Câu chuyện shipper giao hàng nhưng nhất định không chịu nghe máy và lý do phía sau khiến vị khách nghe xong xúc động nói lời cảm ơn

‘Đôi lúc ta khoan hãy tức giận mà hãy thông cảm’, đó là lời chia sẻ của vị khách sau khi anh đã gặp câu chuyện đầy sự nhân văn này.

Dù nắng rát mặt hay mưa tầm tã, những người làm nghề xe ôm vẫn không nghỉ ngơi, đôi khi họ còn làm thêm công việc giao hàng để kiếm thêm thu nhập. Là nghề thích hợp với sinh viên làm thêm hay những người không có công việc cố định, nhưng đằng sau đó là những gian nan, vất vả và những câu chuyện chỉ người trong cuộc mới hiểu.

Mới đây, một bài viết xúc động có tên ‘Đôi lúc ta khoan tức giận mà hãy thông cảm’ kèm ảnh chụp màn hình tin nhắn của mình với một tài xế giao hàng nhận được rất nhiều sự đồng cảm, chia sẻ từ phía cư dân mạng.

Bài viết nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng.

Bài viết nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng.

Đôi lúc ta khoan hãy tức giận mà hãy thông cảm. 

Mình đặt giao cơm ăn trưa, nhưng không thấy tài xế gọi lại, cũng không thấy phản hồi nên mình gọi điện thì tài xế cúp máy. Trong lúc đói, mình cực khó chịu vì hành động đó của một người làm dịch vụ nhưng mình cũng không hủy chuyến. Trên ứng dụng, tài xế chạy tới nơi rồi mà vẫn không gọi lại cho khách hàng.

Mình tiếp tục gọi và tài xế vẫn dập máy. Tức quá, mình chạy ra kiểm tra chỗ của anh ta đứng trên bản đồ. Mình hỏi tại sao anh gọi mà không bắt máy mà cũng không gọi lại cho mình? 

Thì mình thấy bạn ấy đưa tay lên miệng và lắc tay, rồi mình mở điện thoại ra và nhận được 1 dòng tin nhắn ‘Bạn ơi tôi đã đến nơi. Xin lỗi, mình câm… xin lỗi vì sự bất tiện này’. 

Ngay lập tức mình không còn giận nữa, mà có một cảm giác khác…’.

Tin nhắn đầy xúc động khiến vị khách chỉ còn biết nói lời xin lỗi và cảm ơn.

Tin nhắn đầy xúc động khiến vị khách chỉ còn biết nói lời xin lỗi và cảm ơn.

Theo như chia sẻ này, vị khách này đã đặt đồ ăn qua mạng nhưng khá lâu không thấy tài xế gọi lại, khi gọi cho tài xế thì cũng bị dập máy vài lần nên tỏ ra không vừa lòng. Sau khi kiểm tra ứng dụng, thấy tài xế đã đến nơi nhưng cũng không gọi cho mình nên đi đến địa điểm trên bản đồ để kiểm tra. Sau một câu hỏi, vị khách nhận ra tài xế giao hàng không thể nói được vì bị cấm. Đó là lý do tài xế không thể nghe máy được mà phải nhắn tin.

Sau khi mở phần tin nhắn, vị khách này thấy có một tin nhắn được gửi đến cách đây vài phút có nội dung: ‘Bạn ơi tôi đã đến nơi, xin lỗi mình bị câm. Xin lỗi vì sự bất tiện này’. Sau khi đọc được dòng tin nhắn này, vị khách kia đã không còn bực tức vì chuyện gọi điện cho tài xế nữa mà có lẽ sẽ thông cảm hơn với những hoàn cảnh kém may mắn hơn với mình.

Sau khi câu chuyện được đăng trên mạng xã hội, bài viết đã thu hút sự chú ý của nhiều người dùng khi nhận được hàng nghìn like và nhiều lượt bình luận. Đa phần mọi người đều cho rằng đây là một công việc vất vả, gặp nhiều rủi ro, vì vậy mong các khách hàng nên có cái nhìn cảm thông hơn với những tài xế, bởi vì biết đâu đằng sau tay lái ấy là cả một câu chuyện dài mà chẳng mấy ai hiểu được.

Mỹ Linh cho hay: ‘Nhiều người shipper tội nghiệp lắm luôn. Tớ mong các bạn sẽ hiểu cho họ, có thể tặng cho mỗi anh chị một chai nước làm động lực mỗi khi giao hàng cho mình nó không quá giá trị nhưng em nghĩ nó tốt’.

‘Tức giận mà không hủy chuyến, chứng minh rằng bạn vô cùng tử tế’, Thảo Nguyễn bình luận.

‘Tối qua mình đặt 3 phần bún đậu, anh shipper có bảo là thông cảm vì anh phải đi đơn ghép, thực sự cũng đói lắm nhưng người ta cũng vất vả kiếm tiền, ở nhà đợi 1 tí cũng chả sao. Lúc đến nơi thì anh rối rít xin lỗi xong lúc mình vừa quay lưng đi vào thì ảnh có bảo là ‘không biết bao h mới hết dịch, mai anh lại thất nghiệp rồi’. Nghe xong thấy buồn ghê. Nên là mọi người ai có gặp vấn đề gì với shipper thì cũng nên bình tĩnh tìm hiểu lí do trước rồi hẵng nói người ta nhé, thực sự thấy tội lắm’, Thùy Trang chia sẻ câu chuyện của mình.

Theo Vy Vy/Baodatviet

Nguồn: http://gioitre.baodatviet.vn/cau-chuyen-shipper-giao-hang-nhung-nhat-dinh-khong-chiu-nghe-may-va-ly-do-phia-sau-khien-vi-khach-nghe-xong-xuc-dong-noi-loi-cam-on-2139164.html 

Mẹ mất không thể về chịu tang: Nhói lòng nơi tuyến đầu chống dịch

Khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người trong ngành y tế, quân đội, công an… đã rời xa gia đình, hy sinh hạnh phúc riêng tư để bám trụ nơi tuyến đầu chống dịch. Thậm chí, khi người thân qua đời, vì nhiệm vụ chống dịch cần kíp, cấp bách, họ đã không thể về nhà để chịu tang.

Mạng xã hội ngày 16-5 đã chia sẻ những hình ảnh nhói lòng về một trung sĩ nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 nén đau thương vì mẹ mất nhưng không về nhà chịu tang được.

Trước đó, ngày 15-5, trung sĩ Phùng Minh Phục – công tác tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 738 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An – hay tin mẹ đột ngột qua đời. Do tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp nên anh đành nén đau thương ở lại khu cách ly để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.

Biết được sự việc này, chỉ huy đơn vị đã chấp thuận cho trung sĩ Phục lập bàn thờ mẹ tại khu cách ly phòng chống dịch để anh và đồng đội bái vọng người đã khuất.

Trước đó vài ngày, khu cách ly tại Trung đoàn 738 tiếp nhận 43 người nhập cảnh từ Mỹ. Trung sĩ Phục là 1 trong 5 chiến sĩ làm nhiệm vụ tại đây, trực tiếp tiếp xúc 43 công dân này.

Hình ảnh trung sĩ Phùng Minh Phục chịu tang mẹ khi đang làm nhiệm vụ ở khu cách ly được đưa lên mạng xã hội đã khiến cộng đồng mạng dâng trào cảm xúc. Nhiều người đã để lại những lời động viên kèm theo lời chúc sức khỏe, mong anh hoàn thành nhiệm vụ, sớm trở về nhà.

Trung sĩ Phùng Minh Phục bên di ảnh mẹ – Ảnh từ mạng xã hội

Đồng đội mặc niệm trước bàn thờ mẹ trung sĩ Phục – Ảnh mạng xã hội

Mạng xã hội ngày 15-5 cũng xuất hiện một bài viết đầy cảm xúc của nữ bác sĩ công tác tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), chia sẻ về chuyện đau lòng của những đồng nghiệp:

Thứ 7, ngày thứ 10 cách ly. Các bạn đã bao giờ nhìn thấy một bác sĩ vừa khóc vừa khám cho bệnh nhân chưa?

Tôi của ngày hôm nay đấy!

Sáng, nhận được tin mẹ của một đồng nghiệp, một người em tại bệnh viện vừa qua đời đêm qua. Hiện, hai vợ chồng bạn ấy đều đang chống dịch tại bệnh viện, không về lo đám tang cho bà được. Nghĩ đến 2 đứa trẻ được bố mẹ gửi bà ngoại trông để đi chống dịch, giờ bố mẹ vẫn chưa về, bà thì không còn nữa, các cháu sẽ bơ vơ thế nào? Lòng trĩu nặng…

Đang họp giao ban bệnh viện, nhận được tin một điều dưỡng bị một bệnh nhân Covid-19 lao vào phòng hành chính khoa to tiếng, rồi bóp cổ vì bệnh nhân yêu cầu bạn ấy cung cấp số điện thoại của giám đốc bệnh viện và bạn ấy đang cố giải thích là không có và chờ bạn ấy gọi điện thoại báo cáo lãnh đạo khoa. Nghĩ đến một nữ điều dưỡng chắc cao tầm 1m50, nặng khoảng bốn mấy cân đó bị bệnh nhân bóp cổ mà nước mắt không kìm lại được, cứ tuôn rơi…

Lúc đó, lại nhận được tin có bệnh nhân COVID-19 có diễn biến, cần thăm khám luôn. Vừa khóc, vừa mặc quần áo phòng hộ chạy ra buồng bệnh khám bệnh nhân…

Xử trí xong bệnh nhân, quay lại thấy các điều dưỡng lầm lũi đẩy xe cơm đi phát cơm cho các bệnh nhân cho cả người vừa bóp cổ đồng nghiệp của mình…

Làm sao để vững vàng bước tiếp đây? Làm sao để trả lời được câu hỏi vì sao mình chọn công việc này?

Gần 1 tháng qua, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người trong ngành y tế, quân đội, công an… đã rời xa gia đình và người thân, hy sinh hạnh phúc riêng tư để bám trụ nơi tuyến đầu chống dịch. Không ít người đã kiệt sức, ngất xỉu sau cả ngày làm việc trong bộ đồ bảo hộ kín mít. Thậm chí, khi người thân qua đời, vì nhiệm vụ chống dịch cần kíp, cấp bách, họ cũng không thể về nhà để thọ tang…

Những câu chuyện, những hình ảnh ấy khiến chúng ta vừa trào nước mắt xúc động vừa cảm phục và biết ơn!

Theo Lao động

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/me-mat-khong-the-ve-chiu-tang-nhoi-long-noi-tuyen-dau-chong-dich-20210516220821018.htm