Để giúp dịch giảm nhanh hơn, nhóm khuyến cáo kiểm soát việc đi lại vào ngày giữa tuần chặt chẽ hơn, hỗ trợ kinh tế cho người dân để giúp họ tuân thủ được Chỉ thị 10, xét nghiệm rộng và nhanh hơn… Ngoài ra, cần tiếp tục theo dõi số liệu và cập nhật dự báo để quyết định thời gian nới lỏng sớm hơn nếu các biện pháp nêu trên được thực hiện hiệu quả.

Còn nhóm nghiên cứu Tech4Covid dự báo ca F0 cộng đồng có xu hướng đạt đỉnh và sẽ bắt đầu giảm nhẹ trong tháng 7-2021. Dịch bệnh sẽ được kiểm soát đến cuối tháng 8 nếu Chỉ thị 10 được tuân thủ tốt. Ngoài ra, dựa vào tiêu chí ca tầm soát và hệ số lây nhiễm của ca tầm soát, nhóm Tech4Covid đề xuất phân loại quận, huyện theo 3 nhóm: nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và nguy cơ. Nhóm này khuyến nghị cân nhắc đưa vào danh sách tăng cường xét nghiệm đối với nhóm nguy cơ rất cao cũng như bắt buộc thực hiện khai báo y tế điện tử của TP HCM.

Sở Thông tin và Truyền thông nhận thấy 2 nhóm có tương đồng về việc áp dụng Chỉ thị 10 đã phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn dịch bệnh bùng phát tại TP HCM. Dịch đã có xu hướng gần đạt đỉnh ở vào cuối tháng 6 và có xu hướng giảm nhẹ vào đầu tháng 7-2021. Việc tiếp tục duy trì tuân thủ Chỉ thị 10 sẽ giúp cho việc kiểm soát dịch hoàn toàn tháng 8-2021.

Bên cạnh đó, phải nhanh chóng triển khai áp dụng công nghệ (xét nghiệm nhanh diện rộng, tiêm vắc-xin, khai báo y tế điện tử…) trong công tác phòng chống dịch.

Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM xem xét các khuyến nghị của 2 nhóm nghiên cứu vì các khuyến nghị này dựa vào các căn cứ khoa học.

Nhóm nghiên cứu của Đại học Fulbright do TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, làm trưởng nhóm. Thành viên có TS-BS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, Giảng viên cao cấp trường ĐH Sydney Úc và các cộng sự là các nhà nghiên cứu người Việt trong và ngoài nước.

Nhóm nghiên cứu Tech4Covid do TS Đinh Bá Tiến, Trưởng Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Khoa học tự nhiên làm trưởng nhóm. Thành viên: PGS-TS Lê Đình Duy, Trưởng Phòng Đào tạo sau đại học và Khoa học công nghệ, Trường Đại học Công nghệ thông tin và các cộng sự là các nhà nghiên cứu người Việt trong và ngoài nước, đặc biệt có TS Quoc Tran (Principal Data Scientist, Walmart Labs, US) đã có kinh nghiệm trong xây dựng mô hình dự báo có độ chính xác cao đối với dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra tại Mỹ.

Theo Người Lao Động

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/dich-covid-19-tp-hcm-da-dat-dinh-chuyen-gia-du-bao-dich-ket-thuc-cuoi-thang-8-20210701173704667.htm

Trưa 2-7: Thêm 175 ca COVID-19, riêng TP.HCM có 151 ca

Bản tin trưa 2-7 của Bộ Y tế cho biết có thêm 175 ca COVID-19 mới. Do diễn biến dịch phức tạp, bên cạnh Bộ phận Thường trực chống dịch tại TP.HCM, Bộ Y tế vừa triển khai Tổ hỗ trợ phòng chống dịch tại Đồng Nai và Đồng Tháp.

Bản tin trưa ngày 2-7 có 175 ca mắc mới (BN17728-17902), gồm 5 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Thanh Hóa (3), Long An (1), Kiên Giang (1). 

170 ca ghi nhận trong nước tại: TP. HCM (151), Phú Yên (10), Hưng Yên (3), Long An (2), Trà Vinh (1), Hải Phòng (1), Bắc Giang (1), Bắc Ninh (1); trong đó 143 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.

Thông tin chi tiết các ca mắc mới:

170 ca ghi nhận trong nước:

– 10 ca bệnh (BN17728, BN17732-BN17733, BN17735-BN17739, BN17746-BN17747) ghi nhận tại tỉnh Phú Yên là các trường hợp F1 trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa. Kết quả xét nghiệm ngày 30-6 và 1-7 dương tính với COVID-19.

– ca bệnh (BN17730-BN17731) ghi nhận tại tỉnh Long An là các trường hợp F1 đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 30-6 dương tính với COVID-19. Hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2, tỉnh Long An.

– ca bệnh (BN17734) ghi nhận tại tỉnh Trà Vinh: nữ, 30 tuổi, địa chỉ tại huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh; có tiền sử đi về từ Bình Dương, đã chủ động khai báo y tế và được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 1-7 dương tính với COVID-19. Hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 1, tỉnh Trà Vinh.

– ca bệnh (BN17743-BN17745) ghi nhận tại tỉnh Hưng Yên là các trường hợp F1 đã được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 1-7 dương tính với COVID-19. Hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

– ca bệnh (BN17748) ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang: nữ, 57 tuổi, địa chỉ tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang; trong khu vực đã được phong tỏa. Kết quả xét nghiệm ngày 1-7 dương tính với COVID-19. Hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2, tỉnh Bắc Giang.

– ca bệnh (BN17749) ghi nhận tại TP. Hải Phòng: nữ, 34 tuổi, địa chỉ tại huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng; là F1 của BN14452, đã được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 1-7 dương tính với COVID-19. Hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng.

– ca bệnh (BN17750) ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh: nam, 12 tuổi, địa chỉ tại phường Tiền An, TP. Bắc Ninh; là F1 của BN14461, đã được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm lần 5 ngày 1-7 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh.

– 151 ca bệnh (BN17751-BN17901) ghi nhận tại TP.HCM: 124 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa; 27 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

5 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh

– ca bệnh (BN17729) được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Long An: nam, 41 tuổi, quốc tịch Đài Loan. Ngày 11-6 từ Đài Loan nhập cảnh Việt Nam tại Sân bay Tân Sơn Nhất và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Long An. Kết quả xét nghiệm lần 3 ngày 1-7 dương tính với COVID-19. Hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2, tỉnh Long An.

– ca bệnh (BN17740-BN17742) được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Thanh Hóa. Ngày 30-6 từ Thái Lan nhập cảnh Việt Nam tại Sân bay Nội Bài trên chuyến bay VN 6802 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Thanh Hóa. Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 2-7 dương tính với COVID-19. Hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Thanh Hoá.

– ca bệnh (BN17902) được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Kiên Giang: nam, 21 tuổi, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Ngày 30-6, nhập cảnh Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Kiên Giang. Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 1-7 dương tính với COVID-19. Hiện đang cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

Tính đến 12h ngày 2-7, Việt Nam có tổng cộng 16.075 ca ghi nhận trong nước và 1.827 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27-4 đến nay là 14.505 ca, trong đó có 4.473 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Tổng cộng từ đầu mùa dịch, số ca điều trị khỏi là 7.247 ca.

Có 14 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng: Yên Bái, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Bạc Liêu, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Phú Thọ, Hà Nam.

Có 8 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Nam Định, Quảng Nam, Trà Vinh, Bắc Kạn, Gia Lai, Kiên Giang, Cần Thơ, Đắk Lắk.

Sáng nay 2-7, Bộ Y tế cũng cho biết trong tháng 7 sẽ tiếp nhận 8 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 từ các nguồn, trong đó dự kiến có 1,6 triệu liều AstraZeneca do COVAX cung cấp, sẽ về Việt Nam ngay đầu tháng 7 và ít nhất 1 lô vắc xin (số lượng riêng 1 lô đầu tiên là 90.000 liều) mua từ Pfizer, 1 triệu liều do Nhật Bản tặng…

Tính đến 16h chiều 1-7, tổng cộng đã thực hiện tiêm được gần 3.813.800 liều vắc xin phòng COVID-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 là 204.000 người.

Ngoài Bộ phận thường trực chống dịch tại TP.HCM, Bộ Y tế thành lập, triển khai hoạt động của Tổ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Đồng Nai, Đồng Tháp.

Đồng thời xây dựng các kịch bản về chống dịch, phát triển kinh tế – xã hội phù hợp với tình hình dịch bệnh, theo hướng chủ động, linh hoạt áp dụng các giải pháp để thực hiện mục tiêu kép, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chống dịch và phát triển kinh tế.

Theo Tuổi Trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/trua-2-7-them-175-ca-covid-19-151-o-tp-hcm-20210702123135532.htm

Covid-19 đang “hoành hành” tại TP.HCM: Cứ 1 người nhiễm lại lây cho 5 người

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trong đợt dịch lần thứ tư tại thành phố, biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 lần này có tốc độ lây lan rất kinh khủng.

Biến thể Virus Delta có tỉ lệ lây nhiễm cao, 1 người có thể lây cho 5 người

Nếu trước kia gia đình chỉ 1, 2 thành viên có thể nhiễm thì hiện tại nếu 1 thành viên mắc Covid-19 thì cả gia đình đều nhiễm. Ông Hưng cho rằng thời gian tới sẽ có khả năng còn nhiều ca mắc trong cộng đồng.

Bác sĩ Huynh Wynn Trần – Tổ chức y khoa VietMD, Hoa Kỳ cho biết virus SARS-CoV-2 có hàng nghìn biến chủng và càng về sau thì biến thể càng có thể mạnh hơn.

Virus SARS-CoV-2 là họ RNA , chuỗi di truyền gen đơn không ổn định, nên sau mỗi vài triệu lần nhân bản thì rủi ro có thay đổi trong gen dễ xảy ra. Như sự phát triển tiến hóa sinh học, chỉ những thay đổi gen giúp virus tồn tại mới có thể cơ hội nhân bản ra nhiều hơn. Vì vậy, virus càng tồn tại lâu thì càng sẽ có nhiều biến thể.

Biến thể Delta (B.1.617.2) dễ lây nhiễm hơn các biến thể trước. Không riêng gì tại Việt Nam mà Delta trở thành biến thể đáng gờm trên toàn thế giới.

Một trong những quan ngại lớn nhất về biến thể này là khả năng lây nhiễm bệnh hơn hẳn các biến thể trước. Công bố từ Úc cho thấy chỉ số lây nhiễm R0 của biến thể Delta là 5, so với 2-2.5 biến thể gốc từ Trung Quốc.

Covid-19 đang hoành hành tại TP.HCM: Cứ 1 người nhiễm lại lây cho 5 người - Ảnh 1.

Người dân TP.HCM chờ xét nghiệm.

Chỉ số lây nhiễm R0 (R naught) là chỉ số bên ngành dịch tễ học, chỉ số này chỉ ra một người bị nhiễm có thể lây cho bao nhiêu người khác. Chỉ số 5 biến thể Delta được nói ở đây gợi ý rằng, hễ có 1 người bị nhiễm có thể lây cho 5 người khác, gấp đôi so với các biến thể ban đầu.

Tại Anh Quốc, ước tính 99% gen của virus SARS-CoV-2 hiện nay là Delta và đã tăng đến 79% so với những tuần trước.

Biến thể Delta có tăng độc lực hay không, bác sĩ Huynh Wynn khẳng định hiện nay chưa có bằng chứng người nhiễm biến thể Delta bệnh nặng hơn hay dễ tử vong hơn.

Tuy nhiên, các nghiên cứu từ Scotland đăng trên tạp chí Lancet mới đây chỉ ra biến thể Delta có thể khiến bệnh nhân dễ nhập viện hơn so với các biến thể trước, tăng thêm khoảng 85% rủi ro nhập viện.

Tăng khả năng nhập viện có thể dẫn tới tăng rủi ro tử vong với các bệnh nhân có bệnh lý nền như tiểu đường hay béo phì. Tuy nhiên, cũng nghiên cứu từ Scotland không chỉ ra biến thể Delta có mạnh hơn hay không.

Để chống lại biến thể Delta hiện chủ yếu vẫn dựa vào vắc xin

Đến nay, các nghiên cứu từ Anh đăng trên BMJ cho thấy vắc xin vẫn hiệu quả với biến thể Delta, ước tính trên 90%.

Cụ thể, có khoảng 806 bệnh nhân đã nhập viện sau khi nhiễm biến thể Delta. Trong số này, đa số là chưa chích vắc xin đầy đủ. Chỉ cố 86/804 (khoảng 10%) nhập viện là đã chích vắc xin 2 liều. Khoảng 90% bệnh nhân nhập viện với Covid-19 là chưa chích vắc xin đầy đủ.

Tại Hoa Kỳ, thống kê từ Los Angeles chỉ ra rằng, có 99.6% trong số 437,000 bệnh nhân tại Los Angeles nhập viện vì Covid-19 là không chích vắc xin. Trong số 12,234 ca tử vong vì Covid-19 từ tháng 12/2020 đến tháng 6/2021, có đến 99.8% là không chích vắc xin.

Chính vì vậy, BS Huynh Wynn khẳng định tiêm vắc xin là cách hữu hiệu nhất để giảm biến thể Delta phát triển. Biến thể Delta có thể là biến thể chính trong vài tháng tới trên toàn thế giới nếu chúng ta không chích vắc xin đầy đủ.

Hiện, vắc xin của Pfizer hiệu quả 93% với biến thể ban đầu Alpha, giảm xuống còn 88% so với biến thể Delta. Vắc xin Moderna cũng công bố vắc xin hiệu quả với biến thể Delta khi các bệnh nhân có kháng thể đặc hiệu trung hòa với tất cả biến thể của SARS-CoV-2, bao gồm cả biến thể Delta.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/covid-19-dang-hoanh-hanh-tai-tp-hcm-cu-1-nguoi-nhiem-lai-lay-cho-5-nguoi-161210207065940066.htm