Bật khóc khi CSGT báo tiền phạt ‘ra đường không cần thiết’ gần bằng nửa tháng lương

Một người phụ nữ ở Gò Vấp (TP.HCM) đã bật khóc khi bị CSGT thổi phạt vì ‘ra đường không cần thiết’, không đội mũ bảo hiểm. Chị rối rít mong CSGT thông cảm, bỏ qua và hứa sẽ không bao giờ tái phạm.

Người phụ nữ bật khóc khi nghe tièn phạt gần bằng nửa tháng lương /// Ảnh: Độc Lập

Người phụ nữ bật khóc khi nghe tièn phạt gần bằng nửa tháng lương. ẢNH: ĐỘC LẬP

Tối 14.7, tổ công tác gồm CSGT, cảnh sát cơ động, an ninh, cảnh sát hình sự Công an Q.Gò Vấp tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường thuộc địa bàn quận để kiểm tra người dân ra đường không có lý do cần thiết.

Tổ công tác này di chuyển lưu động trên nhiều tuyến đường như: Quang Trung, Phạm Văn Chiêu, Lê Đức Thọ, Lê Văn Thọ, đường Cây Trâm,… 7 tổ công tác khác của Công an Q.Gò Vấp được phân công đi các tuyến đường còn lại.

Thất nghiệp, còn bị “phạt”

Khoảng 21 giờ, tổ công tác phát hiện 1 người phụ nữ chạy xe máy không đội mũ bảo hiểm nên đã yêu cầu dừng xe kiểm tra giấy tờ, trình bày lý do ra đường.

Bật khóc khi CSGT báo tiền phạt ‘ra đường không cần thiết’ gần bằng nửa tháng lương - ảnh 1

Nghĩ đến tiền phạt, người phụ nữ bật khóc lo sợ. ẢNH: ĐỘC LẬP

Người phụ nữ này đã bật khóc khi nghĩ đến mức phạt vì ra đường không cần thiết gần bằng nửa lương của mình, trong khi cả tháng nay chị đã không có việc làm. Chị nói: “Hồi trước tôi có bán quán nhưng nghỉ cả hơn tháng nay rồi, nghỉ để lâu nước mắm hư, nhà thì hết mắm nên tôi chạy ra quán lấy về ăn.Vì nhà tôi ngay ngõ đây nên tôi không đội mũ bảo hiểm, tôi biết tôi sai rồi. Đây là lần đầu, mong được các anh bỏ qua”.

Mắt đỏ hoe, chị nghẹn giọng kể, phạt ra đường không cần thiết khoảng 2 triệu, gần bằng nửa tháng lương khi chị đi làm, mà cả tháng nay chị đã thất nghiệp. Do vậy, chị rất sợ khi thấy CSGT yêu cầu dừng xe.

Bật khóc khi CSGT báo tiền phạt ‘ra đường không cần thiết’ gần bằng nửa tháng lương - ảnh 2

Tổ công tác tuần tra trên khắp các tuyến đường Gò Vấp. ẢNH: ĐỘC LẬP

Sau khi nghe chị trình bày lý do, CSGT đã nhắc chị phải đội mũ bảo hiểm khi chạy xe tham gia giao thông, phải mang theo các giấy tờ tùy thân và nhắc chị hạn chế ra đường khi TP.HCM đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Khoảng 15 phút sau, tổ tuần tra đi đến đường Phạm Văn Chiêu thì gặp một nam thanh niên không đội mũ bảo hiểm lưu thông cùng chiều. Tại thời điểm kiểm tra, nam thanh niên không xuất trình được các giấy tờ tùy thân, bằng lái, cà vẹt xe.

Bật khóc khi CSGT báo tiền phạt ‘ra đường không cần thiết’ gần bằng nửa tháng lương - ảnh 3

Thất nghiệp 2 tháng nay, giờ chiếc xe để đi lại của anh T. cũng đã bị CSGT tạm giữ và còn lập biên bản vi phạm nhiều lỗi. ẢNH: ĐỘC LẬP

Khi CSGT vừa hỏi, nam thanh niên cho biết tên T. (28 tuổi, quê Ninh Bình), vào TP.HCM làm thuê được 4 năm. Đợi dịch này, công ty đóng cửa, anh thất nghiệp đã 2 tháng nay. Tiền trọ thì vẫn phải chi đều đều nên anh phải nhờ gia đình chi viện.

“Em đi mua thuốc…”, anh nói. CSGT hỏi tiếp: “Em mua thuốc gì, ở đâu”. Anh T. đáp: “Em mua thuốc lá, ổ bánh mì”. CSGT lắc đầu: “Em ra đường không có lý do là một nè. Không đội mũ bảo hiểm là hai nè. Đi ra ngoài đường mua thuốc lá giờ này”.

Thất nghiệp 2 tháng nay, giờ chiếc xe để đi lại cũng đã bị CSGT tạm giữ và còn lập biên bản vi phạm nhiều lỗi, anh T. đành quay đầu, cầm mũ bảo hiểm đi bộ về nhà trọ.

Ra đường phải có CMND và lý do cần thiết

Cũng trên đường Phạm Văn Chiêu, tổ công tác gặp một nam thanh niên đậu xe gần một công ty nên đã dừng lại, kiểm tra lý do ra đường. Gặp CSGT, người này bối rối. Khi được CSGT yêu cầu trình giấy tờ, anh run rẩy mở cốp xe. Bên trong có rất nhiều mì gói và vài bộ đồ. Anh cho hay, vừa nhận yêu cầu của công ty nên anh phải bỏ vợ con ở nhà, mua mì và quần áo vào công ty ở lại làm việc. Trước khi vào cách ly tại công ty, anh đang đi mua thêm nước thì gặp tổ công tác.

Bật khóc khi CSGT báo tiền phạt ‘ra đường không cần thiết’ gần bằng nửa tháng lương - ảnh 4

Nhiều trường hợp lưu thông trên đường được kiểm tra ngẫu nhiên. ẢNH: ĐỘC LẬP

Gần 22 giờ, trên đường Quang Trung, CSGT cũng yêu cầu dừng xe một cặp đôi. Người đàn ông ngồi phía trước xe cho hay vừa chở vợ từ Q.12 qua Q.Phú Nhuận mua sữa cho con, nhưng hai vợ chồng đều không mang theo bất kỳ giấy tờ gì.

“Tôi có thể gọi video về nhà để anh coi nhà có đứa con 4 tháng, tôi nhờ bé cháu giữ hộ để chạy đi mua sữa. Đi vội quá mong anh thông cảm”, người vợ phân trần.

Tổ công tác đã giải thích cho vợ chồng chị về việc điều khiển xe bắt buộc phải có các giấy tờ tùy thân và giấy tờ xe, đó là trách nhiệm nên không thể đổ tại gấp gáp. Sau đó, tổ công tác mời cả hai tiếp tục lưu thông.

Bật khóc khi CSGT báo tiền phạt ‘ra đường không cần thiết’ gần bằng nửa tháng lương - ảnh 5

Dừng xe bên đường, người này cũng được CSGT yêu cầu xuất trình giấy tờ kiểm tra. ẢNH: ĐỘC LẬP

Bật khóc khi CSGT báo tiền phạt ‘ra đường không cần thiết’ gần bằng nửa tháng lương - ảnh 6

Anh cho biết đang chuẩn bị mì, quần áo vào công ty cách ly. ẢNH: ĐỘC LẬP

Bật khóc khi CSGT báo tiền phạt ‘ra đường không cần thiết’ gần bằng nửa tháng lương - ảnh 7

Cặp vợ chồng đưa sữa chứng minh ra đường cần thiết. ẢNH: ĐỘC LẬP

Theo một cán bộ trong tổ công tác, đường phố đã tương đối vắng hơn vì người dân nâng cao ý thức phòng dịch. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp ra ngoài chưa có lý do thật sự cần thiết.

Lãnh đạo đội CSGT – TT Công an Q.Gò Vấp cho hay, lực lượng CSGT – TT cùng các lực lượng khác của Công an quận thường xuyên tuần tra kiểm soát trên đường, qua đó kiên quyết xử phạt các trường hợp ra đường không có lý do cần thiết trong bối cảnh TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Theo Thanh niên

Nguồn: https://m.thanhnien.vn/doi-song/bat-khoc-khi-csgt-bao-tien-phat-ra-duong-khong-can-thiet-gan-bang-nua-thang-luong-1414530.html

Không thể ‘3 tại chỗ’, hôm nay nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM sẽ phải ngưng hoạt động

Không thể đáp ứng quy định lo chỗ ăn, chỗ ở cho toàn bộ công nhân chỉ trong 1 ngày, hàng ngàn doanh nghiệp sản xuất tại TP.HCM buộc phải ngưng hoạt động từ hôm nay (15.7).

Không phải doanh nghiệp nào cũng kịp tổ chức được cho công nhân ăn, ngủ tại chỗ như ở Khu công nghệ cao (TP.HCM)  /// ẢNH: ĐỘC LẬP

Không phải doanh nghiệp nào cũng kịp tổ chức được cho công nhân ăn, ngủ tại chỗ như ở Khu công nghệ cao (TP.HCM). ẢNH: ĐỘC LẬP

Tối 13.7, UBND TP.HCM ban hành quy định về việc tổ chức hoạt động của doanh nghiệp (DN) sản xuất từ ngày 15.7. Theo đó, TP chỉ cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất với các DN đảm bảo thực hiện phương châm “3 tại chỗ”, gồm sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ; hoặc phương án “một cung đường – 2 địa điểm” – vận chuyển tập trung công nhân (CN) từ nơi sản xuất đến nơi ở (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho CN.

DN phải đảm bảo điều kiện nêu trên và đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch thì mới được phép tiếp tục hoạt động sản xuất. Ngoài ra, phải xét nghiệm đối với CN định kỳ 7 ngày/lần, tự chi trả chi phí. Trường hợp DN không đảm bảo theo yêu cầu nêu trên thì dừng hoạt động từ 0 giờ ngày 15.7 cho đến khi có chỉ đạo mới.

Không kịp trở tay

Sáng qua (14.7), ngay sau thông báo mới của UBND TP, chủ một DN may có nhà máy tại H.Củ Chi đã nhắn tin chia sẻ với người quen khi được hỏi thăm: “Đợt này là đóng cửa nhà máy luôn mặc dù đã cố gắng không bị ngừng hoạt động ngày nào kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Cố gắng từng ngày để chạy đơn hàng, đảm bảo lương cho CN. Nhà máy đóng cửa thì dễ, đối tác có thể thương lượng được, nhưng hơn 4.000 CN bị nghỉ việc thì làm sao? Thế nhưng, để chuẩn bị cho số lượng CN này ở lại luôn trong nhà máy là bất khả thi, không còn cách nào khác, buộc phải ngưng hoạt động”.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, nói rằng các nhà máy may hay da giày do đặc thù công việc nên rất đông CN, diện tích nhà xưởng không quá lớn nên không thể thực hiện theo quy định “3 tại chỗ” mà TP vừa ban hành. Do đó, từ ngày 15.7, đa số các DN may tại TP.HCM đều phải tạm nghỉ, đóng cửa nhà máy.

“Tổ chức ăn uống như trước nay trong giờ làm việc vẫn được, nhưng chỗ đâu cho cả ngàn CN ngủ? Rồi nhà vệ sinh, chỗ tắm rửa… bao nhiêu vấn đề kéo theo và DN sẽ không thể thực hiện được. Hơn nữa, nếu chỉ đảm bảo chỗ ở cho khoảng 20 – 30% số CN thì hoạt động sản xuất cũng không hiệu quả. Ví dụ, một dây chuyền trước đây 50 người, nếu thiếu 10 người đã gặp khó khăn và nếu chỉ còn 20 người thì dây chuyền này không thể sản xuất được. Thế nên, phương án duy nhất hiện nay là cố gắng thương lượng với khách hàng để kéo giãn thời gian giao hàng và hy vọng tình hình dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát để có thể kinh doanh trở lại”, ông Hồng thở dài.

Không phải doanh nghiệp nào cũng kịp tổ chức được cho công nhân ăn, ngủ tại chỗ như ở Khu công nghệ cao (TP.HCM) ẢNH: LÊ HỒNG HẠNH

Không phải doanh nghiệp nào cũng kịp tổ chức được cho công nhân ăn, ngủ tại chỗ như ở Khu công nghệ cao (TP.HCM). ẢNH: LÊ HỒNG HẠNH

Những DN lớn, quy mô lớn, có tiềm lực còn than khó đáp ứng yêu cầu của TP, với các DN tầm trung trở xuống còn khốn khổ hơn, gần như bế tắc không thể làm gì được. Đang đau đầu với các đơn hàng nông sản nguyên liệu từ các tỉnh miền Tây không thể đi được vì khâu vận chuyển gần như “đóng băng” hoàn toàn, ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập kiêm CEO Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu (chủ thương hiệu cà phê trái cây Meet More) ngã ngửa với quyết định bất ngờ của UBND TP.HCM. “Không có thời gian nào cho các DN trở tay kịp” là điều đầu tiên ông Luận thốt lên khi chúng tôi hỏi có đáp ứng được yêu cầu mới này không. Dù chỉ có 40 CN làm ở xưởng nhưng Meet More cũng không thể lập tức trong 1 ngày sắp xếp được chỗ ăn, chỗ ở cho tất cả mọi người bởi ngoài chỗ ăn, chỗ ngủ, cần rất nhiều thiết bị để phục vụ đời sống thiết yếu hằng ngày. Từ nồi, niêu, xoong, chảo, thực phẩm cho tới chỗ tắm rửa, vệ sinh…; tổ chức sinh hoạt, duy trì cuộc sống cho 40 con người trong cả tháng trời là một vấn đề nan giải, chưa kể cần có thêm lực lượng quản lý họ.

“Dù có cho thêm thời gian thì chúng tôi cũng rất khó để đáp ứng bởi trụ sở công ty ở Hóc Môn, ngay trong TP, không biết “đào đâu” ra chỗ để triển khai lưu trú cho CN. TP yêu cầu như vậy, chúng tôi bắt buộc phải ngưng sản xuất”, ông Luận cám cảnh.

Chuẩn bị trước cũng khó

Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, cho biết ngay từ những ngày đầu của đợt bùng dịch thứ 4, Việt Thắng Jean đã lên kế hoạch chuẩn bị vừa bảo đảm sức khỏe an toàn cho người lao động, vừa duy trì sản xuất. Từ cuối tháng 5, ông Việt đã đề xuất TP cho DN tổ chức sản xuất và ở lại tại chỗ trong nhà xưởng giống cách mà các DN trong khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh đã áp dụng. Kể từ khi TP giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, DN này đã áp dụng “3 tại chỗ” đối với CN ở nhà máy tại TP.Thủ Đức từ 3 ngày qua, nhưng chỉ với 50% số lượng vì theo lệnh giãn cách trước đây, công ty phải cho nghỉ một nửa. 50% số CN đang làm việc chỉ đạt hiệu quả 35%, còn 15% không thể cơ cấu, không nằm trong guồng sản xuất nên không thể bổ khuyết cho các mảng sản xuất đang khuyết nhân sự có tay nghề.

“Chẳng hạn, dây chuyền đóng túi chỉ 2 người thực hiện, nay nghỉ 1 người, đưa người bên bộ phận đóng nút vào dây chuyền đóng túi thì công suất họ làm được tối đa 70%. Việc thiếu hụt CN từng bộ phận khiến năng suất sản xuất của DN đã giảm 50% lại còn giảm tiếp 15% nữa là vậy. Ngoài ra, việc tổ chức cho ăn ở, nghỉ tại chỗ khiến CN không quen, phải sử dụng điện sạc điện thoại nhiều hơn để giao tiếp bên ngoài, nhà xưởng phải thay toàn bộ hệ thống điện sạc, tăng công suất để an toàn phòng cháy chữa cháy…”, ông Việt nói.

TP.Thủ Đức yêu cầu “không cho người ra khỏi doanh nghiệp” từ 0 giờ ngày 15.7

Theo Công văn 4623 của UBND TP.Thủ Đức gửi các DN trên địa bàn TP ngày 13.7 về việc tổ chức hoạt động của các DN trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn TP, DN nếu đã có phương án “vừa sản xuất, vừa lưu trú tại chỗ” được tiếp tục hoạt động, nhưng phải thực hiện theo kế hoạch hoặc phương án đăng ký, bảo đảm kiểm soát “không cho người ra khỏi DN (trừ trường hợp cấp bách)”. DN thực hiện nội dung “3 tại chỗ” cho người lao động bên trong nhà máy hoặc phải thuê chỗ ở tập trung bên ngoài DN phải tổ chức quản lý chặt chẽ đưa đón người lao động bằng phương tiện đưa đón, không để người lao động tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân. Các quy định nói trên được áp dụng từ 0 giờ ngày 15.7.

Tương tự, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty cơ khí Duy Khanh, đồng thời là Chủ tịch Hội DN cơ khí – điện TP.HCM, cho biết: Trong tổng số gần 200 DN hội viên của hiệp hội, chỉ có chưa đến 10 DN trước đây đã tổ chức chỗ ăn ở tập trung cho một phần CN. Những công ty đó đã tổ chức được cho 30 – 40% lao động ở lại thì trong 2 ngày nay cố gắng mua sắm thêm mùng mền, trang thiết bị để tăng lên được khoảng 70 – 80% CN ở lại nhà máy. Còn các DN chưa áp dụng phương án này thì không kịp chuẩn bị. Ngoài ra theo ông Tống, quan trọng nhất là phải động viên CN ở lại làm việc luôn tại nhà máy. “Mỗi người có hoàn cảnh khác nhau. Có người sau giờ làm ở nhà máy vẫn phải về nhà có việc gia đình, chăm con nhỏ, ông bà nên muốn ở lại làm việc vài tuần thì họ phải sắp xếp công việc ở nhà… Ngay cả công ty chúng tôi, dù chuẩn bị xong cơ sở lưu trú nhưng trước đây cũng phải động viên liên tục và cần thời gian nhiều CN mới chấp nhận. Theo tinh thần hiện nay việc chống dịch vẫn là ưu tiên nên những DN chưa thể thực hiện theo phương án 3 tại chỗ thì sẽ tạm nghỉ, sau đó từ từ sắp xếp, tổ chức để sản xuất lại theo đúng quy định”, ông Tống chia sẻ thêm.

Kiệt sức vì nặng gánh nhiều chi phí

Không chỉ gồng mình lo chỗ ăn, chỗ ở cho CN để cố gắng duy trì hoạt động, các DN còn lo ngại quy định phải xét nghiệm đối với CN định kỳ 7 ngày/lần sẽ đè thêm gánh nặng rất lớn.

Theo ông Phạm Văn Việt, trước đây Công ty TNHH Việt Thắng Jean tổ chức cho 530 CN xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR thì sau 2 ngày có kết quả, chậm nhất là 4 ngày. Trong bối cảnh lực lượng y bác sĩ, nhân viên y tế lấy mẫu đang thiếu hụt trầm trọng như hiện nay, yêu cầu CN có xét nghiệm đúng quy định 7 ngày/lần rất khó thực hiện. Chưa kể chi phí xét nghiệm là một khoản không hề nhỏ.

“Việc tập trung “3 tại chỗ” là cần thiết bởi giảm tính lây lan dịch bệnh, giảm áp lực cho nhà sản xuất khi vừa sản xuất vừa lo lắng cho sự an toàn của nhà máy. Tuy nhiên, khi CN đã “3 tại chỗ” rồi, “nội bất xuất ngoại bất nhập” thì có cần thiết xét nghiệm liên tục vậy không? TP nên xem xét bỏ quy định này để giảm bớt khó khăn cho DN”, ông Việt đề xuất.

Ông Nguyễn Ngọc Luận thẳng thắn nhận định TP đang bộc lộ nhiều sự lúng túng trong phương án chống dịch kết hợp duy trì sản xuất, kinh doanh. Liên tục các quyết sách từ lập chốt chặn, yêu cầu phương tiện qua TP phải có giấy chứng nhận… cho tới yêu cầu các DN thực hiện “3 tại chỗ”, xét nghiệm định kỳ với CN 7 ngày/lần, đều chưa hợp lý. “Thực tế, dịch bệnh diễn ra, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN thời gian qua đã rất cầm chừng. Liên tục phải gánh chịu nhiều khó khăn từ những quyết sách không phù hợp khiến các DN càng kiệt quệ hơn. Nếu tiếp tục thế này, các DN sẽ không thể tiếp tục hoạt động, không thể tránh khỏi đứt gãy chuỗi sản xuất”, ông Luận cảnh báo.

Xem xét cho doanh nghiệp sản xuất trở lại từng phần

Chiều qua 14.7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đã có cuộc giao ban trực tuyến với TP.HCM về các biện pháp phòng, chống dịch của TP.

Phó thủ tướng lưu ý, ngoài những DN thực hiện “3 tại chỗ”, “một cung đường – 2 địa điểm”, TP.HCM cần nghiên cứu, xem xét các phương án cho DN sản xuất trở lại từng phần, căn cứ trên diễn biến dịch bệnh.

Theo Thanh niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/co-noi-an-o-tai-cho-cho-cong-nhan-doanh-nghiep-tai-tphcm-moi-duoc-hoat-dong-1414556.html