Thứ trưởng Bộ Y tế: “Dịch bệnh tại TP.HCM còn rất phức tạp, khó lường, số ca mắc tăng nhanh”

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn sáng 2/7 nhận định, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM còn rất phức tạp, khó lường, số lượng ca mắc tăng nhanh. Dịch không chỉ tại TP.HCM mà lan sang một số địa phương giáp ranh khác.

Dịch tại TP.HCM còn phức tạp và khó lường

Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM sáng 2/7, GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, số ca mắc mới trong thời gian vừa qua liên tục nằm ở mức 3 con số, có những ngày ghi nhận trên 500 bệnh nhân. 

Ông Bỉnh nhận định, tác nhân gây bệnh là chủng virus Delta (lần đầu ghi nhận tại Ấn Độ), đặc tính lây nhiễm mạnh. Đợt dịch này bùng phát trong hàng xóm, gia đình, nơi làm việc, đặc biệt các tòa nhà văn phòng, cơ sở chế biến thực phẩm đông lạnh.

Từ các ca chỉ điểm, phát hiện thêm các ổ dịch trong cụm dân cư, khu nhà trọ vùng ven, cụm dân cư huyện ngoại thành. Rồi dịch xâm lấn vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM còn rất phức tạp, khó lường, số lượng ca mắc tăng nhanh. Dịch không chỉ tại TP.HCM mà lan sang một số địa phương giáp ranh như Long An, Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh xa có mối quan hệ rất mật thiết với TP.HCM như Tiền Giang, Đồng Tháp…  Mối giao thương hai chiều cũng tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh từ cả hai địa phương.

Các ca nhiễm cộng đồng bắt đầu có xu hướng tăng cao, gây nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh tại TP.HCM.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Dịch bệnh tại TP.HCM còn rất phức tạp, khó lường, số ca mắc tăng nhanh - Ảnh 1.

Quang cảnh cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM sáng 2/7 (Ảnh: BYT)

Thứ trưởng cho biết, qua đánh giá và thảo luận với các điểm cầu quận huyện, việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm còn nhiều vấn đề. Công tác truy vết trong thời gian qua chưa đạt được như mong đợi; Khu cách ly, khu phong tỏa vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đối với việc triển khai test nhanh, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh quan điểm của Bộ Y tế là khuyến cáo các địa phương test nhanh hợp lý để phát hiện các F0, khoanh vùng phong tỏa và các địa phương lân cận khu phong tỏa đó. 

“Thời gian qua, TP.HCM đã sử dụng 128.000 test nhanh trên tổng số 252.000. Bộ đề nghị thành phố tăng cường năng lực cũng như số lượng test nhanh cung cấp cho các quận huyện, đảm bảo công tác phát hiện sớm, truy vết càng nhanh càng tốt”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Trong công tác xét nghiệm, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị các quận huyện chủ động theo hướng giãn cách về thời gian, địa điểm, thực hiện nghiêm chỉ thị 10 của TP. Ông cũng đề xuất tất cả kết quả xét nghiệm phải được trả đúng giờ, đúng hẹn với người dân trong khu cách ly, phong toả. 

Bộ Y tế dự kiến sẽ phân bổ cho TP.HCM gần 1 triệu liều vaccine trong thời gian tới. Từ chiến dịch tiêm vaccine vừa rồi, TP.HCM nên rút ra những kinh nghiệm cần thiết nhằm xây dựng, hoàn thiện kế hoạch thật chi tiết để khi có vaccine có thể thực hiện việc tiêm nhanh chóng, rộng rãi và thành công.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Dịch bệnh tại TP.HCM còn rất phức tạp, khó lường, số ca mắc tăng nhanh - Ảnh 2.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Bộ Y tế)

Những mũi nhọn trọng điểm trong phòng chống dịch tại TP.HCM

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng các địa phương của thành phố cần triển khai mạnh mẽ đợt cao điểm phòng chống dịch. Ông yêu cầu các quận, huyện và TP. Thủ Đức chú trọng công tác tổ chức thực hiện ở từng khâu, từng bộ phận để tạo thành sức mạnh tổng thể trong công tác phòng chống dịch; 

Các hoạt động phòng, chống dịch cần căn cứ thực tiễn của địa phương, đồng thời theo đúng phương châm “5 tại chỗ”. Trong tình hình mới cần tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, thay đổi phương thức, cách thức chỉ đạo để phù hợp thực tiễn.

Đối với từng địa phương, cần phân nhóm nguy cơ (nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và có nguy cơ) đến từng phường, xã, khóm, các điểm nóng để có các biện pháp phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả giúp nhanh chóng kiểm soát, không chế tình hình dịch bệnh.

Đối với công tác lấy mẫu xét nghiệm, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu thực hiện triệt để việc giãn cách trong khâu lấy mẫu, luôn cảnh giác với nguy cơ có F0 xuất hiện, ngoài ra bố trí khung giờ lấy mẫu, địa điểm lấy mẫu phù hợp tránh tạo sự ùn ứ; 

Đồng thời cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận để đảm bảo việc trả kết quả xét nghiệm được thực hiện nhanh chóng, chính xác, tránh tồn đọng; Các địa phương cần nhanh chóng triển khai test nhanh để đáp ứng, hỗ trợ công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Dịch bệnh tại TP.HCM còn rất phức tạp, khó lường, số ca mắc tăng nhanh - Ảnh 3.

Một số đầu cầu quận huyện tham dự cuộc họp (Ảnh: Bộ Y tế)

Đối với công tác cách ly, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, các khu cách ly tập trung do Bộ tư lệnh TP.HCM phụ trách đã tiến hành rà soát và báo cáo đầy đủ, chi tiết về công tác đảm bảo tuân thủ các quy định, điều kiện cách ly tại các khu cách ly tập trung.

Trong thời gian tới, thành phố sẽ thành lập các ban quản lý khu cách ly tập trung với sự tham gia của các lực lượng từ Bộ tư lệnh TP.HCM, Công an, Y tế, Tài nguyên môi trường, Thông tin truyền thông, An toàn thực phẩm cùng các lực lượng địa phương.

Với các khu cách ly do quận, huyện và TP. Thủ Đức tổ chức, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu không tổ chức cách ly tại trường học, đặc biệt là các trường tiểu học, các khu cách ly cần đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về cơ sở vật chất, điều kiện vệ sinh, được lắp đặt camera… theo đúng các quy định; 

Các địa phương xem xét việc chọn các nhà khách, khách sạn trên địa bàn, các khu nhà tái định cư… để tổ chức cách ly; đồng thời các quận, huyện cần nghiên cứu hướng dẫn của Bộ Y tế về cách ly F1 tại nhà.

Đối với vấn đề thu dung điều trị cho bệnh nhân Covid-19, hiện TP.HCM đã chuẩn bị phương án 10.000 giường và sẽ có kế hoạch mở rộng quy mô để sẵn sàng ứng phó với các diễn biến của dịch bệnh trong thời gian tới.

Trong sáng 2/7, TP.HCM cũng đã tiếp nhận sự hỗ trợ, đóng góp trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch từ 12 đơn vị cá nhân, tổ chức với tổng trị giá ước tính lên đến 250 tỷ đồng.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/thu-truong-bo-y-te-dich-benh-tai-tphcm-con-rat-phuc-tap-kho-luong-so-ca-mac-tang-nhanh-161210207163724384.htm

Một số bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng nhanh dẫn đến suy hô hấp và tử vong, TP.HCM ra văn bản khẩn

Sở Y tế TP.HCM vừa cho biết một số bệnh nhân Covid-19 diễn biến nhanh dẫn đến suy hô hấp và tử vong, nhất là trong quá trình chuyển tuyến cần phải theo dõi sát tình trạng hô hấp của bệnh nhân.

Hình ảnh này chưa có thuộc tính alt; tên tệp của nó là photo1625190336616-1625190337037516737750.jpg

Ngày 1/7, trong văn bản KHẨN gửi đến các bệnh viện, ông Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đề nghị các đơn vị cần theo dõi sát diễn tiến của người mắc Covid-19, nhất là khi TP có một số trường hợp bệnh tiến triển rất nhanh dẫn đến suy hô hấp và tử vong.

Theo đó, khi bệnh nhân có dấu hiệu hô hấp bất thường, dựa vào triệu chứng lâm sàng và nồng độ oxy trong máu, đơn vị điều trị lập tức chuyển viện và sơ cứu trên đường chuyển. Người bệnh Covid-19 cần được hỗ trợ thở oxy qua cannula mũi trên đường chuyển tuyến nếu có tổn thương phổi trên phim X-Quang, bất kể có triệu chứng hoặc không có triệu chứng.

Lãnh đạo Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện được phân công điều trị Covid-19 (trực thuộc Sở Y tế TP.HCM) chủ động liên hệ chuyên gia hồi sức cấp cứu của BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM để hội chẩn ca mắc Covid-19 diễn tiến nặng.

Một số bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng nhanh dẫn đến suy hô hấp và tử vong, TP.HCM ra văn bản khẩn - Ảnh 1.

Hiện tại trên địa bàn TP.HCM đã có 11 bệnh nhân Covid-19 tử vong trong đợt bùng phát dịch thứ 4

Trường hợp có bệnh lý nền kèm theo hoặc cần can thiệp chuyên khoa, các đơn vị liên hệ bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của thành phố; chủ động tham gia và trình bệnh án với nhóm chuyên gia điều trị Covid-19 các trường hợp nặng.

BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM được giao nhiệm vụ kết nối các bệnh viện được phân công tiếp nhận, điều trị Covid-19 tham gia vào nhóm chuyên gia điều trị của thành phố, nhằm trao đổi chuyên môn và thống nhất hướng xử trí đối với các trường hợp nặng.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng đề nghị các bệnh viện đặc biệt chú ý thực hiện nghiêm hướng dẫn về điều trị và dự phòng rối loạn đông máu; cần tiến hành xét nghiệm D-Dimer, Fibrinogen… và dựa vào lâm sàng để phân tầng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch và điều trị theo hướng dẫn.

Đối với người bệnh lớn tuổi (trên 70 tuổi), bác sĩ có thể cân nhắc giảm liều còn 3/4 ống (30mg) mỗi ngày. Trường hợp người bệnh thừa cân (trên 60kg) có thể cân nhắc tăng liều đến 1,5 ống (60mg) mỗi ngày.

Nhân viên y tế cần lưu ý các chống chỉ định của thuốc theo hướng dẫn sử dụng, theo dõi số lượng tiểu cầu của bệnh nhân sau 2-3 ngày dùng thuốc và sau đó ít nhất một lần/tuần.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/mot-so-benh-nhan-covid-19-chuyen-nang-nhanh-dan-den-suy-ho-hap-va-tu-vong-tphcm-ra-van-ban-khan-16121020709050093.htm

Covid-19 đang “hoành hành” tại TP.HCM: Cứ 1 người nhiễm lại lây cho 5 người

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trong đợt dịch lần thứ tư tại thành phố, biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 lần này có tốc độ lây lan rất kinh khủng.

Hình ảnh này chưa có thuộc tính alt; tên tệp của nó là photo1625186428712-162518642886439909914.jpg

Biến thể Virus Delta có tỉ lệ lây nhiễm cao, 1 người có thể lây cho 5 người

Nếu trước kia gia đình chỉ 1, 2 thành viên có thể nhiễm thì hiện tại nếu 1 thành viên mắc Covid-19 thì cả gia đình đều nhiễm. Ông Hưng cho rằng thời gian tới sẽ có khả năng còn nhiều ca mắc trong cộng đồng.

Bác sĩ Huynh Wynn Trần – Tổ chức y khoa VietMD, Hoa Kỳ cho biết virus SARS-CoV-2 có hàng nghìn biến chủng và càng về sau thì biến thể càng có thể mạnh hơn.

Virus SARS-CoV-2 là họ RNA , chuỗi di truyền gen đơn không ổn định, nên sau mỗi vài triệu lần nhân bản thì rủi ro có thay đổi trong gen dễ xảy ra. Như sự phát triển tiến hóa sinh học, chỉ những thay đổi gen giúp virus tồn tại mới có thể cơ hội nhân bản ra nhiều hơn. Vì vậy, virus càng tồn tại lâu thì càng sẽ có nhiều biến thể.

Biến thể Delta (B.1.617.2) dễ lây nhiễm hơn các biến thể trước. Không riêng gì tại Việt Nam mà Delta trở thành biến thể đáng gờm trên toàn thế giới.

Một trong những quan ngại lớn nhất về biến thể này là khả năng lây nhiễm bệnh hơn hẳn các biến thể trước. Công bố từ Úc cho thấy chỉ số lây nhiễm R0 của biến thể Delta là 5, so với 2-2.5 biến thể gốc từ Trung Quốc.

Covid-19 đang hoành hành tại TP.HCM: Cứ 1 người nhiễm lại lây cho 5 người - Ảnh 1.

Người dân TP.HCM chờ xét nghiệm.

Chỉ số lây nhiễm R0 (R naught) là chỉ số bên ngành dịch tễ học, chỉ số này chỉ ra một người bị nhiễm có thể lây cho bao nhiêu người khác. Chỉ số 5 biến thể Delta được nói ở đây gợi ý rằng, hễ có 1 người bị nhiễm có thể lây cho 5 người khác, gấp đôi so với các biến thể ban đầu.

Tại Anh Quốc, ước tính 99% gen của virus SARS-CoV-2 hiện nay là Delta và đã tăng đến 79% so với những tuần trước.

Biến thể Delta có tăng độc lực hay không, bác sĩ Huynh Wynn khẳng định hiện nay chưa có bằng chứng người nhiễm biến thể Delta bệnh nặng hơn hay dễ tử vong hơn.

Tuy nhiên, các nghiên cứu từ Scotland đăng trên tạp chí Lancet mới đây chỉ ra biến thể Delta có thể khiến bệnh nhân dễ nhập viện hơn so với các biến thể trước, tăng thêm khoảng 85% rủi ro nhập viện.

Tăng khả năng nhập viện có thể dẫn tới tăng rủi ro tử vong với các bệnh nhân có bệnh lý nền như tiểu đường hay béo phì. Tuy nhiên, cũng nghiên cứu từ Scotland không chỉ ra biến thể Delta có mạnh hơn hay không.

Để chống lại biến thể Delta hiện chủ yếu vẫn dựa vào vắc xin

Đến nay, các nghiên cứu từ Anh đăng trên BMJ cho thấy vắc xin vẫn hiệu quả với biến thể Delta, ước tính trên 90%.

Cụ thể, có khoảng 806 bệnh nhân đã nhập viện sau khi nhiễm biến thể Delta. Trong số này, đa số là chưa chích vắc xin đầy đủ. Chỉ cố 86/804 (khoảng 10%) nhập viện là đã chích vắc xin 2 liều. Khoảng 90% bệnh nhân nhập viện với Covid-19 là chưa chích vắc xin đầy đủ.

Tại Hoa Kỳ, thống kê từ Los Angeles chỉ ra rằng, có 99.6% trong số 437,000 bệnh nhân tại Los Angeles nhập viện vì Covid-19 là không chích vắc xin. Trong số 12,234 ca tử vong vì Covid-19 từ tháng 12/2020 đến tháng 6/2021, có đến 99.8% là không chích vắc xin.

Chính vì vậy, BS Huynh Wynn khẳng định tiêm vắc xin là cách hữu hiệu nhất để giảm biến thể Delta phát triển. Biến thể Delta có thể là biến thể chính trong vài tháng tới trên toàn thế giới nếu chúng ta không chích vắc xin đầy đủ.

Hiện, vắc xin của Pfizer hiệu quả 93% với biến thể ban đầu Alpha, giảm xuống còn 88% so với biến thể Delta. Vắc xin Moderna cũng công bố vắc xin hiệu quả với biến thể Delta khi các bệnh nhân có kháng thể đặc hiệu trung hòa với tất cả biến thể của SARS-CoV-2, bao gồm cả biến thể Delta.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/covid-19-dang-hoanh-hanh-tai-tp-hcm-cu-1-nguoi-nhiem-lai-lay-cho-5-nguoi-161210207065940066.htm