Vợ bị mù, anh chồng tự tay trang điểm, chọn quần áo cho vợ đi chơi

Mỗi sáng, khi cái chợ cóc đầu ngõ 396 Trương Định trở nên huyên náo bởi tiếng còi xe và người bán hàng, anh Phạm Văn Tuyến bắt đầu đánh phấn, tô son cho vợ.

“Chú ấy toàn trang điểm cho vợ thôi”, “Quần áo của vợ là chú ấy chọn hết cả đấy”, “Người đẹp trai lại nhẹ nhàng và chăm vợ lắm”… Lời của chị bán thịt, cô bán cá, bà bán rau tiếp nối nhau. Ở chợ này, các bà, các cô không ai giấu được sự ngưỡng mộ với tình yêu của anh Tuyến dành cho người vợ khiếm thị là chị Lê Kim Dung.

Đôi vợ chồng này là chủ một trung tâm tẩm quất người mù ở số 2, ngõ 396. Hàng ngày chị Dung đảm nhận việc chuyên môn, anh Tuyến đón khách, chăm sóc vợ, các nhân viên cũng là người khiếm thị và đưa đón hai con đến trường.

“Tôi gặp anh ấy cách đây 19 năm, khi mắt vẫn còn có thể thấy được chút ít. Đấy là sự may mắn vì đến giờ vẫn có thể mường tượng ra khuôn mặt anh Tuyến. Đôi mắt anh lúc nào cũng chứa nước long lanh và nụ cười mỉm hiền lành”, chị Dung kể.

Thuở ấy, mỗi cuối tuần Kim Dung hay vào doanh trại quân đội ở Phúc Thọ thăm người anh con bác, qua đó quen anh Phạm Văn Tuyến, người huyện Thanh Oai ở cùng đơn vị. Những câu chuyện giữa hai người đã giúp anh Tuyến biết hoàn cảnh của Dung. Biến chứng của trận sởi năm 2 tuổi làm hỏng đôi mắt cô bé. Sau này, dù được thay giác mạc, song thị lực chỉ còn 4/10. Đến năm 17 tuổi, mắt cô mờ dần.

Hết thời gian nghĩa vụ, anh Tuyến đi xuất khẩu lao động. Còn Dung vào trường Nguyễn Đình Chiểu học chữ nổi. Chị hoàn thành chương trình THPT, song song học nghề xoa bóp bấm huyệt. Những cánh thư tay Tuyến gửi về là ánh sáng đẹp nhất trong những năm trưởng thành khó khăn của Dung.

Dù vậy, khi anh tỏ tình, chị không nhận lời vì cho rằng tình yêu của anh chàng đẹp trai, mắt sáng với một cô gái mù sẽ không bền. Đến lần tỏ tình thứ ba chị vẫn không dám đồng ý. Ở phương xa, anh Tuyến chẳng còn cách nào khác là nói chuyện nhiều, thuyết phục nhiều. “Em có quyền yêu và đón nhận tình yêu như mọi người. Anh hứa sẽ làm đôi mắt, đôi tay, đôi chân cho em suốt đời”, anh Tuyến viết trong thư.

“Mãi đến cuối năm 2002 tôi mới nhận lời yêu của anh ấy. Đó là khi cầm trên tay 500 nghìn đồng tiền lương tháng đầu tiên, tôi biết mình có thể tự kiếm được tiền và không phải phụ thuộc vào người khác”, chị Dung nói.

Họ yêu xa trong vài năm. Năm 2005, trước khi về nước, anh Tuyến chia sẻ với bố về cô gái mình yêu. Ông Phạm Trọng Nhã đồng ý lên nhà gái gặp mặt. Thấy bạn gái của con hiền lành, nghị lực nên đồng ý tính chuyện cưới hỏi. Tuy nhiên, 4 anh chị em của Tuyến và họ hàng không một ai đồng ý bởi lo anh sẽ “khổ cả đời” hay bệnh của Dung sẽ di truyền sang con cái.

Đã lường trước việc bị phản đối nên chị Dung không buồn hay oán trách và bắt đầu âm thầm rời xa người yêu. Còn anh Tuyến lúc này vừa đi xuất khẩu lao động về, phải loay hoay học nghề tìm đường lập nghiệp. Bản thân anh thấy mình cũng không có khả năng lo được cho người con gái mình yêu nên chấp nhận buông tay. “Những ngày không còn được quan tâm cô ấy, cuộc sống của tôi chẳng có chút gì vui vẻ”, anh bộc bạch.

Một năm sau, đôi trẻ nhận ra họ không thể sống thiếu nhau nên quyết định “yêu lại từ đầu”. Lúc này bất chấp phản đối của gia đình, anh Tuyến kiên quyết cưới. Bữa cơm tất niên 2007, cả họ tập trung về nhà anh, cô dì, chú bác xúm vào thuyết phục anh suy nghĩ lại. Nhưng không ai cản nổi, anh Tuyến vẫn kiên định báo kế hoạch: Ra Giêng sẽ cưới vợ.

Ngày trọng đại, ông Nhã dặn dò hai con: “Các con đã quyết đến với nhau thì sau này khó khăn thế nào cũng không được bỏ cuộc”.

Sau hôn lễ, đôi vợ chồng khăn gói xuống Hà Nội thuê nhà, bắt đầu xây dựng cuộc sống từ hai bàn tay trắng. Chị Dung mang bầu không thể tiếp tục công việc bấm huyệt tốn nhiều sức lực. Mình anh Tuyến cáng đáng kinh tế gia đình, nhiều ngày chạy xe đến 2-3h sáng mới về.

Cuộc sống của họ không dư dả nhưng chưa lúc nào thiếu niềm vui. Chẳng có ngày lễ nào anh Tuyến quên mua hoa, mua quà, chúc mừng vợ. Thương vợ không được đi đây đó nên cứ lúc nào rảnh anh lại đèo vợ con đi ăn sáng, uống cà phê. Mỗi lúc ra ngoài, anh sẽ lựa quần áo, đánh phấn và tô son thật đẹp cho vợ. “Hồi đầu tôi hay ra quán cắt tóc gội đầu nhờ họ trang điểm. Sau vài lần nhìn quen, tự anh ấy bảo để anh ấy làm cho”, chị Dung chia sẻ.

Năm 2011, chị Dung sinh một bé nữa. Người thân hai bên đều bận rộn không thể phụ giúp, anh Tuyến đành nghỉ việc ở nhà chăm vợ con. Nghĩ đến cảnh các con sắp phải đến trường cần người đưa đón, vợ cũng cần chăm non, anh Tuyến động viên chị mở một trung tâm xoa bóp bấm huyệt tại nhà.

Giai đoạn đầu mỗi ngày trung tâm chỉ có vài khách, đến nay đã có trung bình 30 khách. Nhờ đó, chị Dung tạo thêm được công ăn việc làm cho 4 người khiếm thị khác. Mấy năm nay chị ấp ủ ý tưởng mở rộng cơ sở để đào tạo miễn phí và tạo thêm việc làm cho những người cùng cảnh ngộ, nhưng vốn hai vợ chồng có hạn nên chưa thể làm.

Anh Nông Văn Quốc, 38 tuổi, nhân viên trong trung tâm của vợ chồng chị Dung cho biết mới đến đây làm. “Tôi thấy anh Tuyến chăm chị Dung từng ly từng tí. Mỗi lần chị ấy làm xong cho khách là anh hỏi có mệt không, có cần uống nước gì không để anh ấy đi mua”, anh Quốc kể.

Tuy không nhìn thấy, chị Dung vẫn có thể làm được nhiều việc như người sáng mắt, với điều kiện ở không gian quen. Con trên 6 tháng tuổi, chị đã có thể tắm rửa, đút bột cho con.

Hàng ngày anh Tuyến sẽ nấu ăn cho cả nhà. Song những hôm anh đi vắng, chị vẫn tự nấu được mâm tươm tất gồm hai món mặn, một món rau. Dung khoe, mọi món chị đều nấu được, trừ những món rán sẽ không căn chuẩn được độ vàng. Chồng hay khen món tôm rang thịt và làm sườn xào chua ngọt của chị. Anh Tuyến kể, tối Chủ Nhật vừa rôi con gái nói muốn ăn mỳ bò. 5h30′ chị đã dậy, bước xuống 3 tầng cầu thang dốc và hẹp, ra đầu ngõ mua 2 lạng thịt bò rồi về thái mỏng, nấu nướng gọn gàng như bà nội trợ bình thường. 6h30′, khi chồng và hai con dậy, bốn bát mỳ bò đã bày sẵn ở bàn.

“Không nhìn thấy nhưng cô ấy như có một giác quan khác, vẫn nấu nướng, giặt giũ, chăm con như người bình thường. Nhiều lúc cô ấy đi cầu thang nhanh đến nỗi tôi đuổi không kịp”, anh Tuyến cười nói.

Hai con Tuấn Kiệt, 12 tuổi và Trà My 9 tuổi học được cách đối xử dịu dàng, tình cảm của bố dành cho mẹ. Mỗi lần bố có việc về quê, hai đứa phân công nhau lau dọn nhà, rửa bát đũa chứ không cho mẹ làm. Chúng cũng quan tâm chăm sóc các cô chú như cách bố vẫn làm. “Dù tôi hoàn toàn làm được việc nhà, các con cũng ít khi để mẹ phải đụng tay”, chị Dung cho hay.