Khi cả nhà F0 được khỏe mạnh trở về, thấy con hẻm mừng rớt nước mắt

 Khi chắc chắn cả nhà dương tính, chúng tôi thống nhất với đại gia đình giữ im lặng. Để làm gì? Thứ nhất là giữ tinh thần cho họ hàng và bạn bè. Thứ hai, rất quan trọng là dành thời gian cho chính mình thực hiện những hướng dẫn y tế…

Những bệnh nhân COVID-19 xuất viện tại một bệnh viện dã chiến trên địa bàn TP Thủ Đức – Ảnh: TỰ TRUNG

COVID-19 quẩn quanh, một sơ suất nhỏ cũng có thể dương tính. Bốn người trong gia đình tôi luôn rất cẩn trọng. Từ lúc giãn cách, không ai ra khỏi nhà, không đi chợ, siêu thị, chỉ mua hàng online. Vậy rồi cả nhà đều thành F0.

1. Cô Mười, có dấu hiệu bệnh đầu tiên, là người nhận những thùng hàng được chở đến. Cô bị sốt, test nhanh ra 2 gạch dương tính. Cô một mình trong phòng riêng, ăn uống tại phòng. Hôm sau, test nhanh cho cô lần nữa và báo cho tổ trưởng cùng y tế phường xuống lấy mẫu cho cả nhà.

Ba người còn lại âm tính. Chúng tôi mỗi người ở riêng một phòng, tránh tiếp xúc tối đa có thể. Khẩu trang luôn dính trên mặt, phòng nào cũng trang bị bình sát khuẩn, ăn cơm từng người, nói chuyện giao tiếp toàn bằng điện thoại. Vậy mà cuối cùng từng người lần lượt dương tính. Có thể chúng tôi đã nhiễm trước khi phát hiện cô Mười có triệu chứng.

Khi cả nhà đều là bệnh nhân, chúng tôi có một buổi cơm cùng nhau dù vẫn phần ai nấy ăn, không đụng đũa vào thức ăn chung. Tôi bắt đầu mất mùi, mất vị, ăn uống rất khó khăn, phải cố gắng ăn dù chậm, uống thêm sữa và nhất là sau bữa cơm sáng uống tăng cường vitamin C.

Khi cô Mười đã qua được 7 ngày, y tế cho xe tới chở cô và tôi đi cách ly (31-7). Vài ngày sau, hai người còn lại được cách ly ở khu gần nhà.

Khi cả nhà F0 được khỏe mạnh trở về, thấy con hẻm mừng rớt nước mắt - Ảnh 1.

2. Tôi đi cách ly tại một trường tiểu học ở TP.HCM. Nhân viên y tế ưu tiên sắp xếp người cùng gia đình ở chung với nhau. Người bệnh nặng có khả năng cần trợ giúp thở oxy thì ở phòng số 1. Mọi người phòng ai nấy ở, không trò chuyện qua lại, không ra ngồi ngoài hành lang, luôn mang khẩu trang và sát trùng khi cần thiết. Ba bữa cơm được phục vụ miễn phí.

Cô Mười đã 70 tuổi. Sau khi xét nghiệm lại, cô đã được chuyển qua Bệnh viện dã chiến số 11. Nhân viên y tế nói cô có tín hiệu rất lạc quan nên chuyển qua khu an toàn hơn. Mấy ngày sau nghe tin cô được về nhà, ai cũng mừng quá mừng luôn!

Tôi đau rát họng, tiêu chảy nên chăm chỉ bù nước, ráng nhai từng muỗng cơm vì tôi hiểu bỏ bữa sẽ chậm phục hồi. Mọi người động viên nhau ăn để có sức. Ở khu cách ly, ý thức giữ vệ sinh cộng đồng rất quan trọng. Chỉ cần dọn sạch rác của ta thôi nhưng nhiều người vẫn quên. Khẩu trang, khăn giấy xài xong quăng tùm lum, thức ăn thừa thả hết vô máng nước dù cái rổ đựng rác cách đó mấy bước chân. Y bác sĩ ra tay dọn rác, nhìn mà nao lòng!

Ngày 7-8, tôi qua phòng mới có gió, có nắng, tôi cũng ăn được tốt hơn. Trong phòng có cô bạn khoảng 50 hay lam hay làm, lấy cơm cho cả phòng ngày 3 bận, lau phòng mỗi ngày, khiêng thùng nước uống từ dưới đất lên. Mọi người lên tiếng cảm ơn thì cô ấy nói cô trẻ nhất nên gánh việc nặng nhất. Cảm ơn cuộc sống luôn vẫn còn nhiều người không ngại nặng nhọc, xốc vác vì lợi ích chung.

3. Chủ nhật 8-8, không gian khu cách ly yên ắng, trời trong xanh. Bữa sáng có bánh mì xúc xích, thật ngon. Buổi trưa với hộp nui nước lèo nóng hổi, vị vừa, nhiều thịt, rau củ đầy đủ dễ ăn, ngon miệng. Ăn trưa xong, nhân viên y tế lên lấy thông tin cá nhân mỗi phòng, hỏi han và khuyến khích tinh thần người bệnh. Thật quý sự nhẹ nhàng, vui vẻ và cảm phục sự kiên trì, bền bỉ của những người ở tuyến đầu.

19h30, đang bắt đầu vô giấc thì nhân viên y tế thông báo kết quả test âm tính, được chuyển sang phòng âm tính, niềm vui lấn át tất cả. Ngủ một giấc thật ngon. Hôm sau, 16h, nghe có tên trong danh sách những người được về nhà. 

Thấy cái hẻm nhà mà mừng rớt nước mắt. Tiếng chuông cửa bữa nay sao mà đáng yêu đến vậy! Cô Mười ra mở cửa. Nhờ cô đưa bình sát khuẩn, xịt ướt nhẹp từ đầu xuống chân, xịt túi xách luôn. Đã qua được đỉnh điểm rồi, giờ bắt đầu chăm sóc sức khỏe tốt hơn để sau 14 ngày tới được phục hồi hoàn toàn.

Không có gì mừng hơn là được khỏe lại sau khi nhiễm COVID. Không có gì bằng tình thân, mỗi ngày đều được quan tâm, động viên. Bây giờ cả nhà ai cũng thèm ăn ghê gớm. Vẫn ngủ nghỉ, ăn uống riêng, tránh tiếp xúc gần, mang khẩu trang trong nhà. Cẩn trọng vẫn hơn.

Theo Tuổi Trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/khi-ca-nha-f0-duoc-khoe-manh-tro-ve-thay-con-hem-mung-rot-nuoc-mat-20210813215526657.htm

Gia đình cả 4 người nhiễm Covid-19 ở TP.HCM: ‘Dù khó khăn, nhưng ai cũng không mất tinh thần’

Có 4 người trong gia đình chị H.T đều không may bị nhiễm Covid-19 (đã test) và 2 em bé triệu chứng tương tự nhưng không test. Thay vì lo sợ, họ cố gắng uống thuốc, ăn uống đầy đủ, lạc quan đối mặt Covid-19.

Gia đình chị H.T tự điều trị Covid-19 tại nhà, hiện tại sức khỏe mọi người đã tạm ổn. ẢNH: NVCC

Mất vị giác cũng cố nuốt, không bỏ bữa

Cả gia đình 6 người gồm bố mẹ chồng, chồng, chị Phạm Thị H.T (34 tuổi, ngụ TP.HCM) và 2 đứa con của chị không may bị mắc Covid-19. Chị H.T kể lại, ngày 24.7, mẹ chồng chị bị đau họng. Trước đó, bà bị viêm họng mãn tính nên cả nhà nghĩ súc miệng nước muối sẽ khỏi. Tuy nhiên, sang ngày 25.7, chị và chồng cũng xuất hiện triệu chứng đau họng. Đến tối 26.7, cơ thể chị thay đổi, người bị sốt hơn 39 độ nên chị uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. Một ngày sau, chị dứt cơn sốt nhưng họng vẫn đau và bị mất vị giác, khứu giác.

“Cùng thời điểm đó, cả hai bé nhà tôi cũng bị sốt, bé nhỏ xuất hiện sớm hơn bé lớn một ngày. Bố chồng có lấy 2 mẫu test nhanh cho mẹ chồng và tôi thì có kết quả dương tính. Lúc đó, tôi vẫn băn khoăn với kết quả vì từ khoảng 2 – 3 tháng nay tôi làm việc ở nhà, nhận hàng từ shipper cũng sát khuẩn đầy đủ, không nghĩ mình mắc bệnh. Sau đó, bố chồng tôi báo lên cơ quan và báo với y tế phường xuống kiểm tra. Ngày 31.7, vì trước đó bố chồng và chồng chưa test nhanh nên để phường lấy mẫu và cũng cho kết quả dương tính”, chị H.T nói.

Chị H.T chuẩn bị thuốc ở nhà để điều trị khi mắc Covid-19. ẢNH: NVCC

Dù không kiểm tra với 2 đứa con nhưng thấy con sốt và bố mẹ dương tính nên chị H.T cũng đoán được kết quả. Thay vì quá lo lắng, chị H.T tìm hiểu cách điều trị từ bác sĩ và làm theo để sớm lành bệnh.

Phường yêu cầu gia đình chị đi cách ly tập trung nhưng nhà chị có hai con nhỏ, bé sau mới 21 tháng tuổi nên chị băn khoăn. Ở khu cách ly sẽ chia phòng nam, nữ riêng nên chị lo lắng gia đình sẽ không được ở chung, 2 con sẽ khóc vì lạ chỗ. Bởi vậy, chị quyết định gọi y tế phường, cam kết không tiếp xúc với người khác, quay video nhà cửa để họ đánh giá đủ điều kiện cách ly tại nhà.

Chị không báo cho người thân, bạn bè vì sợ họ lo lắng. Mãi khi sức khỏe đã ổn, chị mới nhắn để mọi người yên tâm về tình hình của gia đình mình.

“Khi bị sốt sẽ uống thuốc hạ sốt, ho sẽ hỏi bác sĩ uống thuốc ho. Cả nhà đều ăn uống đầy đủ ngày 3 bữa kèm uống vitamin C, vitamin D hằng ngày. Tôi cũng xác định giữ tinh thần lạc quan là điều quan trọng khi điều trị bệnh nên nhắc nhở cả nhà không chán nản, uể oải. Khoảng thời gian mất vị giác, khứu giác tôi vẫn cố ăn, nếu không ăn được cơm cũng ráng nấu cháo, cố nuốt và không bỏ một bữa nào”, chị H.T cho biết.

Dù cơ thể mệt mỏi nhưng cả nhà chị đều động viên ăn uống đầy đủ. ẢNH: NVCC

Ngoài uống thuốc và ăn uống điều độ, chị cùng các thành viên còn cố gắng vận động, tập thể dục nhẹ nhàng. Điều trị như vậy, khoảng 7 – 8 ngày sau chị đã dần lấy lại được vị giác. Đến ngày thứ 12, mặc dù phải đưa sát mũi mới ngửi được một số mùi nhưng chị cũng dần lấy lại được khứu giác. Lúc này, chồng chị vẫn còn ho nhiều nên chị nhờ các bác sĩ tư vấn online để đánh giá tình hình sức khỏe và lấy thêm thuốc để uống.

“Tránh xa những điều tiêu cực”

Theo lời chị H.T, thay vì lo lắng như nhiều người lớn tuổi khác, mẹ chồng chị vô cùng lạc quan. Chị nhận thấy, tinh thần lạc quan quan trọng trong khoảng thời gian điều trị Covid-19. Đến nay, cả nhà đã khỏe, các triệu chứng giảm khoảng 70 – 80% và vẫn theo dõi kỹ lưỡng sức khỏe.

“Mẹ chồng tôi khi biết mắc bệnh cũng vui vẻ đón nhận. Từ ngày thứ 8 – 11, bà ho nhiều nên nghỉ ngơi, uống thuốc và hạn chế đi lại. Sau khỏe hơn chút còn hát hò, luyện giọng để không mất tinh thần. Cả nhà đều tự chăm sóc, người lớn nhắc nhau uống thuốc, ăn uống và lo cho 2 bé nhỏ. Bây giờ cả nhà tình hình cũng ổn, không còn mệt nhiều như trước. Tôi cũng muốn lan tỏa năng lượng tích cực đến những người không may mắc Covid-19. Dù khó khăn nhưng đừng để mất tinh thần, làm theo hướng dẫn của bác sĩ tránh xa mọi thứ tiêu cực để có sức chiến đấu”, chị H.T tâm tình.

Bà Nguyễn Thị A.N (59 tuổi, mẹ chồng chị H.T) cho biết, khoảng thời gian ho nhiều, bà liên tục xịt họng để cắt cơn ho, mặc 2 lớp áo và không ngủ máy lạnh. Bà biết mình đã có tuổi, sợ bệnh tấn công vào phổi sẽ nguy hiểm nên phải cố ăng uống để có sức đề kháng chống lại Covid-19.

“Tôi biết rằng nếu không ăn sẽ không có sức, buông xuôi bệnh càng nặng nên cố ăn uống và giữ tinh thần lạc quan. Khi đã bị bệnh ăn sẽ không ngon nhưng phải ráng, nếu không uống thuốc bị cào ruột, muốn sinh tồn phải vực dậy. Tôi theo đạo Thiên Chúa nên cầu nguyện thêm để có sức mạnh vượt qua. May mắn hơn chục ngày mọi người trong gia đình cũng ổn. Bệnh này nhiều người mắc, giờ “trời kêu ai nấy dạ” nên tôi mong những người không may có bệnh như tôi tiếp tục chiến đấu để chiến thắng”, bà A.N bày tỏ.

Theo Thanh niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/doi-song/gia-dinh-ca-4-nguoi-nhiem-covid-19-o-tphcm-du-kho-khan-nhung-ai-cung-khong-mat-tinh-than-1430168.html