TP.HCM dự kiến tháo gỡ các chốt chặn, hàng rào trước 30-9

Các hàng rào bằng thép gai, ghế đá, thang tre, giàn giáo, thùng phuy… được dựng lên làm rào chắn ở các tuyến đường, con hẻm tại TP.HCM sẽ được tháo gỡ từ nay đến ngày 30-9. Dự kiến TP sẽ thay đổi cách kiểm soát việc người dân đi đường.

TP.HCM dự kiến tháo gỡ các chốt chặn, hàng rào trước 30-9 - Ảnh 1.

Cư dân tại TP.HCM vận chuyển trái cây qua rào chắn trên đường – Ảnh: NGỌC HIỂN

Tại chương trình tọa đàm trực tuyến (Cà phê doanh nhân HUBA) do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tổ chức với chủ đề “Kế hoạch phục hồi kinh tế TP trong giai đoạn bình thường mới” vào ngày 25-9, các doanh nghiệp đã đề xuất nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hóa, đi lại của người lao động để tái sản xuất, kinh doanh.

Trong đó, nhiều doanh nhân đề xuất TP cần sớm tháo gỡ các rào chắn trong nội thành chia tách các phường, quận và các rào chắn do người dân tự dựng lên để ngăn các con hẻm trong các khu dân cư.

Ông Nguyễn Hoàng Ngân – tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Bình Minh – cho rằng tính liên kết vùng đang bị đứt gãy khi các phương tiện chở hàng hóa, nguyên vật liệu đang khó khăn trong di chuyển bởi các rào chắn, chốt chặn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

“Chỉ riêng TP.HCM còn khóa tương đối chặt, còn các tỉnh khác cởi mở hơn, song chúng tôi chẳng thể nào vận chuyển vật tư để đi được, đến chỗ nào cũng ngăn sông cấm chợ, cũng khóa lại hết, nếu không mở ra thì không có cách nào để doanh nghiệp sản xuất được” – ông Ngân nói.

Tương tự, ông Nguyễn Đức Hưng – chủ tịch HĐQT Công ty Cà phê NAPOLI – đề xuất nên tạo điều kiện cho những ai đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin được phép đi lại để sản xuất kinh doanh khi TP mở cửa trở lại, đồng thời tạo sự thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa, nguyên liệu trong nội thành lẫn liên tỉnh.

Còn ông Đinh Hồng Kỳ – chủ tịch HĐQT Công ty Vật liệu xây dựng Secoin, phó chủ tịch Hội Xây dựng và vật liệu TP.HCM – chia sẻ kinh nghiệm chống dịch từ Canada. Ông đề xuất giãn cách linh hoạt, cần bỏ các hình thức giãn cách cực đoan, phi thực tế, chỉ nên giãn cách ở những khu vực “đỏ”. Đồng thời, ông Kỳ đề xuất không nên áp dụng phong tỏa, xem xét hủy bỏ chính sách cách ly tập trung khi đã xác định sống chung với COVID-19.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – giám đốc Sở Công thương TP.HCM – cho hay dù chưa chốt phương án cuối cùng về kế hoạch sắp tới của TP, quan điểm là kiểm soát điểm đi và điểm đến, không kiểm soát trên đường. Do đó, các rào chắn cứng sẽ bỏ, TP sẽ kiểm tra ngẫu nhiên, xét nghiệm nhanh ngẫu nhiên… 

Thay vào đó, TP sẽ xử lý khi kiểm tra ngẫu nhiên, ví dụ khi vào siêu thị, nhà hàng nếu phát hiện vi phạm sẽ phạt cả cá nhân và chủ doanh nghiệp, hoặc ở nhà máy không làm đúng theo các tiêu chí sẽ phạt người lao động và chủ nhà máy.

Theo ông Vũ, phương án như vậy sẽ đỡ việc tụ tập trên đường, đứng xét giấy có nguy cơ lây lan dịch bệnh.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân – viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM – cho hay kết quả phiên họp ngày 24-9 với sự tham gia của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi có thông tin tích cực, đó là từ nay đến ngày 30-9, TP sẽ tháo gỡ ngay các hàng rào, dây nhợ, kẽm gai… 

“Chúng ta sẽ xóa ngay hàng rào, để đến hết ngày 30-9, bước sang ngày 1-10 có một hướng mới. Song, ở những cửa ngõ TP vẫn còn các chốt chặn, để đảm bảo sự an toàn chung cho cả vùng kinh tế trọng điểm của phía Nam” – ông Ngân nói.

Theo Tuổi Trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/tp-hcm-du-kien-thao-go-cac-chot-chan-hang-rao-truoc-30-9-20210925131343604.htm

Dự kiến phương án lưu thông tại TP.HCM từ ngày 1/10

Tình hình giao thông trên địa bàn TP.HCM sẽ được tổ chức theo phương án từng khu vực gồm phong tỏa, nguy cơ và bình thường mới.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá và vận chuyển một số đối tượng cần thiết, có nhu cầu lưu thông thường xuyên giữa TP.HCM và các tỉnh, Sở Giao thông vận tải đã xây dựng dự thảo phương án tổ chức giao thông, áp dụng từ ngày 1/10.

Theo đó đối với người ngồi trên phương tiện phải đảm bảo các điều kiện được phép lưu thông của ngành y tế, tuân thủ quy định 5K, thực hiện khai báo trên địa chỉ suckhoe.dancuquocgia.gov.vn (hoặc ứng dụng VNEID) và đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch theo quy định của ngành y tế trước khi tham gia giao thông.

Dự kiến phương án lưu thông tại TP.HCM từ ngày 1/10 - Ảnh 1.

Đường phố những ngày cuối tháng 9/2021 dần nhộn nhịp trở lại

Đối với hoạt động vận tải bằng ô tô: đơn vị vận tải phải đảm bảo các điều kiện theo Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP.HCM.

Ngoài ra, đối với giao thông trên địa bàn TP.HCM sẽ được tổ chức theo phương án từng khu vực.

Cụ thể, khu vực phong toả: chỉ cho phép lưu thông các loại xe công vụ, xe phục vụ công tác phòng chống dịch, phương tiện vận tải hàng hoá, xe chở đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế, người phục vụ phòng chống dịch, người dân kết thúc thời gian cách ly y tế tại các khu cách ly tập trung, người bệnh COVID-19, người xuất viện từ các bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 về nơi cư trú.

Trong trường hợp khu vực phong tỏa có những tuyến đường liên quận lưu thông cắt ngang, bắt buộc có lộ trình cho tất cả các loại xe quá cảnh lưu thông ngang qua và không được dừng đỗ xe trên đoạn đường qua khu vực phong tỏa.

Dự kiến phương án lưu thông tại TP.HCM từ ngày 1/10 - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát kiểm tra người ra đường bằng ô tô

Khu vực nguy cơ: ngoài các loại xe được phép lưu thông tại khu vực phong toả, bổ sung thêm xe máy công nghệ giao nhận hàng hoá (shipper), xe vận chuyển hàng hoá, dịch vụ liên quan trực tiếp đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm,…); chứng khoán; bưu chính; viễn thông; dịch vụ hỗ trợ vận chuyển; phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa; khám chữa bệnh…; xe chở thiết bị, vật liệu phục vụ xây dựng, sửa chữa các công trình công cộng, công trình hạ tầng kỹ thuật được phép thi công; dịch vụ bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư,…); xe taxi có mã QR do sở GTVT cấp; xe đưa người dân Thành phố về quê và xe đón người dân từ quê về Thành phố theo kế hoạch; xe vận chuyển công nhân, chuyên gia.

Trong trường hợp khu vực nguy cơ có những tuyến đường liên quận lưu thông cắt ngang, bắt buộc có lộ trình cho tất cả các loại xe quá cảnh lưu thông ngang qua.

Dự kiến phương án lưu thông tại TP.HCM từ ngày 1/10 - Ảnh 3.

CSGT kiểm tra mã QR khai báo di chuyển nội địa của người đi đường

Khu vực bình thường mới: ngoài các loại xe được phép lưu thông tại khu vực nguy cơ, bổ sung thêm xe buýt và xe khách hợp đồng; bến khách ngang sông, bến thủy nội địa và tuyến du lịch đường thủy. Đối với xe khách hợp đồng sẽ được Sở GTVT cấp phép hoạt động có mã QR để kiểm soát số lượng, đối với xe buýt sẽ được hoạt động trên từng tuyến cụ thể.

Về hoạt động vận tải hàng hóa, khu vực nguy cơ, khu vực bình thường mới: xe tải nhẹ chở hàng hóa được phép hoạt động 24/24 giờ cho đến khi có thông báo mới. Các xe tải nặng hoạt động tuân thủ theo Quyết định số 23/2018 của UBND TP.HCM.

Đối với việc vận chuyển hàng hoá từ các điểm tập kết, trung chuyển hàng hoá vào các điểm phân phối phải tuân thủ theo phương án điều phối của Sở Công thương, Ban Quản lý khu chế xuất và khu công nghiệp theo thẩm quyền quản lý.

Về hoạt động vận tải hành khách, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng đến 09 chỗ (sử dụng hợp đồng điện tử), xe hợp đồng và xe du lịch phục vụ hoạt động du lịch đều được phép hoạt động với số lượng, tần suất hoạt động phù hợp với thực tế theo công bố của Sở Giao thông vận tải và có mã QR.

Dự kiến phương án lưu thông tại TP.HCM từ ngày 1/10 - Ảnh 4.

TP.HCM có thể sẽ bước vào cuộc sống bình thường mới từ ngày 1/10

Ngoài ra, dự thảo còn cho biết các phương tiện vận tải hàng hoá lưu thông đến và lưu thông ngang qua TP.HCM phải có giấy nhận diện (mã QR). Đối với phương tiện có lộ trình quá cảnh qua TP.HCM thì không được dừng, đỗ phương tiện trong suốt quá trình lưu thông quá cảnh (trừ trường hợp bất khả kháng như phương tiện bị hư hỏng, sự cố kỹ thuật, về sức khỏe của người trên phương tiện,…).

Các phương tiện vận chuyển hàng hóa đi đến TP.HCM phải tập trung tại các đầu mối, điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa được phép hoạt động theo quy định của của Sở Công thương, các khu công nghiệp và UBND các quận huyện.

Về người dân từ các tỉnh đến TP.HCM để khám chữa bệnh, ngoại trừ trường hợp cấp cứu thì phải có giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng 72 giờ. Đồng thời phải Giấy chuyển viện hoặc giấy hẹn tái khám của các Bệnh viện tại TP.HCM.

Ngoài ra phải có giấy xác nhận của chính quyền địa phương (cấp phường, xã) về cho phép di chuyển đến TP.HCM để khám chữa bệnh (Giấy xác nhận có thể hiện đầy đủ thông tin về: người đi khám bệnh, người điều khiển phương tiện và phương tiện).

Dự kiến phương án lưu thông tại TP.HCM từ ngày 1/10 - Ảnh 5.

Quán ăn uống được hoạt động bán mang đi, shipper nhận thức ăn để giao cho khách

Về hoạt động đi, đến sân bay Tây Sơn Nhất, người dân thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải tại Công văn số 8272/BGTVT-VT ngày 11/ 8/2021 và Công văn số 8573/BGTVT-VT ngày 18/8/2021 về tiếp tục hỗ trợ đưa người có vé máy bay đi nước ngoài đến cảng hàng không quốc tế để thực hiện chuyến bay.

Ngoài ra dự thảo cũng đề nghị tiếp tục duy trì hoạt động trạm kiểm soát dịch COVID-19 tại các cửa ngõ ra, vào thành phố gồm 12 chốt, trạm chính và 49 chốt, trạm phụ.

Đối với các phương tiện vận tải hàng hoá trong phạm vi TP.HCM, chỉ kiểm tra mục đích vận chuyển hàng hoá khi lưu thông vào khu vực phong tỏa tại các chốt kiểm soát. Phương tiện vận chuyển công nhân, chuyên gia, xe khách hợp đồng phục vụ hoạt động du lịch, xe taxi: kiểm soát thông qua giấy nhận diện có mã QR.

Đối với phương tiện cá nhân di chuyển trong phạm vi TP.HCM, kiểm soát thông qua mã QR qua khai báo trên địa chỉ suckhoe.dancuquocgia.gov.vn (hoặc ứng dụng VNEID) tại các chốt kiểm soát ra vào khu vực phong tỏa và khu vực nguy cơ.

Theo Nhịp Sống Việt

Nguồn: http://nhipsongviet.toquoc.vn/du-kien-phuong-an-luu-thong-tai-tphcm-tu-ngay-1-10-22021249213836652.htm