Chàng trai có bằng thạc sĩ, thạo 2 ngôn ngữ về nước vẫn thất nghiệp

Sau 4 năm du học tại anh, nhận tấm bằng Thạc sĩ chuyên ngành Tài chính kế toán, chàng trai vẫn quyết đi học thêm ngoại ngữ thứ 2, thế nhưng vẫn thất nghiệp.

Du học là mơ ước của nhiều học sinh bởi đó là cơ hội để họ có thể khám phá thế giới, học tập, trải nghiệm và đổi đời. Thế nhưng khi một chân trời mới tươi sáng chưa kịp mở ra, nhiều người đã bị vỡ mộng khi về nước phải đối mặt với 1 thị trường lao động cạnh tranh cao.

Ngay cả những du học sinh tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu ở các quốc gia phát triển bậc nhất như Anh, Úc, Mỹ cũng vẫn phải chật vật tìm kiếm việc làm. Đó cũng là câu chuyện của chàng trai du học sinh Việt tại Anh dưới đây.

 
Du học sinh trở về nước vẫn thất nghiệp là chuyện không hiếm gặp. (Ảnh: Travel Mag)
Du học sinh trở về nước vẫn thất nghiệp là chuyện không hiếm gặp. (Ảnh: Travel Mag)

Có bằng thạc sĩ ở Anh, thành thạo 2 ngoại ngữ nhưng xin việc bị từ chối 

Mới đây, chia sẻ của 1 cô bạn có anh là du học sinh ở Anh đã gây xôn xao cộng đồng mạng. Cô cho biết anh trai của mình du học tại Anh 4 năm (3 năm cử nhân + 1 năm thạc sĩ) chuyên ngành liên quan tới Tài chính kế toán.

Mặc dù là ngành khá hot, lại có bằng nước ngoài nhưng năm ngoái khi về Việt Nam, anh trai của cô vẫn thất nghiệp.

Chàng trai sau đó đã đi học thêm tiếng Nhật, thế nhưng không thể xin được việc, kể cả thực tập, cứ phỏng vấn là rớt. Điều này khiến cậu vô cùng chán nản, thất vọng. 

 
Tốt nghiệp thạc sĩ tại Anh, thành thạo 2 ngoại ngữ nhưng vẫn thất nghiệp khiến chàng trai trẻ rơi vào trầm cảm. (Ảnh minh họa: Net News)
Tốt nghiệp thạc sĩ tại Anh, thành thạo 2 ngoại ngữ nhưng vẫn thất nghiệp khiến chàng trai trẻ rơi vào trầm cảm. (Ảnh minh họa: Net News)

Cộng thêm việc chia tay với người yêu khi cô xin được vào 1 công ty lớn và trở nên bận rộn, 2 người ngày càng xa nhau. Cô gái bày tỏ sự bức xúc khi anh trai xin đủ thứ việc từ đúng ngành cho tới trái ngành nhưng vẫn không được chọn. Nhìn CV đẹp, anh trai cô được gọi phỏng vấn nhưng sau đó bị đánh trượt mà không hiểu lý do. Tất cả những công ty từ lớn tới nhỏ, anh đều đã đi phỏng vấn nhưng không nơi nào nhận. 

“Mình thấy anh ấy dạo này thường nói nhảm, nói một mình. Tuần trước đi phỏng vấn với một công ty, người ta bảo anh ấy còn non kém và hơi hiền. Bị từ chối liên tiếp, anh ấy về nhà lăn đùng ra giường khóc hu hu như đứa con nít. Ba mẹ mình rất lo và buồn vì anh là con trai duy nhất trong nhà.

Trước đây, anh là người vui vẻ, hài hước và lạc quan, nhưng có lẽ do thất nghiệp quá lâu nên bây giờ bắt đầu bất ổn”, cô gái chia sẻ. 

Du học sinh sẽ thất nghiệp dài nếu không chịu hạ cái tôi xuống

Chủ đề du học sinh về nước thất nghiệp không phải chuyện mới nhưng vẫn luôn diễn ra và trở thành chủ đề bàn luận không hồi kết. Nguyên nhân có thể đến từ việc du học sinh nắm bằng cấp cao nhưng không hiểu gì về tình hình thực tiễn của Việt Nam, không đầu tư thêm kỹ năng hay nâng cao trình độ bản thân. 

Sau nhiều năm ở nước ngoài, khi về nước du học sinh sẽ dễ gặp tình trạng sốc văn hóa, nhưng điều sốc nhất đó là tốt nghiệp cử nhân xuất sắc, có bằng cấp đầy mình ở nước ngoài nhưng công ty Việt Nam không chịu nhận. 

Nhiều trường hợp, các bạn không nhận được việc làm vì có tư tưởng rằng mình học ở Tây về, có nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tập ở công ty lớn vì thế lương phải cao gấp 2, gấp 3 lần nhân viên bình thường ở đây. 

 
Nhiều du học sinh rơi vào trạng thái "ảo tưởng" sau khi về nước dẫn đến tình trạng thất nghiệp. (Ảnh minh họa: Facebook)
Nhiều du học sinh rơi vào trạng thái “ảo tưởng” sau khi về nước dẫn đến tình trạng thất nghiệp. (Ảnh minh họa: Facebook)

Cựu sinh viên trường Đại học tổng hợp Cassino, Lazio, Italy, từng nhận học bổng Master của trường Saitama, Nhật Bản và học bổng Master của Cassino, Italy chia sẻ: “Du học sinh hay bị “ảo tưởng sức mạnh”, nghĩ mình về nước phải làm này làm nọ và phải ứng dụng cái mình học vào luôn. Nhưng lý thuyết và thực tết tại Việt Nam rất khác, nên cần phải điều chỉnh sao cho phù hợp.

Những cái bạn học được từ nước ngoài, có thể trong một thời điểm nào đó nó đã lỗi thời ở Việt Nam. Quá kỳ vọng và khả năng thích ứng kém nên khi về nước nhiều bạn sẽ rất nhanh bị nản và tiếp tục tìm đường quay lại.”

Mức lương khi về nước quá thấp, khiến du học sinh rơi vào tình trạng buông xuôi

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần đứng ở góc nhìn của du học sinh để suy nghĩ về vấn đề. Yêu cầu về mức lương cao là có nguyên nhân bởi khoảng 8-10 triệu đồng/tháng – mức lương cơ bản hiện nay ở Việt Nam sẽ không thấm vào đâu so với tiền học phí, ăn ở bỏ ra suốt 4-5 năm qua của du học sinh.

Mức lương của nhiều bạn tháng đầu tiên đi làm đôi khi không bằng nửa tháng đi làm thêm ở bên kia, nên tâm lý chán nản và buông xuôi dễ dàng phát sinh. 

 
Gia nhập thị trường lao động Việt Nam là 1 hành trình không dễ dàng với du học sinh. (Ảnh minh họa: VnExpress)
Gia nhập thị trường lao động Việt Nam là 1 hành trình không dễ dàng với du học sinh. (Ảnh minh họa: VnExpress)

So với sinh viên trong nước, du học sinh có khi lại kém lợi thế hơn trên sân nhà khi kinh nghiệm và mức độ am hiểu thị trường ít ỏi nhưng yêu cầu lương gấp 2, 3 lần sinh viên tốt nghiệp tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, môi trường làm việc ở Việt Nam đôi khi coi trọng tuổi tác và thâm niên hơn khả năng làm việc nên du học sinh sẽ cảm giác khó hòa nhập.

Du học sinh có thể hoàn toàn tự hào rằng bản thân đã được khám phá chân trời mới, có kiến thức vượt trội và đã rất cố gắng trong những năm sống ở nước ngoài. Tuy nhiên nếu quay trở lại Việt Nam, các bạn nên chuẩn bị sẵn sàng trước khi gia nhập 1 thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt không kém gì những quốc gia khác.

Nguồn: http://yan.thethaovanhoa.vn/chang-trai-co-bang-thac-si-thao-2-ngon-ngu-ve-nuoc-van-that-nghiep-252736.html