Chờ Sài Gòn sau ngày 30.9: Nhiều người chờ đợi đến bơ phờ…

Nhiều công nhân, lao động tự do tại Sài Gòn đã quá cùng cực và khó khăn vì dịch Covid-19. Họ chờ đợi ngày kiểm soát được dịch và hết giãn cách đến mòn mỏi, bơ phờ. Nhưng sau ngày 30.9 liệu đã nới lỏng giãn cách?

Người dân mòn mỏi mong chờ ngày TP.HCM sẽ hết giãn cách để được ra đường đi làm  /// KHẢ HOÀ

Người dân mòn mỏi mong chờ ngày TP.HCM sẽ hết giãn cách để được ra đường đi làm. KHẢ HOÀĐã quá khổ trong đợt dịch này, chị Phan Thị Tài Linh, trọ trên đường Lê Văn Lương (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) khóc nghẹn chia sẻ: “Mình chỉ mong hết giãn cách để được đi làm trở lại. Nếu sau ngày 30.9 này Sài Gòn không kiểm soát được dịch, không nới lỏng giãn cách, người dân không thể đi làm để kiếm sống nữa thì không biết phải làm sao luôn. Chúng tôi quá khổ rồi, ở nhà mấy tháng nay, con nhỏ 2 đứa kêu khóc cả ngày, tiền ăn không có, tiền trọ nợ mấy tháng, cha mẹ già yếu ở quê không có tiền gửi về lo. Mong rằng sau 30.9 sẽ được đi làm trở lại”.

Chờ Sài Gòn sau ngày 30.9: Nhiều người chờ đợi đến bơ phờ...  - ảnh 1

Nhiều hộ công nhân ở trọ họ đã quá khó khăn trong đợt dịch này, giờ đây họ mòn mỏi chờ đợi TP.HCM sau ngày 30.9 sẽ kiểm soát được dịch và cho người dân ra đường đi làm để kiếm tiền sinh sống. HOA NỮ

Kiệt quệ cả vật chất lẫn tinh thần

Kể từ khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát, TP.HCM đã trải qua các đợt giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ. Cụ thể, từ 31.5 đến 14.6, thành phố giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ; từ 15.6 đến 8.7 giãn cách tăng cường theo Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM; từ 9.7 đến 15.9 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều hộ công nhân và lao động tự do đã rất mong chờ thành phố sau ngày 15.9 sẽ kiểm soát được dịch bệnh như mục tiêu và nhiệm vụ đã đặt ra trước đó, để có thể nới lỏng giãn cách và được đi làm trở lại. Nhưng đến ngày 15.9, TP.HCM lại tiếp tục đợt “gia hạn” giãn cách triệt để, nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16 đến hết ngày 30.9. Người lao động, đặc biệt là các gia đình lao động trẻ cho biết họ đã kiệt quệ cả về vật chất đến tinh thần trong đợt dịch này, họ rất mong đây là lần “gia hạn” cuối cùng để họ sớm được ra đường kiếm kế sinh nhai.

Chờ Sài Gòn sau ngày 30.9: Nhiều người chờ đợi đến bơ phờ...  - ảnh 2

Nhiều hộ công nhân, lao động tự do nhiều tháng qua chỉ biết trông chờ vào từng gói quà hỗ trợ để có thể trang trải cuộc sống qua ngày. HOA NỮ

Chị Phan Thị Tài Linh là nhân vật đã từng nhiều lần gọi điện cầu cứu sữa cho con trong đợt dịch lần thứ 4. Chị Linh là lao động tự do, chồng làm thợ hồ nên khi dịch bùng phát và phải thực hiện giãn cách, gia đình chị Linh đã vô cùng khó khăn do có con nhỏ 2 tuổi và một đứa 9 tuổi nhưng bị thiểu năng, chậm phát triển, phải dùng thuốc thường xuyên. Nhưng không đi làm được, không có tiền ăn hằng ngày và mua sữa, thuốc thang cho con nên con cứ quấy khóc cả ngày.

Trong đợt dịch này, gia đình chị Linh lại chẳng may nhiễm Covid-19 phải đi cách ly điều trị. “Tiền đã không có mà lại thêm bệnh tật, khổ đủ đường. Giờ cả gia đình đã khỏi bệnh về nhà hơn tháng nay nhưng kinh tế gia đình đã suy kiệt, tiền ăn không có phải mượn nợ của chủ nhà trọ. Giờ tiền phòng nợ mấy tháng nay không có tiền đóng mà lại mượn thêm tiền để mua đồ ăn. Nhưng dịch bệnh người ta cũng khó khăn, đâu ai cho mượn được nhiều. Những ngày qua có 4 hủ chao mà 2 vợ chồng ăn hết ngày này đến ngày khác, rồi người ta cho thêm rau, thêm gạo sống qua ngày”, chị Linh nghẹn ngào kể.

Chờ Sài Gòn sau ngày 30.9: Nhiều người chờ đợi đến bơ phờ...  - ảnh 3

Mong ngày được đi làm trở lại. KHẢ HOÀ

Chị Linh cho biết người lớn thì ăn sao cũng được, có gì ăn nấy, chỉ có thương 2 đứa nhỏ: “Bé nhỏ không có sữa để uống cứ khóc cả ngày, nên có nơi nào cho sữa là gọi điện đến cầu cứu để xin sữa cho con uống đỡ. Thằng lớn từ đợt dịch đến giờ không có một viên thuốc để uống vì tiền ăn còn không có thì lấy đâu ra tiền mua thuốc cho con. Cha mẹ già yếu ở quê cũng không có tiền để gửi về lo, bình thường trước đây cứ tháng là làm dồn lại rồi gửi về lo cho cha mẹ, nhưng mấy tháng dịch nay thì…”, chị Linh khóc nghẹn vì thương cha mẹ già và con nhỏ.

Giờ vợ chồng chị Linh chỉ chờ mong đến ngày 30.9 sẽ nới lỏng giãn cách và cho người dân được đi làm trở lại. “Thật tình 4 tháng nay nhận được gói hỗ trợ 1.2 triệu đồng và gói quà an sinh mà cả gia đình thì sống sao cho qua dịch. Tiền trọ một tháng hơn 2 triệu chưa tính điện nước mà nợ mấy tháng nay luôn rồi. Nếu sau 30.9 này mà cho đi làm trở lại thì chắc mừng đến khóc luôn, chứ thật sự giờ chúng tôi khổ quá rồi. Vắc xin cả 2 vợ chồng cũng đã tiêm đủ, lại là F0 khỏi bệnh nữa, chúng tôi rất mong sớm được đi làm trở lại”, chị Linh bày tỏ.

Mong chờ mỏi mòn

Chị Trần Kim Tuyến (ngụ tại Chợ Bà Điểm, huyện Hóc Môn) bày tỏ: “Thực sự giờ chỉ mong sau ngày 30.9 này Thành phố sẽ mở cửa, cho người dân đi làm lại. Để họ còn con đường sống, chứ xung quanh khu mình ở công nhân nhiều, họ thất nghiệp đói khổ mà đâu có được hỗ trợ gì đâu, xót xa lắm. Họ phải xin từng cọng rau, gói mì và trông chờ vào gói hỗ trợ mà chờ hoài không thấy đâu”.

Chị Tuyến cũng có nguyện vọng: “Nếu sau 30.9 mà vẫn còn giãn cách thì nên hỗ trợ cho người dân về quê bớt, nếu như họ đã chích đủ 2 mũi vắc xin. Chứ ở đây họ đói khổ quá, cứ lên mạng thấy họ kêu than mà thấy xót quá”.

Chờ Sài Gòn sau ngày 30.9: Nhiều người chờ đợi đến bơ phờ...  - ảnh 4

Gia đình đông thành viên, cha làm bảo vệ, mẹ đi nhặt và mua bán ve chai lại phải cưu mang người cậu lớn tuổi bị yếu tay chân không lao động được nên cuộc sống của gia đình Bành Ngọc Như Ý (ngụ trên đường Đoàn Văn Bơ, Q.4, TP.HCM) vốn dĩ đã khó khăn, nay lại càng thêm khốn khổ hơn.

Bình thường Như Ý vừa đi học, vừa đi làm để kiếm tiền trang trải việc học và phụ với ba mẹ, nhưng từ khi đợt dịch này bùng phát, Ý không đi làm được, ba mẹ cũng không có việc làm. Đã thế, cả gia đình lại còn chẳng may bị nhiễm Covid-19, cuộc sống lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn.

“Đến nay dù gia đình em đều đã may mắn khỏi bệnh nhưng không còn tiền để trang trải cuộc sống. Đợt dịch vừa qua thấy chỗ nào người ta cho hỗ trợ cái gì là em gọi đến đó để xin. Giờ cả gia đình em chỉ mong ngày 30.9 này thành phố kiểm soát được dịch, cho người dân được ra đường đi làm, chứ nếu không gia đình em không biết phải thế nào”, Như Ý nghẹn ngào bày tỏ.

Chờ Sài Gòn sau ngày 30.9: Nhiều người chờ đợi đến bơ phờ...  - ảnh 5

Những em nhỏ không có sữa uống thời gian dài, vui mừng khi được nhận sữa hỗ trợ. HOA NỮ

Anh Nguyễn Tấn Đạt (ngụ trên đường Lý Thái Tổ, Q.3, TP.HCM) thì cho biết anh mòn mỏi đợi chờ đến 30.9 nhưng vẫn không còn kỳ vọng như nhiều lần trước vì “gia hạn” giãn cách đã rất nhiều lần.

“Bản thân mình đã hơn 4 tháng qua phải tạm dừng công việc kinh doanh, các đơn hàng không thể vận chuyển, nguyên vật liệu thì không thể mua. Nhiều đơn hàng bị hủy do khách chờ lâu. Việc chờ đợi để được đi chợ cho gia đình bây giờ cực kỳ khó khăn, nhà mình sát bên Bách Hóa Xanh, chỉ đi tầm vài bước là đến nhưng mua trực tiếp thì không được, phải gọi nhờ đi chợ hộ hoặc đặt hàng online siêu thị và chờ vài ngày mới ship tới. Chỉ mong được đi lại thuận tiện hơn để mua nhu yếu phẩm, khám chữa bệnh. Nếu còn tiếp tục giãn cách không mở cửa thì bản thân mình sợ không thể trụ nổi vì tiền dành dụm đã gần hết. Nhiều bạn bè mình lâm vào cảnh nợ nần, hơn 4 tháng nay thu nhập bằng không, thực sự không biết phải làm như thế nào”, anh Đạt bày tỏ.

Anh cũng cho biết thời gian qua khu vực xung quanh nhà anh gần như mọi người đều mong ngóng nguồn tiền hỗ trợ và lương thực thực phẩm được mạnh thường quân đến chia sẻ. Vì giờ đây hộ khá giả hay hộ nghèo gì cũng đều khó khăn vì dịch.

“Chỉ biết mong ngóng để được mở cửa lại. Hy vọng sau ngày 30.9 này Sài Gòn sẽ không phải gia hạn giãn cách nữa. Chứ không người dân sẽ không thể trụ nổi vì đã quá khó khăn”, anh Đạt gửi gắm. 

Theo Thanh Niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/gioi-tre/cho-sai-gon-sau-ngay-309-nhieu-nguoi-cho-doi-den-bo-pho-1454618.html

Dự kiến phương án lưu thông tại TP.HCM từ ngày 1/10

Tình hình giao thông trên địa bàn TP.HCM sẽ được tổ chức theo phương án từng khu vực gồm phong tỏa, nguy cơ và bình thường mới.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá và vận chuyển một số đối tượng cần thiết, có nhu cầu lưu thông thường xuyên giữa TP.HCM và các tỉnh, Sở Giao thông vận tải đã xây dựng dự thảo phương án tổ chức giao thông, áp dụng từ ngày 1/10.

Theo đó đối với người ngồi trên phương tiện phải đảm bảo các điều kiện được phép lưu thông của ngành y tế, tuân thủ quy định 5K, thực hiện khai báo trên địa chỉ suckhoe.dancuquocgia.gov.vn (hoặc ứng dụng VNEID) và đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch theo quy định của ngành y tế trước khi tham gia giao thông.

Dự kiến phương án lưu thông tại TP.HCM từ ngày 1/10 - Ảnh 1.

Đường phố những ngày cuối tháng 9/2021 dần nhộn nhịp trở lại

Đối với hoạt động vận tải bằng ô tô: đơn vị vận tải phải đảm bảo các điều kiện theo Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP.HCM.

Ngoài ra, đối với giao thông trên địa bàn TP.HCM sẽ được tổ chức theo phương án từng khu vực.

Cụ thể, khu vực phong toả: chỉ cho phép lưu thông các loại xe công vụ, xe phục vụ công tác phòng chống dịch, phương tiện vận tải hàng hoá, xe chở đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế, người phục vụ phòng chống dịch, người dân kết thúc thời gian cách ly y tế tại các khu cách ly tập trung, người bệnh COVID-19, người xuất viện từ các bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 về nơi cư trú.

Trong trường hợp khu vực phong tỏa có những tuyến đường liên quận lưu thông cắt ngang, bắt buộc có lộ trình cho tất cả các loại xe quá cảnh lưu thông ngang qua và không được dừng đỗ xe trên đoạn đường qua khu vực phong tỏa.

Dự kiến phương án lưu thông tại TP.HCM từ ngày 1/10 - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát kiểm tra người ra đường bằng ô tô

Khu vực nguy cơ: ngoài các loại xe được phép lưu thông tại khu vực phong toả, bổ sung thêm xe máy công nghệ giao nhận hàng hoá (shipper), xe vận chuyển hàng hoá, dịch vụ liên quan trực tiếp đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm,…); chứng khoán; bưu chính; viễn thông; dịch vụ hỗ trợ vận chuyển; phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa; khám chữa bệnh…; xe chở thiết bị, vật liệu phục vụ xây dựng, sửa chữa các công trình công cộng, công trình hạ tầng kỹ thuật được phép thi công; dịch vụ bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư,…); xe taxi có mã QR do sở GTVT cấp; xe đưa người dân Thành phố về quê và xe đón người dân từ quê về Thành phố theo kế hoạch; xe vận chuyển công nhân, chuyên gia.

Trong trường hợp khu vực nguy cơ có những tuyến đường liên quận lưu thông cắt ngang, bắt buộc có lộ trình cho tất cả các loại xe quá cảnh lưu thông ngang qua.

Dự kiến phương án lưu thông tại TP.HCM từ ngày 1/10 - Ảnh 3.

CSGT kiểm tra mã QR khai báo di chuyển nội địa của người đi đường

Khu vực bình thường mới: ngoài các loại xe được phép lưu thông tại khu vực nguy cơ, bổ sung thêm xe buýt và xe khách hợp đồng; bến khách ngang sông, bến thủy nội địa và tuyến du lịch đường thủy. Đối với xe khách hợp đồng sẽ được Sở GTVT cấp phép hoạt động có mã QR để kiểm soát số lượng, đối với xe buýt sẽ được hoạt động trên từng tuyến cụ thể.

Về hoạt động vận tải hàng hóa, khu vực nguy cơ, khu vực bình thường mới: xe tải nhẹ chở hàng hóa được phép hoạt động 24/24 giờ cho đến khi có thông báo mới. Các xe tải nặng hoạt động tuân thủ theo Quyết định số 23/2018 của UBND TP.HCM.

Đối với việc vận chuyển hàng hoá từ các điểm tập kết, trung chuyển hàng hoá vào các điểm phân phối phải tuân thủ theo phương án điều phối của Sở Công thương, Ban Quản lý khu chế xuất và khu công nghiệp theo thẩm quyền quản lý.

Về hoạt động vận tải hành khách, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng đến 09 chỗ (sử dụng hợp đồng điện tử), xe hợp đồng và xe du lịch phục vụ hoạt động du lịch đều được phép hoạt động với số lượng, tần suất hoạt động phù hợp với thực tế theo công bố của Sở Giao thông vận tải và có mã QR.

Dự kiến phương án lưu thông tại TP.HCM từ ngày 1/10 - Ảnh 4.

TP.HCM có thể sẽ bước vào cuộc sống bình thường mới từ ngày 1/10

Ngoài ra, dự thảo còn cho biết các phương tiện vận tải hàng hoá lưu thông đến và lưu thông ngang qua TP.HCM phải có giấy nhận diện (mã QR). Đối với phương tiện có lộ trình quá cảnh qua TP.HCM thì không được dừng, đỗ phương tiện trong suốt quá trình lưu thông quá cảnh (trừ trường hợp bất khả kháng như phương tiện bị hư hỏng, sự cố kỹ thuật, về sức khỏe của người trên phương tiện,…).

Các phương tiện vận chuyển hàng hóa đi đến TP.HCM phải tập trung tại các đầu mối, điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa được phép hoạt động theo quy định của của Sở Công thương, các khu công nghiệp và UBND các quận huyện.

Về người dân từ các tỉnh đến TP.HCM để khám chữa bệnh, ngoại trừ trường hợp cấp cứu thì phải có giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng 72 giờ. Đồng thời phải Giấy chuyển viện hoặc giấy hẹn tái khám của các Bệnh viện tại TP.HCM.

Ngoài ra phải có giấy xác nhận của chính quyền địa phương (cấp phường, xã) về cho phép di chuyển đến TP.HCM để khám chữa bệnh (Giấy xác nhận có thể hiện đầy đủ thông tin về: người đi khám bệnh, người điều khiển phương tiện và phương tiện).

Dự kiến phương án lưu thông tại TP.HCM từ ngày 1/10 - Ảnh 5.

Quán ăn uống được hoạt động bán mang đi, shipper nhận thức ăn để giao cho khách

Về hoạt động đi, đến sân bay Tây Sơn Nhất, người dân thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải tại Công văn số 8272/BGTVT-VT ngày 11/ 8/2021 và Công văn số 8573/BGTVT-VT ngày 18/8/2021 về tiếp tục hỗ trợ đưa người có vé máy bay đi nước ngoài đến cảng hàng không quốc tế để thực hiện chuyến bay.

Ngoài ra dự thảo cũng đề nghị tiếp tục duy trì hoạt động trạm kiểm soát dịch COVID-19 tại các cửa ngõ ra, vào thành phố gồm 12 chốt, trạm chính và 49 chốt, trạm phụ.

Đối với các phương tiện vận tải hàng hoá trong phạm vi TP.HCM, chỉ kiểm tra mục đích vận chuyển hàng hoá khi lưu thông vào khu vực phong tỏa tại các chốt kiểm soát. Phương tiện vận chuyển công nhân, chuyên gia, xe khách hợp đồng phục vụ hoạt động du lịch, xe taxi: kiểm soát thông qua giấy nhận diện có mã QR.

Đối với phương tiện cá nhân di chuyển trong phạm vi TP.HCM, kiểm soát thông qua mã QR qua khai báo trên địa chỉ suckhoe.dancuquocgia.gov.vn (hoặc ứng dụng VNEID) tại các chốt kiểm soát ra vào khu vực phong tỏa và khu vực nguy cơ.

Theo Nhịp Sống Việt

Nguồn: http://nhipsongviet.toquoc.vn/du-kien-phuong-an-luu-thong-tai-tphcm-tu-ngay-1-10-22021249213836652.htm