Gọi 6 cuộc cho nhiều nơi nhờ cấp cứu không được, con bất lực nhìn cha tử vong

 Sáng 19-8, ông N.V.H. (61 tuổi, Gò Vấp, TP.HCM) có biểu hiện khó thở rồi ngã quỵ. Con ông phát hiện, gọi cấp cứu nhiều nơi nhưng vẫn không được đưa đi cấp cứu kịp thời, ông H. tử vong trước khi đến bệnh viện.

Gọi 6 cuộc cho nhiều nơi nhờ cấp cứu không được, con bất lực nhìn cha tử vong - Ảnh 1.

Người nhà tổ chức đám tang cho ông N.V.H. (61 tuổi, Gò Vấp, TP.HCM) vì không thể cấp cứu kịp đột quỵ vào sáng 19-8 – Ảnh: Người nhà cung cấp

Tử vong trước khi vào bệnh viện

Theo thông tin từ anh P.M.H. là con nuôi từ nhỏ của ông N.V.H., khoảng 6h40 sáng 19-8, anh phát hiện ông H. có biểu hiện khó thở rồi ngã quỵ. Anh lập tức gọi điện cho Trung tâm cấp cứu 115 để nhờ hỗ trợ. Qua điện thoại, anh được chỉ dẫn gọi đến đường dây nóng của y tế quận Gò Vấp.

Từ đường dây nóng của y tế quận Gò Vấp, anh M.H. tiếp tục được hướng dẫn gọi đến Trạm y tế phường 16 (quận Gò Vấp) theo số điện thoại của bác sĩ Giang. Tuy nhiên liên hệ thì bác sĩ Giang cho biết y tế phường báo chỉ cấp cứu các ca COVID-19 chứ không cấp cứu đột quỵ.

Anh M.H. lại gọi cho y tế quận Gò Vấp thì được yêu cầu chờ xử lý và cho thêm số điện thoại của bác sĩ Thương, trưởng Trạm y tế phường 16, Gò Vấp. Sau gần 5 phút chờ nhưng không thấy ai đến cấp cứu, anh M.H. tiếp tục gọi lại Trung tâm cấp cứu 115 thì được thông báo sẽ tiếp nhận. 

Sau gần 20 phút, Trung tâm cấp cứu 115 gọi lại hỏi tình hình rồi hướng dẫn người nhà tìm cách đưa ông H. đi bệnh viện chứ không tiếp cận được cấp cứu.

“Họ chỉ tôi sờ xem tim bố còn đập không, nhưng lúc đó bố tôi ngừng thở rồi. Họ bảo tôi tìm cách tự đưa đi tới Bệnh viện Quân y 175 cấp cứu thôi chứ chẳng cách nào nữa”, anh M.H. kể.

Đến 7h30, người nhà đưa ông H. đến Bệnh viện Quân y 175. Tuy nhiên, bác sĩ nhận định ông H. đã ngưng tim trước khi vào viện. 

Theo người nhà ông H., đến 7h45 có một đội gồm 4 người của Trạm y tế phường xuống nhưng lúc này ông H. đã được đưa đến bệnh viện.

Yêu cầu Trạm y tế giải trình

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Nguyễn Thị Thương – trưởng Trạm y tế phường 16, quận Gò Vấp – xác nhận vào sáng 19-8 có nhận được một trường hợp cấp cứu từ người nhà ông H. Khi nhận được điện thoại, bà đã nhanh chóng cho nhân viên mặc đồ bảo hộ xuống kiểm tra và hướng dẫn gọi điện ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 để bệnh nhân được chuyển đi nhanh nhất có thể.

Bác sĩ Thương xác nhận Trạm y tế có bác sĩ Giang làm trong tổ COVID-19 cộng đồng, nhưng từ sáng 19-8, bác sĩ Giang đã được điều đến khu cách ly của quận để điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Có thể Trung tâm Y tế quận Gò Vấp chưa cập nhật lại danh sách nên mới đưa số điện thoại của bác sĩ Giang cho người dân. 

Phóng viên Tuổi Trẻ Online liên hệ với bác sĩ Giang và được giải thích: “Sáng 19-8 tôi có nhận một cuộc gọi cấp cứu đột quỵ, và tôi có giải thích là tôi thuộc tổ phản ứng nhanh COVID-19 cộng đồng, phản ứng nhanh những trường hợp bị COVID-19. Còn vấn đề đột quỵ tôi có hướng dẫn người nhà gọi điện đến Trung tâm cấp cứu 115 hoặc người nhà chuyển thẳng vào bệnh viện để cấp cứu hoặc liên hệ Trạm y tế để hỗ trợ”.

Bác sĩ Giang cho rằng thời điểm đó ông đang ở khu cách ly nên không cầm điện thoại bấm chuyển cho Trạm y tế lúc đó được. “Tôi không nói Trạm y tế phường không cấp cứu trường hợp không mắc COVID-19. Thường ngày, người dân có bệnh gì tôi đều xuống cấp cứu”, bác sĩ Giang nói thêm.

Trong khi đó, đại diện Trung tâm cấp cứu 115 cho biết qua kiểm tra hệ thống, vào 6h55 sáng 19-8 có nhận cuộc gọi báo một bệnh nhân đột quỵ cần cấp cứu, sau đó tổ cấp cứu có hướng dẫn cho người nhà gọi tổ phản ứng nhanh của địa phương đến trước. Tuy nhiên sau đó người nhà không gọi được, đến 7h02 người nhà gọi lại và Trung tâm cấp cứu 115 đã tiếp nhận.

“Hệ thống mới ghi nhận được đến đây, trung tâm đang thu thập tất cả những người có liên quan về vụ việc, sau khi thu thập được chúng tôi sẽ gửi lại thông tin”, vị đại diện này nói.

Đại diện UBND phường 16, quận Gò Vấp cho biết đang yêu cầu Trạm y tế phường 16 giải trình vụ việc trên.

Theo Tuổi Trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/goi-6-cuoc-cho-nhieu-noi-nho-cap-cuu-khong-duoc-con-bat-luc-nhin-cha-tu-vong-20210819164525143.htm

Mẹ mắc COVID-19, bố phải cách ly, bé sơ sinh lớn lên bằng bầu sữa xóm giềng

Ra đời trong lúc mẹ bị mắc COVID-19, bé trai được CLB chuyến xe nghĩa tình ở TP.HCM chở vượt gần 400km về quê Đắk Lắk cách ly tập trung theo quy định. Bé được bà và dì thay nhau chăm sóc, lớn lên từng ngày bằng nguồn sữa của các mẹ vừa sinh con trong làng.

Bà ngoại và dì thay nhau chăm sóc

Ngày 19/8, ông Nguyễn Khắc Dũng- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) cho biết, sức khỏe của bé sơ sinh là F1 đang được cách ly tại Trạm Y tế xã Ea Hu rất tốt. Sau 2 lần xét nghiệm (1 lần PCR ở TP.HCM và 1 lần test nhanh của Y tế huyện), em bé cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Trung tâm đã cử điều dưỡng, bác sĩ tại trạm y tế theo dõi sát sao, thường xuyên kiểm tra sức khỏe cho bé.

Hiện bé trai trên được bà ngoại và người dì thay nhau chăm sóc tại phòng cách ly đặc biệt. Hằng ngày, người thân đi xin sữa của những bà mẹ mới sinh mang vào cho bé.

Chị Nguyễn Thị Yến, điều dưỡng tại Trạm Y tế xã Ea Hu- người trực tiếp thăm khám, hỗ trợ chăm sóc bé trai sơ sinh cho hay, khi được đưa về người thân của bé cũng khá lo lắng. Tuy nhiên, qua hơn 1 tuần chăm sóc, bé đã cứng cáp hơn rất nhiều.

“Cháu rất ngoan, chỉ khóc khi đói. Nhờ được uống sữa mẹ nên bé hấp thụ tốt, da hồng hào hơn so với lúc mới được đón về. Bà và dì bé thay phiên nhau chăm sóc nên cũng khá yên tâm. Đặc biệt, sức khỏe người mẹ đã đỡ lên nhiều, hay gọi điện về hỏi thăm và hướng dẫn mở những bản nhạc mà bé hay nghe trong thời gian còn ở trong bụng mẹ”, chị Yến cho biết.

Mẹ mắc COVID-19, bố phải cách ly, bé sơ sinh lớn lên bằng bầu sữa xóm giềng - Ảnh 1.

Bà ngoại hạnh phúc khi thấy cháu khỏe từng ngày

Đại diện UBND xã Ea Hu cho hay, bố mẹ bé có công việc ổn định trong TP.HCM. Khi sắp sinh con, người mẹ không may bị mắc COVID-19 nên bố bé đi cách ly tập trung. Do dịch dã phức tạp, người thân không thể vào chăm sóc nên bé được CLB Chuyến xe nghĩa tình ở TP.HCM tổ chức đưa về quê. Khoảng 0 giờ ngày 11/8, Trung tâm Y tế huyện tiếp nhận bé từ CLB. Lúc ấy, bé mới được 3 ngày tuổi.

Khi biết hoàn cảnh, chính quyền xã Ea Hu đã hỏi thăm gia đình, nhờ các bác sĩ quan tâm đặc biệt đến em bé này.

Ông Võ Tấn Huy, Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin- Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh huyện cho biết, bé sơ sinh trên là F1 đặc biệt nhất trong số hơn 300 người đang thực hiện cách ly tập trung trên địa bàn.

“Khi nắm thông tin về trường hợp bé sơ sinh trên, tôi đã yêu cầu bộ phận tiếp nhận tạo mọi điều kiện thuận lợi, cho người nhà vào cùng cách ly tập trung tại trạm y tế, vừa đảm bảo quy định phòng chống dịch, vừa thuận tiện chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho bé” – ông Huy thông tin.

Mẹ mắc COVID-19, bố phải cách ly, bé sơ sinh lớn lên bằng bầu sữa xóm giềng - Ảnh 2.

Lãnh đạo UBND huyện Cư Kuin tặng quà cho đại diện gia đình bé sơ sinh là F1

Bài học “xương máu” từ ca F0 trong cộng đồng

Ông Huy cho biết thêm, từ ngày 1/8 tất cả trường hợp về từ vùng dịch, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của huyện Cư Kuin đều bố trí cách ly tập trung nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Bài học trên được rút ra sau khi ghi nhận chùm ca mắc COVID-19 trên 50 trường hợp khiến địa phương rơi vào “vùng đỏ” dịch bệnh vào cuối tháng 7.

Mẹ mắc COVID-19, bố phải cách ly, bé sơ sinh lớn lên bằng bầu sữa xóm giềng - Ảnh 3.

UBND huyện Cư Kuin khóa toàn bộ đường mòn, lối mở trên địa bàn để ngăn chặn dịch bệnh

Sau đó, cơ quan chức năng phát hiện những bệnh nhân trên có liên quan người đàn ông (trú tại buôn Ea Bhốk, xã Ea Bhốk) đi từ tâm dịch TP.HCM về nhưng không chấp hành đúng quy định cách ly tại nhà. Người này đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người. Hậu quả toàn huyện phải áp dụng Chỉ thị 16 từ ngày 23/7, trong đó, 3 buôn với hàng nghìn hộ là người dân tộc thiểu số bị phong tỏa.

Mẹ mắc COVID-19, bố phải cách ly, bé sơ sinh lớn lên bằng bầu sữa xóm giềng - Ảnh 4.

Trưng dụng cơ quan hành chính để làm nơi cách ly các trường hợp F1

Các đường mòn, lối mở trên địa bàn bị khóa chặt theo quy định nhà cách ly với nhà, xóm cách ly với xóm. Ban chỉ đạo phòng chống dịch Cư Kuin lập hơn 120 chốt kiểm soát dịch bệnh. Nhằm hạn chế tình trạng lây nhiễm, bảo đảm sức khỏe cho người dân, huyện Cư Kuin đã triển khai phương châm “4 tại chỗ”, giảm thiểu áp lực cho hệ thống y tế cấp tỉnh.

Mẹ mắc COVID-19, bố phải cách ly, bé sơ sinh lớn lên bằng bầu sữa xóm giềng - Ảnh 5.

Chốt kiểm soát dịch bệnh được dựng nhiều nơi khi huyện Cư Kuin giãn cách theo Chỉ thị 16

Theo đó, trong thời gian chờ Tỉnh kích hoạt khu điều trị F0, UBND huyện đã chủ động tách các ca bệnh (F0) chưa có triệu chứng ra khu riêng biệt để theo dõi và điều trị; kích hoạt cơ sở cách ly tập trung dành cho F1; trưng dụng trụ sở một số cơ quan làm khu nghỉ ngơi, thay ca cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung huyện… đảm bảo không để lây nhiễm dịch bệnh chéo.

Để người dân an tâm, tuân thủ nghiêm quy định phòng chống dịch, UBND huyện chỉ đạo các phòng ban, phối hợp cùng với hệ thống chính trị vào cuộc tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm cho từng hộ dân trong vùng bị phong tỏa hoặc những hoàn cảnh khó khăn.

Mẹ mắc COVID-19, bố phải cách ly, bé sơ sinh lớn lên bằng bầu sữa xóm giềng - Ảnh 6.

Nhiều phần qua được gửi đến người dân huyện Cư Kuin trong thời gian giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16

Đáng nói, dịch bệnh ập đến đúng thời điểm mùa thu hoạch sầu riêng– loại cây mang lại thu nhập ổn định cho người dân. UBND huyện đã tạo điều kiện cho thương lái thu mua nhưng phải tuân thủ đúng quy định phòng chống dịch bệnh; trường hợp không thể thu hoạch vì vướng Chỉ thị 16, chính quyền quyết định hỗ trợ cho dân.

Mẹ mắc COVID-19, bố phải cách ly, bé sơ sinh lớn lên bằng bầu sữa xóm giềng - Ảnh 7.

Người dân vùng phong tỏa được tình nguyện viên vào tận nơi phát nhu yếu phẩm

“Chúng tôi chấp nhận đổi kinh tế trong thời gian ngắn để đảm bảo sức khỏe và tính mạng nhân dân. Và được nhân dân đồng lòng ủng hộ. Sau 14 ngày không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng, huyện Cư Kuin chính thức thoát khỏi “vùng đỏ” dịch COVID-19 vào ngày 8/8 khi UBND tỉnh đồng ý cho huyện kết thúc Chỉ thị 16, thực hiện Chỉ thị 15 (có thêm một số quy định chặt chẽ hơn). Tuy vậy, huyện đã quán triệt đến chính quyền cơ sở không được phép chủ quan, tiếp tục thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch để giữ vững vùng xanh”, ông Huy chia sẻ quyết định tận dụng 14 ngày giãn cách toàn xã hội để “đóng cửa” dập nguồn lây bệnh trong cộng đồng.

Theo Tiền Phong

Nguồn: https://tienphong.vn/me-mac-covid-19-bo-phai-cach-ly-be-so-sinh-lon-len-bang-bau-sua-xom-gieng-post1367056.tpo