TP.HCM: Truy vết thêm 10 ca từ 13 người dương tính Covid-19 qua test nhanh trên đường

Lãnh đạo UBND H.Hóc Môn (TP.HCM) cho biết, tổ tuần tra lưu động test nhanh Covid-19 người đi đường, phát hiện 13 ca dương tính, sau đó truy vết phát hiện thêm 10 ca dương tính liên quan.

H.Hóc Môn truy vết thêm 10 ca dương tính /// Ảnh: Ngọc Lê

H.Hóc Môn truy vết thêm 10 ca dương tính. ẢNH: NGỌC LÊ

Ngày 19.7, lãnh đạo UBND H.Hóc Môn (TP.HCM) cho biết, 12 tổ lưu động của huyện vẫn đang đồng loạt đi tuần tra, kết hợp test nhanh Covid-19 nhằm kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn huyện.

Theo đó, từ ngày 15.7 đến 19.7, tổ lưu động đã test nhanh Covid-19 người đi đường để phạt những trường hợp ra đường không cần thiết, phát hiện tổng cộng 13 trường hợp dương tính Covid-19. Đáng chú ý, từ 6/13 ca dương tính nói trên, lực lượng chức năng đã truy vết thêm 10 ca dương tính liên quan. 

Hiện lực lượng chức năng đã đưa các trường hợp dương tính này vào khu sàng lọc để chờ kết quả chính thức. 

Trong những ngày qua, các tổ tuần tra test nhanh Covid-19 đã xử phạt (mức 2 triệu đồng) đối với hàng chục trường hợp ra đường không có lý do chính đáng và nhắc nhở hàng trăm trường hợp, yêu cầu quay về nhà.

Theo Trung tâm Y tế H.Hóc Môn, từ ngày 27.4 đến chiều 18.7, Hóc Môn ghi nhận 715 bệnh nhân được Bộ Y tế công bố. Hiện Hóc Môn có 976 ca nghi nhiễm. Trong ngày 18.7 có 104 ca nghi nhiễm; trong đó, có 15 ca cộng đồng, 54 ca khu vực phong tỏa, 5 ca khu cách ly, 30 ca đang điều tra.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng việc tuần tra lưu động kết hợp test nhanh Covid-19 ở H.Hóc Môn phát hiện nhiều ca dương tính cũng là cách làm hay nhằm phát hiện F0 trong cộng đồng.

Theo Thanh Niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/thoi-su/tphcm-truy-vet-them-10-ca-tu-13-nguoi-duong-tinh-covid-19-qua-test-nhanh-tren-duong-1416842.html

Ra đường mua bánh mì, thanh niên bị cán bộ kiểm dịch phạt: “Đây không phải là lương thực, thực phẩm”

Vị cán bộ này cho rằng, “bánh mì là món ăn luôn rồi chứ không phải lương thực, thực phẩm” được cho phép trong quy định mua đồ thiết yếu.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiệp clip gây tranh cãi về sự việc một cán bộ kiểm dịch tại Khánh Hòa “bắt bẻ” nam thanh niên đi đường vì ra ngoài mua bánh mì.

Theo đó, ngày 18/7, anh V.T.E đi ra ngoài thì bị lực lượng chức năng yêu cầu kiểm tra. Anh đã xuất trình “giấy xác nhận yêu cầu công việc” do công ty ký tuy nhiên, trên xe máy lại xuất hiện một ổ bánh mì và chai nước.

Cho rằng thanh niên nói trên đã ra đường nhưng không có nhu cầu thiết yếu, đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ phương tiện xe máy.

Nam thanh niên đi mua bánh mỳ bị xử phạt. (Ảnh cắt từ clip)

Tại trụ sở, cán bộ kiểm dịch tiếp tục phân tích cho anh E. thấy rằng việc mua bánh mì trong giai đoạn này là không cần thiết.

“Bánh mì đâu phải lương thực, thực phẩm. Lương thực là gạo, rau củ, muối cá, thịt… nhũng cái thức ăn. Bánh mì là món ăn luôn rồi! Từ ngữ lương thực không phải vậy. Em lên google search ra mới hiểu được”.

Người cán bộ cũng nói thêm, anh tạm giữ giấy tờ và lập biên bản với nam thanh niên này vì anh có thái độ chống đối.

“Em tới chỗ bán, em biết chỗ bán liệu có bệnh hay không? Dịch dã tràn lan, người ta hạn chế ra đường. Nếu em cho rằng bánh mì là cần thiết thì xôi, phở bò… cũng vậy mà, sao người ta lại cấm?”

Trên mạng xã hội, nhiều người đã bày tỏ ý kiến trái chiều về sự việc trên. Một số người cho rằng, trong thời gian giãn cách xã hội, người dân phải hiểu thế nào cho đúng khi ra đường mua hàng thiết yếu và không thiết yếu để tránh bị xử phạt.

Trong thời gian toàn thành phố Nha Trang áp dụng Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội, người dân buộc phải ở trong nhà và chỉ được ra ngoài khi có nhu cầu thiết yếu.

Chia sẻ với báo Lao động, UBND TP. Nha Trang cho biết đối với việc cung cấp lương thực thực phẩm, trước đó thành phố đã xây dựng kế hoạch cấp thẻ đi chợ 3 ngày/lần.

Nên căn cứ vào các quy định nói trên thì việc thanh niên nói ra đường mua bánh mì, nước uống là không đúng quy định. Tuy nhiên, một số thành viên trong đoàn liên ngành cũng chưa giải thích rõ cho người vi phạm hiểu và đã có lời lẽ chưa phù hợp.

Hiện sự việc vẫn đang gây ra nhiều tranh luận trên các diễn đàn.

Theo Pháp luật và Bạn đọc

Nguồn: https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/ra-duong-mua-banh-mi-thanh-nien-bi-can-bo-kiem-dich-phat-day-khong-phai-la-luong-thuc-thuc-pham-162211907145828072.htm

F0 ở bệnh viện dã chiến: Không có wifi, tắc bồn cầu cũng chửi bác sĩ, bấm nút báo cháy cho cả tòa nhà náo loạn

Đọc nhật ký bệnh viện dã chiến 1 của bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn mới thấy áp lực đè nặng lên đôi vai các y bác sĩ, nhân viên y tế cũng như đội ngũ quản lý, vận hành các bệnh viện lớn đến nhường nào.

F0 ở bệnh viện dã chiến: Không có wifi, tắc bồn cầu cũng chửi bác sĩ, bấm nút báo cháy cho cả tòa nhà náo loạn - Ảnh 1.

Nhiều bác sĩ trực tiếp điều trị cho các F0 trong làn sóng Covid-19 thứ hai, thứ ba đã chia sẻ, một trong những điều khiến họ căng thẳng nhất trong cuộc chiến chống virus không phải là chữa bệnh, mà là ổn định tâm lý cho bệnh nhân.

Không ai muốn mình trở thành F0, không ai muốn bị chỉ trích vì lịch trình đi lại và những câu chuyện đời tư cá nhân trở thành chủ để bàn tán trên mạng. Nỗi sợ bị kỳ thị đã khiến tâm lý của nhiều F0 trĩu nặng, và các bác sĩ phải tìm đủ cách để khiến họ hợp tác.

Nhưng với làn sóng mới của dịch, đặc biệt là ở thành phố Hồ Chí Minh, cùng với diễn biến phức tạp, số ca nhiễm nhảy vọt mỗi ngày, người chịu áp lực tâm lý lại chính là các bác sĩ.

F0 trong bệnh viện dã chiến, 1001 lý do để… chửi bác sĩ 

Bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn, một trong những người tham gia việc set up các bệnh viện dã chiến tại thành phố Hồ Chí Minh mới đây đã chia sẻ những dòng gan ruột trên Facebook cá nhân, kể về những chuyện tai nghe mắt thấy ở Bệnh viện dã chiến 1. Bệnh viện dã chiến này lập tại các ký túc xá Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến tiếp nhận 4.500 bệnh nhân là các F0 có triệu chứng nhẹ.

Anh viết: “Sau 2 – 3 ngày tiếp nhận F0 đang quá tải tại các Bệnh viện Dã chiến thì mới thấy áp lực lên đôi vai của đội ngũ quản lý vận hành các bệnh viện này là thật sự lớn, mà dân tình có thấu hiểu đâu. Phần lớn bệnh viện đều xây dựng trên các chung cư đang hoàn thiện hay bỏ hoang nên mỗi việc hoàn thiện lại đàng hoàng về điện nước cũng đã vô cùng cực khổ huống chi là xử lý chất thải, rác… Và bà con ta thì cứ mặc nhiên và rất vô tư“.

F0 ở bệnh viện dã chiến: Không có wifi, tắc bồn cầu cũng chửi bác sĩ, bấm nút báo cháy cho cả tòa nhà náo loạn - Ảnh 2.

Các bác sĩ, các nhân viên y tế đang là những người phải chịu khá nhiều áp lực tâm lý. (Ảnh minh họa)

Vô tư đến mức, các F0 có 1001 lý do để chửi bác sĩ, ví dụ như:

– Thu dung F0 tại CDC quận/huyện chưa có bệnh viện dã chiến nhận. Tại sao không ai chuyển tui đi? Chửi

– Vào bệnh viện không có wifi: Chửi

– Mỗi F0 được phát 1 SIM 4G. Các khu căn hộ mới chưa kích sóng kịp: Chửi

– Các căn hộ đều được thông báo giữ vệ sinh chung. Có nhiều người F0 ở chung một phòng nhưng đi toilet xong là ở luôn trong đó hay giấu khóa: Chửi

– Mỗi căn hộ chỉ được chuẩn bị 1 bình đun siêu tốc đã khó khăn lắm rồi và các hệ thống điện nhiều lúc chưa đủ tải mà bà con thì cứ mang cả bếp điện, lò nướng. Quá tải điện gây mất điện: Chửi

– Phần lớn các chú hậu cần vẫn khuyến khích người nhà mang đồ và vật dụng tiếp tế nhưng cũng phải phân luồng sạch/bẩn và quá nhiều đồ đạc nên nhầm lẫn và chậm trễ: Chửi

– Đến giờ ăn, bên ngoài tiếp tế mà quá đông các chú hậu cần cũng phải tuần tự phát và phải đảm bảo an toàn vì bản thân các chú cũng sợ bị lây nhiễm: Chửi

F0 ở bệnh viện dã chiến: Không có wifi, tắc bồn cầu cũng chửi bác sĩ, bấm nút báo cháy cho cả tòa nhà náo loạn - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

– “Không có triệu chứng nhưng tại sao cứ để tui ở đây, không phát thuốc gì cả”: Chửi. (Cái này thì xử lý dễ, cứ cho đại 1 viên vitamin C là hết chửi)

– Ở căn hộ nên bỏ hết tất cả những gì gọi là chất thải vào toilet cho dễ. Cầu nghẹt muốn kỹ thuật xử lý thì phải chuyển bệnh nhân F0 đi nơi khác, khử khuẩn phòng thì kỹ thuật mới dám vào phòng. “Sao lâu vậy?”: Chửi.

– Người ở chung ngủ ngáy to quá, không ngủ được, suy giảm sức khỏe: Chửi

– Vui nhất là chửi trên mạng không ai nghe thì cứ đến các khu vực bấm vào nút báo cháy và cả tòa nhà náo loạn…

Bác sĩ thở dài: Thôi bệnh thì có quyền chửi vậy; dân mạng lên tiếng: Đi bệnh viện có phải nghỉ dưỡng đâu?

Kể ra vậy, để hiểu những áp lực lớn mà các nhân viên y tế và đội ngũ hậu cần tại bệnh viện dã chiến đang hứng chịu để nhắc nhở ý thức của các F0, nhưng bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn cũng hết sức thông cảm với người bệnh. Trước một số ý kiến phẫn nộ của dân mạng, cho rằng với những F0 vô ý thức như vậy, nên… kệ họ, hoặc trả về nhà cho tự theo dõi như nhiều quốc gia khác đang áp dụng, bác sĩ Tuấn viết:

Nói chung thả F0 về nhà thì ai cũng muốn nhưng tùy bối cảnh và thời điểm. Cũng đừng nên dạy Nhà nước cách chống dịch vì thời điểm này mà lơi nhơi thì Sài Gòn lên con số 10.000 ca/ngày chắc chỉ trong vài bữa.

Nên F0 muốn về nhà cũng phải theo dõi tập trung, có thời gian, theo dõi một số xét nghiệm nồng độ virus thấp không lây nhiễm mới dám thả về vì chủng Delta này lây ghê quá. Mà ở chung F0 với nhau thiếu ý thức kiểu này cũng chỉ làm khổ thêm cho nhân viên y tế và lực lượng phục vụ mà thôi.

Một khu Bệnh viện dã chiến 2.000 giường thì phải cần ít nhất 200 người phục vụ và đương nhiên phục vụ chỉ ăn ngủ đã khó huống chi là sinh hoạt, và còn phải phòng tránh lây nhiễm cho nhân viên hậu cần… thì áp lực quả là rất lớn.

Bà con chửi quá nên ai cũng mệt mỏi hết. Vì F0 còn khỏe nên ở mấy bệnh viện này, chứ F0 trở nặng chuyển vào hồi sức thì lấy sức đâu mà chửi nhỉ? Thôi thì bệnh thì có quyền chửi vậy!“.

F0 ở bệnh viện dã chiến: Không có wifi, tắc bồn cầu cũng chửi bác sĩ, bấm nút báo cháy cho cả tòa nhà náo loạn - Ảnh 4.

Các nhân viên y tế đang phải căng mình chống dịch, trả lời cuộc sống bình yên cho người dân (Ảnh minh họa)

Nhiều người dùng internet đọc được nhật ký Bệnh viện dã chiến 1 của bác sĩ Tuấn đã kêu gọi ý thức từ người dân cũng như bày tỏ sự khâm phục, ngưỡng mộ các chiến sĩ tuyến đầu chống dịch.

– Bác sĩ người ta chăm cho cả nghìn ca từ người này đến kẻ khác họ đâu có nề hà gì đâu. Kể cả có bực họ cũng cố gắng nín nhịn vì họ biết bệnh nhân hay người cách ly cũng chẳng sung sướng hơn họ là bao. Thế mà có những người bệnh lại không chịu hiểu cho các y bác sĩ lấy một chút. Ý thức như vậy không những tự mình căng thẳng mà làm nhân viên y tế căng theo luôn.

– Ở Bệnh viện dã chiến mà còn vậy, lỡ may thả về nhà, F0 lại thấy mình vẫn khỏe mà không tuân thủ cách ly thì không biết bao giờ mới hết dịch nữa.

– Thế mới biết làm nghề y phải có tinh thần thép chứ không chỉ chuyên môn cao là được. Phải người nóng tính như mình mà thả vào đây chắc cãi nhau suốt ngày với F0 quá. Đi chữa bệnh chứ có phải nghỉ dưỡng đâu mà đòi sung sướng thoải mái như ở nhà!

 – Mỗi người ý thức một chút đi là sẽ ổn thôi. Không ai muốn mình nhiễm bệnh, nhưng nhiễm rồi thì phải có ý thức. Các bác sĩ là lá chắn, là thành trì chống Covid-19 đó, đang bảo vệ cho sự an toàn của cộng đồng đó. Tấn công được họ thì tôi cũng không hiểu nổi!

Theo Nhịp Sống Việt

Nguồn: http://nhipsongviet.toquoc.vn/f0-o-benh-vien-da-chien-khong-co-wifi-tac-bon-cau-cung-chui-bac-si-bam-nut-bao-chay-cho-ca-toa-nha-nao-loan-82021197111964.htm