Chiều 19/2, có 15 ca mắc COVID-19 đều ở Hải Dương

Suckhoedoisong.vn – Bản tin chiều ngày 19/2 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết có 15 ca mắc COVID-19 đều ghi nhận tại Hải Dương.

Số ca mắc ở Việt Nam: 

– Tính đến 18h ngày 19/02: Việt Nam có tổng cộng 1463 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 770 ca. 

– Tính từ 6h đến 18h ngày 19/02: 15 ca mắc mới, trong đó có 0 ca nhập cảnh được cách ly ngay. 

Thông tin ca mắc mới: 15 ca mắc mới (BN2348-2362) là ca ghi nhận trong nước tại Hải Dương. Cụ thể: 

CA BỆNH 2348-2362 (BN2348-BN2362): trong đó 13 ca là F1, đã được cách ly trước đó; 01 ca trong khu vực phong tỏa (các ca này không gây nguy hiểm đối với cộng đồng); 01 ca phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện. Công tác điều tra dịch tễ đang được tiếp tục thực hiện. 

Hiện có 07 bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Chí Linh; 01 bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh và 07 bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2 Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương. 

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 139.446, trong đó: 

– Cách ly tập trung tại bệnh viện: 604.

– Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 13.450.

– Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 125.392.

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: 

– 22 bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến số 1, TP. Chí Linh được công bố khỏi bệnh (thông tin các bệnh nhân đang được cập nhật). 

Như vậy, đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 1.627 bệnh nhân COVID-19. 

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 69 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 39 ca, số ca âm tính lần 3 là 55 ca.

Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, hiện BN1536 đang điều trị tại BV Phổi Đà Nặng là bệnh nhân nặng nhất. BN1536 tuổi cao, có tiền sử tăng huyết áp và đái tháo đường nhiều năm nay. 

Liên quan đến công tác điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian qua, Bộ Y tế tiếp tục tăng nhân lực hỗ trợ, chỉ đạo các địa phương, cơ sở y tế thực hiện tốt công tác điều trị cho người mắc bệnh. Hiện các cơ sở điều trị vẫn tiếp tục thực hiện tốt. Các y bác sĩ luôn nỗ lực, cố gắng để điều trị cho bệnh nhân một cách tốt nhất.

Liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế cho biết, Bộ đã và đang tích cực làm việc với các đối tác thực hiện nhập khẩu vắc xin để sớm đưa vắc xin phòng bệnh COVID-19 về Việt Nam phục vụ người dân. Đồng thời với đó là đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước. Xã hội hóa và huy động các nguồn lực để phục vụ việc cung cấp vắc xin vắc xin phòng bệnh COVID-19 một cách nhanh nhất, rộng nhất.

Theo Thái Bình/Sức khỏe và đời sống

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/chieu-19-2-co-15-ca-mac-covid-19-deu-o-hai-duong-n187051.html

Xem thêm: Việt Nam đã ghi nhận 4 biến chủng của virus SARS- CoV-2

Theo TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Việt Nam đã ghi nhận 4 biến chủng của virus SARS- CoV-2. Biến chủng virus tại Hải Dương có khả năng lây lan nhanh hơn ở Đà Nẵng.

Tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 diễn ra sáng ngày 19/2, TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đứng thứ 172 trên thế giới, thứ 41 Châu Á và thứ 7 Đông Nam Á về số ca mắc Covid-19.

Theo ông Tấn, đến nay Việt Nam ghi nhận 4 biến chủng của virus SARS-CoV-2, gồm:

D614G từ Châu Âu, đợt dịch hồi cuối tháng 7/2020 tại Đà Nẵng.

Biến chủng này được cho là không mới, thường được gọi là thể G, xuất hiện lẻ tẻ trong các mẫu bệnh phẩm của người nhiễm nCoV từ khi dịch mới khởi phát ở Vũ Hán cho đến tận tháng 2/2020. Tuy nhiên, khi xâm nhập vào Mỹ và các nước châu Âu, thể G tăng lên nhanh chóng.

B.1.1.7 từ Anh đang gây dịch tại Hải Dương, với tốc độ lây nhiễm hơn 70%.

Sáng 2/1, Bộ Y tế công bố trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng Anh tại Việt Nam là bệnh nhân 1435. Người phụ nữ 45 tuổi, quê Trà Vinh, nhập cảnh về từ Anh ngày 22/12/2020. Bệnh nhân cùng lúc nhiễm chủng nCoV biến thể Anh VOC 202012/01 và đột biến D614G, một biến chủng khác từ nCoV chủng gốc Vũ Hán.

Bộ Y tế khẳng định không có khả năng lây lan trong cộng đồng, vì cách ly ngay khi vừa nhập cảnh.

Hiện nay tại Hải Dương, biến chủng này có tốc độ lây lan hơn 70%, khiến số bệnh nhân Covid-19 gia tăng chóng mặt.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, các nhà khoa học của Viện đã lấy mẫu, xét nghiệm và giải trình tự gene virus SARS-CoV-2 trên 16 mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân Covid-19.

Kết quả cho thấy 11/16 mẫu có tín hiệu tốt và liên quan đến 2 ổ dịch Hải Dương (công ty Puyon), Quảng Ninh. 11 mẫu này đều có trình tự gene tương tự virus B.1.1.7 lần đầu xuất hiện tại Anh (tháng 12/2020).

Theo các nhà khoa học, biến chủng B.1.1.7 được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn so với các chủng SARS-CoV-2 trước đây.

Đây là biến chủng đang gây nên sự bùng phát mạnh của đại dịch Covid-19 ở Anh cũng như các nước châu Âu. Hiện biến chủng B.1.1.7 đã xuất hiện trên 60 nước (tính đến ngày 17/1/2021).

Việt Nam đã ghi nhận 4 biến chủng của virus SARS- CoV-2 - Ảnh 1.
TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

B.1.351 từ Nam Phi trên bệnh nhân người Nam Phi (BN1422), nhập cảnh sân bay Nội Bài từ Nam Phi ngày 19/12.

Sáng 31/1, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết các nhà khoa học của Viện đã lấy mẫu, xét nghiệm Covid-19 và giải trình tự gene virus SARS-CoV-2 trên các bệnh nhân tại khu vực phía Bắc, trong đó hầu hết là các ca nhập cảnh. Kết quả hiện đã xác định, bệnh nhân 1422, 25 tuổi, chuyên gia quốc tịch Nam Phi nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được ghi nhận tại Nam Phi.

Chủng biến thể này cũng đã được khuyến cáo có khả năng lây lan nhanh hơn các chủng đã được biết từ đầu dịch.

A.23.1 từ Rwanda, châu Phi tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM.

Chiều 12/2, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới báo cáo về kết quả giải mã bộ gene của chủng SARS-CoV-2 từ các ca bệnh ở tổ bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, phòng xét nghiệm sinh học phân tử đã thu nhận được 3 bộ gene SARS-CoV-2 hoàn chỉnh từ mẫu bệnh phẩm phết mũi họng của BN 1979 và của hai trong số 4 ca bệnh thuộc tổ bốc xếp ở sân bay Tân Sơn Nhất được Bộ Y tế công bố vào sáng ngày 8/2.

Kết quả định danh bằng phần mềm Pangolin cho thấy cả 3 bộ gene SARS-CoV-2 thu nhận được đều thuộc chủng A.23.1. Chủng SARS-CoV-2 thuộc nhóm A.23.1 được phát hiện lần đầu tiên ở Rwanda, Châu Phi vào khoảng cuối tuần thứ 3 của tháng 10 năm 2020.

Ngoài Rwanda, A.23.1 chỉ mới được phát hiện ở một số ít nước khác trên thế giới bao gồm Hoa Kỳ, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Úc cũng như một số nước khác ở châu Âu trong đó có Anh và Đan Mạch. Tuy nhiên, chưa cho thấy những dấu hiệu diễn biến bất thường ở các quốc gia này. Đây là lần đầu tiên chủng A.23.1 được phát hiện và gây bệnh trong cộng đồng ở Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.

Như vậy chủng virus gây ra chuỗi lây nhiễm tại sân bay Tân Sơn Nhất không phải biến chủng có khả năng lây lan nhanh từ Anh (biến thể B.1.1.7) mà đang gây bệnh tại Hải Dương, Quảng Ninh cũng như chủng Nam Phi mà cả thế giới đang rất quan tâm.

Trong đợt dịch thứ 3, từ ngày 25/1 đến nay, nước ta đã ghi nhận 755 ca mắc tại 13 tỉnh, thành. Trong số ca bệnh ghi nhận nhiều nhất tại Hải Dương là 575 trường hợp. GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, 12/13 địa phương cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Hải Dương vẫn đang tiếp tục các biện pháp tăng cường.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/viet-nam-da-ghi-nhan-4-bien-chung-cua-virus-sars-cov-2-161211902152234230.htm