Anh bảo vệ mếu máo xin CSGT bỏ qua: ‘Dịch khổ lắm, ăn mì hơn tháng rồi’

Bị CSGT yêu cầu dừng xe, anh bảo vệ trình được giấy xác nhận đi lại nhưng không có bằng lái xe. Anh mếu máo máo: ‘Dịch này khổ lắm, em ăn mì hơn tháng nay, giờ cũng chỉ còn hơn năm chục để ăn 5 ngày tới’.

Anh bảo vệ mếu máo xin CSGT bỏ qua vi phạm /// Ảnh: Độc Lập

Anh bảo vệ mếu máo xin CSGT bỏ qua vi phạmẢNH: ĐỘC LẬP

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tại TP.HCM diễn biến phức tạp, đội CSGT – TT Công an Q.Tân Bình (TP.HCM) có 15 tổ công tác tuần tra lưu động và 3 chốt kiểm soát phòng chống dịch theo Chỉ thị 16 hoạt động xuyên suốt 24/24.

Mếu máo xin bỏ qua vì “khổ lắm rồi”

Chiều tối 16.7, PV Thanh Niên theo chân một tổ  tuần tra kiểm soát người dân ra đường không lý do. Xuất phát từ Công an Q.Tân Bình, tổ công tác đi theo đường Cộng Hòa, Trường Chinh vào Tân Sơn.

Tại đây, tổ công tác dừng xe ngẫu nhiên nhiều trường hợp di chuyển theo hướng Tân Sơn về Quang Trung. Đa phần, người được kiểm tra trình được giấy thông hành hoặc có lý do ra đường chính đáng.

CSGT báo giam xe vì không có bằng lái, anh H. run rẩy hỏi: “Rồi xe đâu em đi làm”. ẢNH: ĐỘC LẬP

Khoảng 18 giờ 30 phút, CSGT yêu cầu anh N.B.H (24 tuổi) dừng xe kiểm tra giấy tờ và trình bày lý do ra đường. Đứng trước CSGT, anh H. run lẩy bẩy, luống cuống mở cốp xe lấy giấy tờ. Anh trình được giấy xác nhận đi lại do công ty bảo vệ cấp, nhưng không trình được bằng lái. Anh nói bằng lái đang trong quá trình làm lại, chưa được cơ quan chức năng trả lại.

CSGT thông báo nếu không có bằng lái thì tạm giữ xe. Giọng anh H. hốt hoảng: “Giữ xe rồi xe đâu em đi làm”. Đôi chân anh cũng bắt đầu đứng không vững khi nghe tin, các ngón chân cố gắng bấu chặt xuống đôi dép rách quai.

Anh bảo vệ mếu máo xin CSGT bỏ qua: ‘Dịch khổ lắm, ăn mì hơn tháng rồi’ - ảnh 2

H. cho biết làm bảo vệ, lương tháng 6 triệu, mỗi tháng anh gửi về nhà hết 4,5 triệu đồng. Dịch này hết tiền ăn chỉ được ứng 200.000 đồng/tuần. ẢNH: ĐỘC LẬP

“Dạ anh thông cảm cho em được không ạ? Tại vì em đi làm bảo vệ, thời buổi này cũng cực khổ lắm, em đi làm em kiếm từng đồng. Khổ lắm rồi. Em ăn mì gói hơn tháng nay rồi, còn có mấy chục ngàn anh thông cảm cho em đi”, anh H. nghẹn giọng, mắt đỏ hoe.

Theo lời anh H., quê anh ở Bạc Liêu, vài năm trước anh lên Sài Gòn làm bảo vệ cho một công ty. Để tiết kiệm tiền, anh ăn ở tại nhà tập thể dành cho bảo vệ. Lương tháng 6 triệu, anh gửi hết 4,5 triệu về nhà, còn 1,5 triệu tằn tiện tiêu xài cho bản thân.

Chỉ vào ly mì, 2 bịch sữa treo trên xe, anh H. nói: “Đó, bữa tối của em đến sáng mai luôn”. Để chứng minh cho cái nghèo, anh mở bóp, lật qua lật lại: “Em chỉ còn có năm mấy ngàn, đủ ăn mì gói 4 – 5 ngày tới. Giờ công ty cũng khó lắm, hết tiền ăn thì được ứng 200.000 đồng/tuần”.

Anh bảo vệ mếu máo xin CSGT bỏ qua: ‘Dịch khổ lắm, ăn mì hơn tháng rồi’ - ảnh 3

Đa phần người dân ra đường đều trình được giấy xác nhận đi lại. ẢNH: ĐỘC LẬP

Nghe vậy, CSGT ghi lại thông tin cá nhân của anh H., rồi nhắc nhở anh cố gắng chuẩn bị đầy đủ giấy tờ trước khi ra đường, đồng thời nếu không thật cần thiết thì hạn chế đi lại trong lúc này.

Anh H. liên tục nói cảm ơn, cất giấy tờ, rồi nổ máy rời đi.

Vi phạm “nối” vi phạm

Sau 10 phút, tổ công tác di chuyển đến một chốt kiểm soát trên đường Phạm Văn Bạch. Thấy lực lượng chức năng, những người bán rau trên vỉa hè lật đật đẩy hết hàng hóa vào trong nhà, đóng cửa cuốn xuống. Nhiều người cũng vội vàng quay đầu xe để “né” chốt.

Phát hiện một người đàn ông không đội mũ bảo hiểm, CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra. Anh cho biết tên T. (30 tuổi) đang đi mua đậu về cho vợ nấu cơm, do vội vàng nên anh quên đội mũ bảo hiểm. “Nhà em cách đây tầm chưa đến một cây đâu ạ, mấy trăm mét, ngay trong hẻm này”, anh giải thích.

Anh bảo vệ mếu máo xin CSGT bỏ qua: ‘Dịch khổ lắm, ăn mì hơn tháng rồi’ - ảnh 4

Thấy lực lượng chức năng, người dân bán trên vỉa hè vội vàng dọn vào trong nhà. ẢNH: ĐỘC LẬP

Vì nhà gần, CSGT cho anh thời gian để gọi người nhà mang CMND và bằng lái ra để kiểm tra. Anh gọi về nhà nhờ vợ lấy giấy tờ, 5 phút sau, anh M. (chú họ của anh T., 35 tuổi) chạy xe ra để đưa giấy tờ.

Chưa kịp ghé chốt, anh M. cũng bị CSGT yêu cầu dừng xe, xuất trình giấy tờ, trình bày lý do ra đường vì không đội mũ bảo hiểm. Chưa hiểu chuyện gì, anh M. cho biết ra đưa giấy tờ cho cháu của mình để CSGT kiểm tra.

“Nhà tôi ở ngay đây này. Nó gọi nói nhờ mang giấy tờ ra CSGT kiểm tra, tôi ra đưa thì lại bị bắt. Chẳng hiểu nổi”, anh M. ngao ngán. Lực lượng chức năng hỏi: “Sao anh không đội mũ bảo hiểm?”. Anh M. lại nói do vội ra đưa giấy tờ cho cháu. Lát sau, công an phường đến, thuyết phục anh M. hợp tác với CSGT để giải quyết.

Anh bảo vệ mếu máo xin CSGT bỏ qua: ‘Dịch khổ lắm, ăn mì hơn tháng rồi’ - ảnh 5

2 chú cháu vi phạm “nối” vi phạm. ẢNH: ĐỘC LẬP

Quay sang chỗ cháu mình đang bị lập biên bản, anh M. nói: “Đó ký xong thì mày về lấy giấy tờ ra cho tao làm biên bản”. Trong lúc chờ cháu về lấy giấy tờ để đến lượt mình bị lập biên bản, anh M. than: “Do nó kêu mang giấy tờ ra liền, vội vội vàng vàng. Nó dặn mình đội mũ bảo hiểm thì không có sao rồi”. CSGT hỏi lại: “Đội mũ bảo hiểm mà cũng phải dặn nữa hả?”. Anh M. không nói gì.

CSGT đã lập biên bản phạt mỗi người 250.000 đồng vì không đội mũ bảo hiểm khi chạy xe trên đường. Tổ công tác tiếp tục di chuyển đến chốt kiểm soát trên đường Lạc Long Quân, Cách Mạng Tháng Tám và Hoàng Sa.

Anh bảo vệ mếu máo xin CSGT bỏ qua: ‘Dịch khổ lắm, ăn mì hơn tháng rồi’ - ảnh 6

Dịch giã căng thẳng nên nhiều CSGT không dám về nhà. ẢNH: ĐỘC LẬP

Một cán bộ CSGT chia sẻ: “Dịch phức tạp, lại phải tiếp xúc nhiều nên mỗi tuần chúng tôi test Covid-19 một lần. Test xong nhận kết quả âm tính là vi về nhà thăm con liền. Thăm được chút lại chạy vào lại đơn vị, làm 1 tuần tiếp, rồi lại test tiếp…”.

Theo Thanh Niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/doi-song/anh-bao-ve-meu-mao-xin-csgt-bo-qua-dich-kho-lam-an-mi-hon-thang-roi-1415937.html

NÓNG: Thêm 16 tỉnh thành phía Nam giãn cách theo chỉ thị 16, từ 0h ngày 19-7

Thủ tướng Chính phủ đồng ý áp dụng giãn cách theo chỉ thị 16 đối với 16 tỉnh thành phía Nam từ 0h ngày 19-7-2021, thời hạn 14 ngày, để chống dịch.

NÓNG: Thêm 16 tỉnh thành phía Nam giãn cách theo chỉ thị 16, từ 0h ngày 19-7 - Ảnh 1.

Chốt kiểm soát tại khu cách ly phường Tân Phú, TP Thủ Đức – Ảnh: TỰ TRUNG

Theo đó, ngoài 3 tỉnh, thành đang áp dụng chỉ thị 16 là TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai, sẽ có thêm 16 tỉnh, thành giãn cách theo chỉ thị này để chống dịch gồm: Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau và Kiên Giang.

Đối với tỉnh, thành phố đang áp dụng biện pháp giãn cách trước ngày có văn bản này, căn cứ diễn biến dịch bệnh và kết quả phòng, chống dịch trên địa bàn, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chủ động, kịp thời báo cáo có thẩm quyền trước khi quyết định việc tiếp tục thực hiện thời gian giãn cách như đã quyết định hoặc kéo dài thời gian giãn cách như các tỉnh, TP bổ sung nêu trên.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 16, chú ý bảo đảm nguồn vật tư, trang thiết bị, nhân lực y tế, nhất là đội ngũ y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế; bảo đảm an ninh, an toàn, an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu; đặc biệt chú ý nâng cao hiệu quả điều trị, ưu tiên tối đa nguồn lực cho các ca bệnh nặng.

Theo Tuổi Trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/nong-them-16-tinh-thanh-phia-nam-gian-cach-theo-chi-thi-16-tu-0h-ngay-19-7-20210707145135244.htm

Sở Y tế TP.HCM: Không để bệnh nhân Covid-19 lưu lại địa phương quá 12 giờ

Trung tâm Cấp cứu 115 sẽ sử dụng phần mềm điều phối thông minh của Sở Y tế để đáp ứng nhu cầu chuyển những trường hợp F0 vào các bệnh viện thu dung điều trị Covid-19.

Sáng 17-7, Sở Y tế TP.HCM có công văn khẩn về việc điều chuyển các ca F0 đến bệnh viện trên địa bàn TP.

Để kịp thời điều chuyển các ca F0 nhằm giảm áp lực cho hệ thống y tế của quận – huyện, TP Thủ Đức và giảm tử vong đối với các ca nặng, Sở Y tế TP.HCM ủy quyền cho Trung tâm Cấp cứu 115 chịu trách nhiệm điều phối những trường hợp F0 đến các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19. Bên cạnh đó, tiếp nhận những ca nhiễm SARS-CoV-2 trong trường hợp cấp cứu đến các bệnh viện điều trị Covid-19.

 Sở Y tế TP.HCM: Không để bệnh nhân Covid-19 lưu lại địa phương quá 12 giờ  - Ảnh 1.

Bệnh viện Hồi sức Covid-19 tại TP Thủ Đức sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân Covi-19 nặng

Trung tâm Cấp cứu 115 sử dụng phần mềm điều phối thông minh của Sở Y tế TP.HCM để đáp ứng nhu cầu chuyển những trường hợp F0 vào các bệnh viện thu dung điều trị Covid-19, không để F0 lưu lại tại địa phương quá 12 giờ; đồng thời chuyển những trường hợp F0 có triệu chứng hay bệnh lý nền đến các bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 và Bệnh viện Hồi sức Covid-19 nhằm giảm số ca tử vong.

Trung tâm Cấp cứu 115 tiếp nhận và huấn luyện 40 tình nguyện viên là sinh viên, học sinh do Thành đoàn TP.HCM điều phối, hoàn chỉnh ứng dụng điều phối xe cấp cứu thông minh (lắp đặt hệ thống GPS). Điều phối xe cấp cứu của các bệnh viện tư nhân, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP.HCM tự nguyện đăng ký tham gia công tác vận chuyển người bệnh Covid-19.

Đối với các bệnh viện phân công thu dung điều trị Covid-19, giám đốc chịu trách nhiệm khẩn trương triển khai đầy đủ số giường được Sở Y tế giao theo kế hoạch. Triển khai, giám sát việc cập nhật dữ liệu người bệnh và số giường còn trống vào Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19 một cách thường xuyên, bảo đảm luôn sẵn sàng tiếp nhận người bệnh.

Trường hợp bệnh viện chưa được bàn giao đầy đủ số giường theo kế hoạch phân bổ (do vấn đề cơ sở hạ tầng, điện nước…), cần báo cáo ngay cho Sở Y tế để có hướng giải quyết kịp thời.

Trung tâm Y tế TP Thủ Đức và các quận – huyện có trách nhiệm cập nhật thường xuyên F0 mới phát hiện tại địa phương. Triển khai, giám sát phân loại các F0 để chuyển đến các bệnh viện phù hợp (F0 không triệu chứng và không bệnh lý nền thì chuyển đến bệnh viện dã chiến, F0 có triệu chứng hoặc bệnh lý nền thì chuyển đến bệnh viện điều trị Covid-19).

Trường hợp F0 còn tồn đọng kéo dài, F0 có hoàn cảnh đặc biệt (đang điều trị methadone, người bệnh già yếu neo đơn…), các trung tâm y tế chủ động liên hệ thanh tra hoặc phòng nghiệp vụ y của Sở Y tế TP.HCM để được giải quyết.

Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh các bệnh viện phải có trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch Covid-19 của TP, đặc biệt là tiếp nhận cấp cứu cho bệnh nhân nặng, tuyệt đối không được từ chối nếu còn khả năng tiếp nhận điều trị.

Theo Người Lao Động

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/so-y-te-tp-hcm-khong-de-benh-nhan-covid-19-luu-lai-dia-phuong-qua-12-gio-20210717135453563.htm