Chuyện về người đàn ông 𝓉à𝓃 𝓅𝒽ế tự thiết kế xe ‘trà sữa di động’ rong ruổi khắp Sài Gòn mưu sinh

Sau một tai nạn giao thông gây thương tật vĩnh viễn, người đàn ông chạy xe ôm công nghệ bỗng trở thành ông chủ tiệm dễ thương.

Đều đặn 5 giờ chiều mỗi ngày, trước cổng ký túc xá trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh lại xuất hiện một chiếc xe 4 bánh nhỏ bé chuyên bán trà và trà sữa cho học sinh, sinh viên. Chiếc xe màu xanh lá được bày biện gọn gàng cùng giọng nói nhẹ nhàng, lịch thiệp của người bán đã nhận được nhiều sự ủng hộ. 

Và chủ nhân của chiếc xe đáng yêu này chính là chú Trần Xuân Nhật (sinh năm 1975, ngụ quận 11) – người đàn ông thương tật tìm đến nghề buôn bán mong tự nuôi được chính mình.

Sống là chấp nhận biến cố

Trong con hẻm nhỏ đi vào ký túc xá, chiếc xe trà sữa của chú Nhật đậu nép một bên, không có bàn ghế, cũng không có mái che. Chốc chốc, giọng chú lại vang lên niềm nở: ‘Con uống gì chú làm nè con’, rồi lập tức bước xuống xe, chưa đầy 3 phút đã làm xong một món. Nhìn dáng vẻ lạc quan và nhanh nhẹn của chú, ít ai biết rằng đây là một người đàn ông thương tật vĩnh viễn ở chân vì tai nạn giao thông. 

Chú Nhật bên chiếc xe tự lên ý tưởng của mình.
Chú Nhật bên chiếc xe tự lên ý tưởng của mình.

Tôi bị tai nạn hồi mùng 6 Tết năm nay, lúc đó đang chạy xe ôm công nghệ. Đang lái bình thường thì người khách bất ngờ kêu tới chỗ, thắng gấp quá nên xe đằng sau không phản ứng kịp tông vào. Chiếc xe ngã ngang, phần khung xe đè đúng cẳng chân, xương ống quyển và cây xương nhỏ đằng sau đều gãy hết’ – chú bình tĩnh kể lại.

Mặc dù được đưa vào bệnh viện ngay sau đó và được cứu chữa tận tình nhưng chân của chú Nhật đã không thể nào trở lại như trước. Bằng đôi chân khập khiễng không còn đủ lực chống, chú không thể tiếp tục công việc xe ôm của mình. Từ một người có công việc và thu nhập tương đối ổn định, chú trở thành kẻ không biết phải sống như thế nào.

Một tháng nằm ở nhà chờ lành lại vết thương, chú trăn trở rất nhiều để tìm cách mưu sinh khác.
Một tháng nằm ở nhà chờ lành lại vết thương, chú trăn trở rất nhiều để tìm cách mưu sinh khác.

Thời gian đầu sau tai nạn, tôi buồn và sốc thật sự. Trước đó, tôi lái xe kiếm được gần cả triệu một ngày, bỗng nhiên lại thành kẻ nằm không. Đâu có ai chấp nhận ngồi trên một chiếc xe mà không đảm bảo an toàn, chân đứng còn không vững làm sao đỡ được xe.’ – chú nghẹn ngào nhớ lại. 

Đối với chú, những ngày tháng ấy thật sự đen tối, nhìn đôi chân vốn lành lặn giờ trở nên yếu ớt, không đều, chú dường như buông xuôi tất cả. Nhưng thời gian cũng dần xoa dịu mọi thứ, chú biết mình không thể cứ ‘ăn mày quá khứ’, nếu không chấp nhận đôi chân tật nguyên, cơ hội sống cũng coi như bị từ chối.

Đến thời điểm hiện tại, chú hạnh phúc trên đôi chân khập khiễng của mình. Nghĩ lại chuyện tai nạn, chú chẳng dám trách ai. Chú luôn cho rằng không một ai muốn gặp chuyện xui, và nếu đã đến thì phải nhận.

Đôi chân đứng dậy được sau vấp ngã luôn là đôi chân lành lặn nhất
Đôi chân đứng dậy được sau vấp ngã luôn là đôi chân lành lặn nhất

Tương lai trên chiếc xe đặc biệt

Khi bắt đầu nghĩ về tương lai trên chân tật nguyền, điều khiến chú trăn trở nhiều nhất chính là trình độ và tuổi tác của mình. ‘Ngoài buôn bán chắc mình không thể làm được gì’ – câu nói ấy như dẫn đường cho tương lai của chú. Lân la trên khắp các trang mạng, chú biết đến ‘danh xưng’ trà sữa – món uống luôn làm chao đảo giới trẻ. 

Trong quá khứ chạy xe ôm, chú từng bị đình chỉ hoạt động nửa tháng vì lái xe không đủ an toàn do thiếu ngủ. Từ lần đó, chú biết mình cần phải nghĩ đến quyền lợi của người khác song song với lợi ích của mình. Có lẽ vì nguyên do này mà khi đến với ‘sự nghiệp’ buôn bán trà sữa, chú hết sức tâm huyết.

Từ một người ‘tay ngang’, chú tìm đến mọi ngóc ngách của thành phố – nơi có những quán trà sữa được giới trẻ đánh giá là ngon, là đắt khách – để nếm thử hương vị. Về nhà, chú lần mò lên các video trên youtube để xem cách thức nấu trà sữa, rồi bắt tay vào thực hiện.

Khoảng thời gian từ khi thử nghiệm cho đến lúc ‘sản phẩm’ được bán ra thị trường, chú Nhật không nhớ rõ mình đã bỏ hay mời không bao nhiêu nồi trà sữa, chỉ biết rằng sau nhiều lần thay đổi công thức thì cũng đã thành công.

Hơn nửa năm đi khắp các trường học, xe trà sữa của chú hiện đã nhận được nhiều sự ủng hộ
Hơn nửa năm đi khắp các trường học, xe trà sữa của chú hiện đã nhận được nhiều sự ủng hộ

‘Tiệm trà sữa’ khi mới ra mắt chỉ là một chiếc xe đẩy tay. Với đôi chân khập khiễng, quãng đường di chuyển dù ngắn vẫn rất tốn thời gian và công sức của chú. Những ý tưởng về một chiếc xe cơ động dần được hình thành.

‘Mua được chiếc xe này cũng cực lắm, tại nó không giống với loại xe nào trên thị trường, nó là mô hình thu nhỏ của một chiếc xe tải đó. Xe này chỉ đỡ tốn sức người thôi chứ chạy được chừng 15km/h hà’ – chú bộc bạch.

Nhớ về những chuyến xe đầu tiên mà thùng đá không vơi một chút, chú bật cười: ‘Cả ngày không bán được một ly nào luôn’. Nhờ vào chiếc xe lưu động, chú di chuyển được nhiều nơi hơn, khách hàng thân quen cũng dần trở nên đông đúc – là mấy cô cậu học sinh, sinh viên bị thu hút bởi chiếc xe nhỏ nhắn, rồi yêu thích dần hương vị trà sữa ‘chú Nhật làm’.

Chuyện về người đàn ông tàn phế tự thiết kế xe 'trà sữa di động' rong ruổi khắp Sài Gòn mưu sinh 4
Chiếc xe là cả gia tài của người đàn ông tật nguyền
Chiếc xe là cả gia tài của người đàn ông tật nguyền

Với mức giá cao nhất là 18 nghìn đồng mỗi ly, mỗi ngày buôn bán của chú Nhật chỉ đủ để trang trải sinh hoạt phí cho mình cùng người ‘đầu ấp tay gối’ trong căn trọ nhỏ. Đợt dịch Covid vừa qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của chú bởi học sinh, sinh viên không đi học, khách vãng lai rất ít.

‘Cứ nghe dịch bùng phát là mình thấy lo, không có học sinh thì mình đâu có bán được nhiều’ – ông chủ ‘tiệm trà sữa di động’ tâm sự.

Đứng trước những khó khăn, người đàn ông dù lo lắng vẫn có sự chuẩn bị cho riêng mình, chú đã sẵn sàng cho những chuyến đi xa hơn trong thành phố để tìm kiếm thêm khách nếu dịch bệnh bùng phát một lần nữa.

Nguồn:  http://gioitre.baodatviet.vn/tiem-tra-sua-di-dong-va-cau-chuyen-muu-sinh-cua-ong-chu-2037753.html