Gần 100% số ca bệnh mắc mới ở TP.HCM là F0 ngoài cộng đồng

Gần như tất cả những ca bệnh mới được phát hiện đều là F0 ngoài cộng đồng, với tỷ lệ nhiễm ở mức khá cao. Chuyên gia y tế cảnh báo, những người vừa có kết quả test nhanh âm tính vẫn có thể đã mang bệnh nên tuyệt đối không được chủ quan.

Sáng 25/8, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, dự kiến ngành y tế sẽ hoàn tất việc lấy mẫu xét nghiệm cho 2 triệu người vào hôm nay, 25/8. Khu vực đang được ngành y tế tập trung triển khai lấy mẫu là những vùng có nguy cơ lây nhiễm ở mức cao và rất cao (vùng cam và vùng đỏ) do đó, số ca nhiễm bệnh những ngày tới có thể sẽ tiếp tục tăng nhanh.

Dẫn chứng từ bác sĩ Hưng cho thấy, thực tế xét nghiệm trong ngày 23/8 được ngành y tế triển khai cho thấy, trong số gần 169.964 mẫu được lấy thì có tới 6.231 trường hợp dương tính (chiếm tỉ lệ 3,67%). “Đây là con số thấp hơn ngưỡng mức lây nhiễm cao của Thế giới (5%) nhưng điều đó cho thấy, số ca nhiễm bệnh trong quần thể cộng đồng tại những vùng nguy cơ cao của TP.HCM đang ở mức đáng báo động” – bác sĩ Hưng nói.

Gần 100% số ca bệnh mắc mới ở TP.HCM là F0 ngoài cộng đồng - Ảnh 1.

Các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao đang được tập trung xét nghiệm để khoanh vùng F0

Khuya 24/8, dữ liệu được công bố từ Cổng thông tin COVID-19 TP.HCM cho thấy, trong ngày toàn thành phố thực hiện được 137.971 mẫu xét nghiệm thì ghi nhận 4.610 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 3.877 trường hợp được phát hiện ngoài cộng đồng (chiếm 84%). Các địa phương đang trở thành điểm nóng của dịch COVID-19 gồm Bình Thạnh, quận 5, 6, 7, 10, Tân Bình, Phú Nhuận, Tân Phú, huyện Hóc Môn…

Riêng tại huyện Hóc Môn nơi ghi nhận có 144 trường hợp dương tính được phát hiện trong ngày, PGS.TS Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP.HCM đang trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch trên địa bàn cho biết, phương án xét nghiệm đang được triển khai quyết liệt trên diện rộng để phát hiện và bóc tách bằng được F0 ra khỏi cộng đồng.

Gần 100% số ca bệnh mắc mới ở TP.HCM là F0 ngoài cộng đồng - Ảnh 2.

Nhiều địa phương đang có tỷ lệ nhiễm bệnh ngoài cộng đồng ở mức cao

“Việc lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 toàn dân trong thời điểm này vô cùng quan trọng. Thứ nhất, phát hiện ra F0 chúng ta có thể biết được tối thiểu ai đang nhiễm hay không, từ đó chủ động phòng chống dịch bệnh và có các giải pháp tiếp theo. Thứ hai, giảm được tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng” – PGS Thành Đồng nói.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc xét nghiệm chỉ có thể “quét” ra được một tỉ lệ mắc bệnh nhất định chứ không thể phát hiện được hết các ca F0. PGS Thành Đồng cho biết: “Sau khi phát hiện F0 đợt cao điểm xét nghiệm, chúng ta vẫn phải tiếp tục theo dõi các quần thể âm tính, bởi vì ngưỡng phát hiện của test nhanh hiện nay không phải là tuyệt đối, do vậy người nhiễm vẫn có thể tồn tại trong dân cư”.

Gần 100% số ca bệnh mắc mới ở TP.HCM là F0 ngoài cộng đồng - Ảnh 3.

Giải pháp xét nghiệm sẽ giúp bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng trong thời gian sớm nhất

Theo ông Đồng, tại một số vùng có ca nhiễm cao, các xã, phường có khu cách ly chật hẹp, nếu phát hiện ra nhiều F0 có thể sẽ dẫn đến những khó khăn trong việc xử lý và đưa họ đến các khu cách ly. Công tác phòng chống dịch đang đòi hỏi phải có sự chỉ đạo linh hoạt để đưa các F0 tới khu cách ly, nhất là người ở khu nhà trọ, dân cư đông hoặc những trường hợp không có người chăm sóc y tế tại nhà.

Gần 100% số ca bệnh mắc mới ở TP.HCM là F0 ngoài cộng đồng - Ảnh 4.

PGS Lê Thành Đồng đang trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch trên địa bàn huyện Hóc Môn, TP.HCM

Trước tình hình F0 trong cộng đồng tăng cao, huyện Hóc Môn đã triển khai thêm các điểm cách ly tập trung tại các xã, huyện. Khu cách ly tập trung COVID-19 tại xã Xuân Thới Thượng, đã có sự hỗ trợ của lực lượng quân đội kết hợp cùng y tế và chính quyền trong công tác phòng chống dịch và chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19.

Gần 100% số ca bệnh mắc mới ở TP.HCM là F0 ngoài cộng đồng - Ảnh 5.

Thứ trưởng Bộ Y tế (áo trắng) đến thăm và động viên tinh thần các lực lượng phòng chống dịch tại xã Xuân Thới Thượng

Ngày 24/8 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã đến kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Khu cách ly tập trung COVID-19 tại xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn). Thứ trưởng đánh giá cao tinh thần làm việc cũng như hoạt động chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 của nhân viên y tế, quân đội và chính quyền địa phương. Đồng thời chia sẻ những khó khăn, áp lực công việc và động viên tinh thần, kêu gọi mọi người đồng lòng chung sức vượt qua giai đoạn khó khăn.

Theo Tiền phong

Nguồn: https://tienphong.vn/gan-100-so-ca-benh-mac-moi-o-tphcm-la-f0-ngoai-cong-dong-post1369311.tpo

Cụ ông bật khóc không mua nổi 1kg gạo về nấu cháo cho vợ ốm nặng

Nhà hết gạo, cụ ông đi khắp nơi vẫn không thể mua nổi 1kg gạo để về nấu cháo cho người vợ ốm liệt giường, may mắn được tình nguyện viên giúp đỡ.

Mới đây, trên mạng xã hội truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh một cụ ông lớn tuổi đứng trước một cửa hàng bán gạo gõ cửa, cầu xin được bán 1kg gạo về nấu cháo cho bà xã đang ốm nặng ở nhà. “Bán giúp cho ông 1 kg gạo thôi, nhà hết gạo ăn rồi, đi từ sáng đến giờ tìm không đâu được, nhà có 2 ông bà, bà thì ốm nặng, ông phải nuôi bà”, lời nói của cụ ông khiến cư dân mạng không khỏi xót xa.

Trước lời thỉnh cầu của cụ ông, chủ nhà vẫn cương quyết cự tuyệt: “Nhà con không có bán”. Ông cụ lãng tai vẫn cố gắng thuyết phục: “Thế chút cho mượn 1kg đồ gì cũng được. Ở nhà hết gạo ăn rồi. Giúp cho 1kg đi”.

Cụ ông nài nỉ chủ tiệm bán cho 1kg gạo.

Trong lúc bất lực vì không mua được gạo, cụ ông may mắn gặp được một nam thanh niên trong đội thiện nguyện – người chứng kiến toàn bộ sự việc đã tiến lại gần hỏi thăm, xin địa chỉ nhà cụ ông để chở gạo tới. Lúc này, cụ ông rơm rớm nước mắt chia sẻ: “Có hai ông bà già thôi, 1 đứa đi làm, còn cậu con trai lại là bộ đội. Ở nhà, bà thì ốm nặng, ông phải nuôi bà”. Đây có lẽ câu nói buồn nhất lúc này, ánh mắt kèm theo đôi bàn tay đang run rẩy đủ để người xem cảm nhận được cụ đã bất lực thế nào.

Chủ cửa hàng từ chối giúp đỡ khiến dân mạng chạnh lòng thay ông cụ.
Cụ ông đi mua gạo để nuôi bà xã đang ốm yếu nằm ở nhà.

Thấy vậy, anh thanh niên liền động viên cụ trở về nhà và hứa sẽ chở 5kg gạo sang hỗ trợ hai cụ. Đáng chú ý, vì sợ chàng trai quên địa chỉ nhà và tên nên cụ ông đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, thậm chí còn định lấy bút ra ghi lại.

Ánh mắt đượm buồn của ông lão khiến nhiều người thương cảm.
May mắn thay, một tình nguyện viên đã chứng kiến sự việc và hứa sẽ chở gạo tới nhà cho cụ.

Được biết, nam thanh niên đã mang gạo kèm theo đồ ăn, rau củ tới hỗ trợ hai cụ. Mong rằng cụ bà sớm bình phục để cụ ông bớt lo lắng. Thông tin này khiến dân mạng thở phào nhẹ nhõm. Ai nấy đều mong dịch bệnh sớm qua đi để không còn phải chứng kiến cảnh người dân đói khát và không còn một gia đình nào bị chia ly vì có người thân nhiễm bệnh phải ra đi mãi mãi.

Bình luận từ cư dân mạng.

Một số bình luận từ cư dân mạng:

“Nhiều mảnh đời thấy đau lòng… Những đứa trẻ lang thang và những ông bà cụ sống lủi thủi một mình là những mảnh đời khó khăn nhất mùa dịch.”

“Gặp mình chắc nhà còn bao nhiêu gạo mang qua giúp cụ hết, thấy cụ nhắc đi nhắc lại địa chỉ rồi nhà Ông Luân mà xót xa. Chắc lo lắng người ta không mang tới giúp hoặc đưa nhầm.”

“Các cụ không phải là không tiền chẳng qua chỉ có 2 ông bà ăn nhiêu mua nhiêu. Nên lúc này cần đi mua lại không có. Cũng tội những cụ già neo đơn.”

“Không lẽ không bán cũng không thể mang ra cho cụ một ít gạo, lá lành đùm lá rách bây giờ khó đến vậy à? Dịch bệnh khó khăn lòng người không phải ai cũng hoan hỉ cho đi! Chúc ông và bà luôn khoẻ!”

“Biết là dịch này ai cũng phải tiết kiệm lương thực. Mà cụ ông năn nỉ như vậy không lẽ 1 chén gạo cũng không giúp được. Nhìn cảnh người việt mình bây giờ sao mà đau lòng thật sự.”

Câu chuyện xúc động trên đã lấy đi nhiều nước mắt của cư dân mạng. Hầu hết mọi người đều cảm thấy xót xa, lo lắng cho cuộc sống của hai cụ già bơ vơ, sống nương tựa vào nhau giữa lòng thành phố trong mùa dịch.

Tổng hợp

Theo Webtintuc

Nguồn: https://webtintuc.com/cu-ong-bat-khoc-khong-mua-noi-1kg-gao-ve-nau-chao-cho-vo-om-nang-570191.html