Bị bạn trai chối cái thai, mẹ đơn thân đi cân dạo nuôi con thành tiến sĩ bên Pháp: Giờ đừng thấy con tài mà nhận lại

Người yêu từ bỏ, nhà bạn trai không chấp nhận nhưng người mẹ này vẫn quả quyết sinh con, tự tay nuôi con ăn học và hiện tại, cô đã được hái quả ngọt do chính đôi tay và tình yêu mình vun trồng.

Mạng xã hội đang bày tỏ ngưỡng mộ về câu chuyện mẹ đơn thân đi cân dạo nuôi con thành tiến sĩ bên Pháp, càng đọc câu chuyện này nhiều người càng xuýt xoa, cảm phục vì sự chịu thương chịu khó, tình yêu thương con vô bờ bến của người mẹ nghèo.

Theo báo Nông Nghiệp, nhân vật của câu chuyện ấy chính là cô Nguyễn Thị Lánh ở xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Cách đây 40 năm, hồi còn là thiếu nữ 19 tuổi, cô Lánh là một nữ y tá năng nổ của Trạm Y tế xã Dạ Trạch.  Thời bao cấp khó khăn, cô Lánh chờ mãi không vào được biên chế nên đã theo một người họ hàng lên tỉnh Lai Châu tìm việc. Sau khi được nhận vào Bệnh viện tỉnh Lai Châu, cô Lánh tranh thủ đi học bổ túc. Cùng thời điểm này, cô gái Hưng Yên đem lòng yêu một chàng sinh viên, con của vị lãnh đạo tỉnh đang về nghỉ hè. Dần dà hai người yêu nhau và cô có thai. Nhưng gia đình anh không đồng ý với lý do không môn đăng hộ đối.

Trước áp lực của gia đình, chàng thanh niên đành trở về Thanh Hóa. Năm 1987, cô một mình vượt cạn, sinh con đặt tên là Nguyễn Văn Linh.  Nhưng nỗi vất vả của việc làm mẹ đơn thân cũng không thấm vào đâu so với định kiến xã hội thời điểm ấy. Nuốt nước mắt vào trong, cô cố gắng nuôi con. Năm 1990 Lai Châu xảy ra lũ quét, mẹ con cô may mắn thoát nạn vì đang nghỉ phép ở quê.

Sau đó, mẹ con cô Lánh khăn gói về quê ở Dạ Trạch, Hưng Yên. Chính quyền xã đã cấp cho cô một mảnh đát làm chõ nương thân. Khước từ mọi tình cảm của các chàng trai,cô Lánh quyết ở vậy nuôi con. Bù lại, không có bố nhưng Linh rất biết thương mẹ.

Để nuôi con, cô Lánh không nề hà bất cứ việc gì. Thấy các bà cùng làng đi lên Hà Nội bán rau, cô cũng xin đi buôn. Con trai đang học mẫu giáo, thấy mẹ gánh rau ra bến sông để lên cano ngược sông Hồng, liền hớt hải chạy theo, mũi dãi đầy mặt gào khóc “Ối mẹ ơi”. Thương quá nên cô mới cho con lên Hà Nội cùng mình. 3 giờ sáng cô ra cầu Long Biên lấy hàng xong về nhà đánh thức con dậy, bảo bám theo dải quang rồi gánh rau đi bán rong khắp phố phường.

Đến tuổi đi học, Linh được gửi về quê ở với bà ngoại và không quên dặn dò:“Con ở nhà cố gắng học nhé! Mẹ bây giờ phải đi chợ mới có tiền nuôi con”. Nghe lời mẹ, cậu bé từ nhỏ đã rất thông minh và tự giác học tập. Nhiều bài toán khó phải ngồi hàng giờ để tìm lời giải, cậu vẫn không cho ai giúp. Thậm chí, đến 1-2h sáng vẫn bật dậy vì tìm ra đáp án.

Trong khi đó, mình người mẹ bươn chải ở Hà Nội đất chật người đồng, làm mọi thứ để nuôi con ăn học. Từ nghề buôn rau cỏ, cô Lánh chuyển sang làm cân dạo, mỗi lần chỉ khoảng 500-1000 đồng. Ban đầu chỉ là chiếc cân vác vai, sau này dần chuyển sang cân đẩy điện tử, biết đọc chỉ số chiều cao, cân nặng của khách. Cái cân có giá 25 triệu ngày ấy phải 3 gia đình cắm sổ đỏ vào ngân hàng mới có tiền mua.

Khi Linh chuẩn bị thi đại học, cô nhẹ nhàng khuyên: “Nếu con thi đỗ đại học, kể cả đi vay nặng lãi mẹ cũng nuôi, còn nếu không mẹ sẽ mua cho con cái cân mà hành nghề”. Nhưng Linh đã không phụ sự trông đợi của mẹ khi đỗ vào trường Đại học Xây dựng. Để tiện bề chăm sóc con, cô bỏ lại chiếc cân theo con lên Hà Nội thuê phòng trọ.

Niềm vui nối tiếp khi Linh nhận được học bổng du học Pháp, tương lai rộng mở. Giờ đây, sau những đắng cay của cuộc đời, cô đã trở về quê hương tận hưởng tuổi già nhờ vào sự hỗ trợ, báo hiếu của con trai là tiến sĩ ở nước ngoài.

Câu chuyện này đang trở thành nguồn cảm hứng sống, đầy ngưỡng mộ cho những người có hoàn cảnh tương tự cô Lánh. C00 Lánh không may mắn vì không có điều kiện kinh tế đầy đủ nhưng tình yêu thương con, sự cố gắng của người mẹ bao nhiêu năm qua đã khiến cuộc đời cô nở hoa khi bước vào giai đoạn chín muồi của cuộc đời.

Hy vọng rằng, Linh luôn mãi là niềm tự hào của mẹ, phấn đâu để phụng dưỡng công ơn cả đời của mẹ.

Hà/Tổng hợp