Chuyện về tiệm sách đặc biệt mở cửa đến 1h sáng trên đường phố Sài Gòn: ‘Người ta khổ hơn thì mình cứ giúp thôi’

Dù đã lớn tuổi nhưng khi có khách hàng ghé mua sách, người phụ nữ vẫn luôn gọi em và xưng mình vì mong muốn được làm bạn bè, được sẻ chia cùng nhau.

21 giờ, Sài Gòn vẫn đang còn đông đúc. Những luồng xe vội vã trở về nhà sau ngày dài căng thẳng, hay tất bật rời nhà đến làm việc tại một quán cà phê xa lạ, hoặc đơn giản hơn là tìm đến một cuộc vui cùng bạn bè. Nhìn chung, đều mang trên mình một dáng vẻ duy nhất – hào nhoáng của ánh đèn, náo nhiệt của kèn xe, cô đơn của thị thành.

21 giờ, nép bên dòng xe náo nhiệt ấy, dưới chân ánh đèn cao áp vàng nhòe, một hàng sách nhỏ nghiêng mình lẳng lặng, bình yên chờ đợi khách qua đường.

Cuộc đời của mình, mình phải sống

Chủ nhân của hàng sách này là cô Nguyễn Thị Minh Hường (65 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM). Ở cái tuổi xế chiều, đáng lẽ cô nên được an hưởng tuổi già bên con cháu thì lại phải bận rộn mưu sinh để nuôi lấy chính mình, và hơn thế là cưu mang cả anh em của mình. Hiện tại, gia đình cô có 4 anh chị em nương tựa vào nhau, mà cô chính là trụ cột gia đình.

Ban ngày, cô chỉ quẩn quanh ở nhà dọn dẹp, lo cơm nước cho cả gia đình, và chăm sóc cho hai anh em trai có vấn đề về thân kinh. Khoảng 16 giờ, sau khi lo xong mọi việc, cô lái chiếc xe máy cũ kỹ đi dạy thêm cho hai em học sinh tiểu học, đây cũng là nguồn thu nhập cố định duy nhất của gia đình. Ai đó có thể nghĩ cô là cô giáo, nhưng thật ra cô chỉ là một người từng làm gia sư thời đi học, và được học trò tin tưởng gửi gắm lại những đứa con sau khi đã trưởng thành.

Góc đường dưới trụ đèn xanh đỏ là nơi cô Hường mưu sinh
Góc đường dưới trụ đèn xanh đỏ là nơi cô Hường mưu sinh
Cô đã lớn tuổi nên mắt nhìn có phần khó khăn
Cô đã lớn tuổi nên mắt nhìn có phần khó khăn

Kết thúc buổi dạy thêm, cô Hường trở về nhà để chuẩn bị mọi thứ. 21 giờ, hàng sách tại ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình) ‘mở cửa’, đơn giản và bình yên. Gọi là hàng sách nhưng thật ra nơi bán của cô chỉ là một chỗ đất trống giữa ngã tư, lót vài tấm bạt mỏng, và đặt sách lên trên. Mặc dù vậy, những quyển sách ở đậy lại được sắp xếp rất ngăn nắp theo từng thể loại, rất dễ dàng cho khách hàng chọn lựa.

Mỗi lần có ai đến mua sách, cô Hường lại cố gắng đứng lên, và đứng hoài, vì chân cô đau nên nếu ngồi xuống sẽ rất khó đứng lên lại. Cứ như vậy, cô ở đấy đến gần 1 giờ sáng mới bắt đầu dọn hàng, phần vì muốn tìm thêm chút thu nhập cho gia đình, phần vì tuổi cao nên không ngủ được. Mấy hôm hàng sách vắng lặng, những dòng xe dừng cạnh đưa mắt nhìn thật lâu, rồi vẫn chen nhau rời khỏi. Ánh mắt cô mòn mỏi, nhưng chưa từng oán trách cuộc đời.

Chuyện về tiệm sách đặc biệt mở cửa đến 1h sáng trên đường phố Sài Gòn: 'Người ta khổ hơn thì mình cứ giúp thôi' 2
Hàng sách của cô thu hút nhiều người nhìn, nhưng... ít ai mua
Hàng sách của cô thu hút nhiều người nhìn, nhưng… ít ai mua

‘Nhiều người nói hoàn cảnh của mình sao tội quá, lớn tuổi rồi mà còn chưa được nghỉ ngơi, người ta hỏi mình có trách cuộc đời không, đáng lẽ thì mình nên trách đó, nhưng mà mình nghĩ lại thì thấy là không. Mỗi người có một cuộc đời, cuộc đời của mình thì mình phải sống, có lẽ là nghiệp của mình nên mình phải trả thôi’ – cô bộc bạch.

Dù khó khăn vẫn luôn tích cực

‘Có những ngày mình bày hàng ra rồi lại phải dọn hàng vào mà không bán được quyển nào, nhìn những dòng xe qua lại, mình thấy buồn dữ lắm, nhưng mà không nói với ai. Xong rồi mình lại nghĩ, hôm nay ế thì ngày mai, ngày mốt cũng sẽ bán lại được, cứ như vậy mà không nản lòng‘ – cô chia sẻ về động lực của mình.

Chuyện về tiệm sách đặc biệt mở cửa đến 1h sáng trên đường phố Sài Gòn: 'Người ta khổ hơn thì mình cứ giúp thôi' 4
Cô vẫn hay đọc sách, vì thế dễ dàng tư vấn cho khách hàng nên chọn quyển nào
Cô vẫn hay đọc sách, vì thế dễ dàng tư vấn cho khách hàng nên chọn quyển nào

Mấy ngày nay, kể từ khi câu chuyện của cô Hường được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, hàng sách của cô bỗng đông người hơn hẳn, góc để đồ ăn người qua đường hay biếu cũng vì thế đầy hơn trước nhiều.

‘Cô là một người luôn nghĩ tích cực, sống tích cực, mọi vấn đề trong cuộc sống khi em chia sẻ với cô em sẽ thấy rất nhẹ nhàng, cuộc sống của cô cũng rất khó khăn nhưng mà cô luôn sẵn sàng cho đi những thứ mình có. Đó cũng là những điều mà em nghĩ mình sẽ học được từ cô’ – Nguyên Thảo – người đã viết về câu chuyện của cô.

‘Mình thấy mọi người đến đông mình vui lắm, vừa có người nói chuyện vừa bán được thêm nhiều sách. Mọi người giúp mình thì mình cũng thấy rất vui, nhưng thật ra còn nhiều người khó khăn hơn mình nữa. Nếu trước đây, khi còn phải cưu mang thêm ba mẹ già, chắc mình sẽ cầu nhiều người giúp, hiện tại thì đỡ hơn rồi’ – cô kể.

Chuyện về tiệm sách đặc biệt mở cửa đến 1h sáng trên đường phố Sài Gòn: 'Người ta khổ hơn thì mình cứ giúp thôi' 6
Chuyện về tiệm sách đặc biệt mở cửa đến 1h sáng trên đường phố Sài Gòn: 'Người ta khổ hơn thì mình cứ giúp thôi' 7
Nhiều bạn trẻ từ xa tìm đến để mua sách và trò chuyện cùng cô
Nhiều bạn trẻ từ xa tìm đến để mua sách và trò chuyện cùng cô

Có một điều mà các bạn trẻ khi ghé mua sách rất thích ở cô Hường, là cô xưng hô với mọi người bằng ‘mình’, gọi là ’em’ hoặc ‘bạn’. Chia sẻ về sự đặc biệt này, cô cho biết tuổi tác dễ làm mọi người xa cách nhau, có duyên gặp nhau thì chính là bạn bè, cô muốn cho các bạn một thứ gì đó – như sách, và nhận lại từ các bạn điều gì đó – như vài câu hỏi thăm, an ủi. Cũng chính vì điều này, cô rất hay tặng thêm sách cho khách hàng của mình, cô nghĩ nó không nhiều, nhưng khiến người khác vui, và cô cũng vậy.

Chuyện về tiệm sách đặc biệt mở cửa đến 1h sáng trên đường phố Sài Gòn: 'Người ta khổ hơn thì mình cứ giúp thôi' 9
Cô luôn hi vọng người khác cũng nhận được sự giúp đỡ như mình
Cô luôn hi vọng người khác cũng nhận được sự giúp đỡ như mình

Đôi mắt mờ vì mệt mỏi, đôi chân đau vì đi đứng nhiều, cô ngồi yên bên hàng sách, lúc tỉnh táo lại cô giương mắt về hướng đường, giữa dòng xe tấp nập tìm kiếm những cô bán vé số, những chú nhặt ve chai, những ai mà cô thấy đang khó khăn hơn mình. Bỏ qua cơn đau, cô chạy vội về phía họ, rồi biếu mấy hộp cơm, mấy gói bánh mà người ta cho: ‘Hôm nay người ta cho nhiều, mình ăn không hết, em ăn phụ mình nhé’.

Trở về ngồi bên hàng sách, vẫn dáng vẻ bình yên xa lạ ở Sài Gòn, cô từng ngày vẫn cố gắng mưu sinh, cố gắng chia sẻ tất cả những gì mình nhận được, như cái cách xã hội đang sẻ chia cùng mình.

Theo Trang Thư/Baodatviet.vn

Nguồn: http://gioitre.baodatviet.vn/nguoi-phu-nu-ban-sach-o-nga-tu-bay-hien-xung-ho-la-minh-em-voi-hi-vong-duoc-cho-di-va-nhan-lai-2093376.html