Tân Sơn Nhất phân làn, hành khách và tài xế công nghệ mỏi mắt tìm nhau giữa các tầng ở nhà giữ xe: “Chờ cả tiếng lại phải trả thêm 25.000 đồng”

Sau khi sân bay Tân Sơn Nhất điều chỉnh phân làn ô tô, hành khách đi xe công nghệ như GrabCar, BeCar,… gặp vất vả hơn khi phải chờ 1 tiếng tại nhà giữ xe ngột ngạt, còn trả thêm 25.000 đồng mới được về nhà.

Mới đây, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình, TP.HCM) đã tiến hành điều chỉnh, phân luồng lưu thông dành cho người, phương tiện đưa đón hành khách tại nhà ga quốc nội.

Cụ thể, làn A (khu vực sát sảnh đón trả khách) chỉ dành cho phương tiện từ ngoài đưa khách đi vào nhà ga, cấm đón khách. Làn B, làn C: chỉ dành cho các phương tiện đón khách là xe nhà, xe cá nhân. Còn làn D là ở nhà giữ xe ở sân bay dành cho taxi, xe kinh doanh vận tải đón khách.

Sau khi phân luồng, nếu làn A,B,C thông thoáng, vắng vẻ phương tiện thì làn D, đặc biệt là khu vực xe công nghệ GrabCar, BeCar đón khách lại ùn ứ.

Chờ đợi mòn mỏi, phải trả thêm phí ra vào nhà xe

Có lẽ chưa bao giờ hành khách muốn bắt xe công nghệ như GrabCar, BeCar,… để về nhà lại khổ sở đến thế tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Đáp chuyến bay xuống ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất lúc 10h, nhưng anh Hoàng (30 tuổi, Hà Nội) loay hoay cả tiếng vẫn chưa tìm được xe GrabCar mà mình vừa gọi trên ứng dụng.

Lý do được anh Hoàng cho hay là không biết xe đỗ ở vị trí nào, theo hướng dẫn, anh lên tầng 4 rồi tầng 5 của nhà xe TCP (nhà xe ga quốc nội) để đón xe nhưng không thấy nên anh đi xuống. Sau đó tài xế GrabCar gọi cho anh, nói lên đến tầng 4 và 5 của nhà xe nhưng không thấy anh Hoàng đâu lại quay xe đi vì không được dừng quá 3 phút.

Cứ thế, lặp đi lặp lại giữa hành khách và tài xế việc lên xuống các tầng nhà xe liên tục, gọi điện “cháy máy” mất cả tiếng đồng hồ mới tìm thấy nhau, khiến ai cũng bực bội.

“Thật rắc rối, trong khi các xe taxi, xe riêng (xe nhà) đều đón khách ở tầng trệt rất dễ dàng, nhanh chóng, còn khách muốn đi xe công nghệ thì phải leo lên tầng cao của nhà x, nóng bức như thế này thì có phải là phân biệt đối xử với khách hay không?”, anh Hoàng bức xúc.

Chưa hết, khi tài xế thông báo hành khách đi xe công nghệ phải trả thêm phí là 15.000 đồng ra vào nhà xe và 10.000 đồng (BOT sân bay), tổng cộng là 25.000 đồng mới được ra về, anh Hoàng rất ngạc nhiên.

Theo anh Hoàng, về nguyên tắc thì các khoản phụ phí giao thông là khách chịu nhưng chịu thêm phí ra vào cổng nhà xe mặc dù mình không gửi xe là quá vô lý.

Anh Hoàng chia sẻ thêm, việc phân làn đón trả khách tại sân anh rất ủng hộ để đảm bảo trật tự, an toàn nhưng vô tình làm khổ hành khách và ép xe công nghệ vào thế khó.

Tượng tự như anh Hoàng, chị Thư (25 tuổi) đang đứng tại tầng 5 nhà giữ xe để mong ngóng GrabCar cho biết đã đứng chờ hơn 30 phút vẫn chưa tìm thấy xe do tài xế cũng loay hoay không biết đón khách ở chỗ nào.

Chị Thư chia sẻ: “Cũng may tôi ít hành lý chứ nhiều hành lý thì không biết di chuyển như thế nào để lên tầng 5 đón GrabCar, trong khi đó thang máy di chuyển lên các tầng khá chật, đông người nên chờ rất lâu. Thật sự điều chỉnh bắt khách đi xe công nghệ lên tầng cao để đón xe rất bất tiện, khổ cho hành khách, đó là chưa kể phải ‘gánh’ thêm phí ra vào nhà xe. Bây giờ vào thế đã rồi thì phải chịu thôi chứ biết làm sao”.

Theo chị Thư, chị cũng như nhiều hành khách khác mong muốn sân bay cần điều chỉnh lại vị trí đón xe của khách đi xe công nghệ phù hợp hơn.

Tài xế xe công nghệ đi bộ tìm khách tại nhà giữ xe

Qua ghi nhận, làn B và C dành cho xe riêng của gia đình, xe nhà đón khách nhưng lại rất ít phương tiện, có thời điểm không thấy một bóng xe nào. Trong khi đó làn D lại ùn ứ xe taxi truyền thống, các phương tiện xếp hàng dài để đón khách, nhân viên điều hành thì ra sức kêu gọi, chèo kéo khách.

Tuy nhiên, nhiều hành khách chia sẻ ưu tiên đi xe công nghệ hơn vì họ biết trước được mức giá.

Đang đứng trước thang máy với đống hành lý cồng kềnh chờ lên tầng 5 đón GrabCar, một nữ hành khách mệt mỏi chia sẻ: “Tại sao taxi được đón khách ở làn D nhưng xe công nghệ không được đón ở làn này, rất bất tiện”.

Theo nữ hành khách, làn B và C rất vắng xe nhưng làn D lại luôn đông đúc xe taxi, liệu việc điều chỉnh phân làn lại này có phù hợp? Bên cạnh đó, có phải ép hành khách vào thế khó để chọn đi taxi. 

“Việc điều chỉnh lần này, tôi thấy hành khách là người chịu thiệt nhiều hơn”, nữ hành khách mệt mỏi cho hay.

Trong khi đó, những tài xế GrabCar hay BeCar cũng than phiền vì gặp rắc rối khi di chuyển vào sân bay đón khách. Có nhiều tài xế vào nhà xe sân bay gửi xe rồi đi bộ tìm khách do khách cũng bối rối khi không biết đứng ở vị trí nào cho hợp lý.

Anh Cương (tài xế BeCar) cho biết phải gửi xe và đi bộ giữa các tầng nhà xe tìm khách vì sân bay không cho vào làn D như thông báo nên phải lên đây.

Theo anh Cương, lúc đầu thấy thông báo là xe hợp đồng vào làn D nhưng anh bị chặn lại ở trạm thu phí. Sau đó được nhân viên ở đây hướng dẫn lên tầng 4, 5 đón khách vì xe anh là xe công nghệ nên không được vào làn D. Sau đó xe anh Cương phải xếp hàng dài cùng với những xe khác rồi lòng vòng lên tầng 4 hoặc tầng 5, mất nhiều thời gian hơn mới đón được khách.

Các tài xế xe công nghệ cũng bức xúc khi cho rằng bị phân biệt đối xử trong khi nhu cầu khách hàng không được đặt lên hàng đầu.

“Khách hàng chọn taxi hay xe công nghệ là tuỳ vào mỗi người, nhưng lại bắt khách lên các tầng cao của nhà xe để đón xe công nghệ. Ngoài ra, sau khi điều chỉnh lại cho thấy làn B và C lại rất vắng xe nhà còn làn D và tầng 4, 5 của nhà xe lại đông đúc, ùn ứ. Như vậy tại sao không điều chỉnh một trong hai làn đó cho khách đón xe công nghệ thuận tiện hơn”, tài xế Cương chia sẻ.

Cũng theo các tài xế xe công nghệ, do bất tiện trong việc đón khách tại sân bay nên hiện tại một số tài xế tắt App để không phải “nổ cuốc” đón khách trong sân bay nữa. Bởi, khi lỡ vào sân bay vừa bất tiện nhưng khách không chịu khoảng phí 15.000 đồng (phí ra vào nhà xe) thì tài xế phải chịu lỗ.

Do vậy, hiện tại hành khách rất khó để bắt được GrabCar, BeCar để nhà. Nếu bắt được xe cũng phải lội bộ rất mệt mỏi mới lên được xe.