“Ai ở đâu ở yên đó”, bác tổ trưởng “choáng” với đơn mua hộ 43 món

“30 năm làm tổ phó, 15 năm làm tổ trưởng, 73 tuổi rồi chưa thấy lần nào khó khăn như đợt dịch Covid-19 này” – ông Nguyễn Văn Hoanh (tổ trưởng tổ dân phố 50, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) than thở.

Từ ngày toàn TP Đà Nẵng phong tỏa, bố Hoanh (cách gọi thân thương của tổ dân phố 50) lại phải đôn đáo hơn cả ngày thường. Tổ 50 có hơn 70 hộ dân với hàng trăm nhu cầu phát sinh, tất cả đều tới tay tổ trưởng.

Trăm việc đổ đầu… tổ trưởng

5 giờ sáng, bố Hoanh vác loa đi quanh tổ để thông tin về tình hình Covid-19 trên địa bàn phường, vận động người dân chấp hành “Ai ở đâu thì ở yên đó”: “Alo, alo, bà con tổ dân phố 50 chú ý. Đúng 2 giờ 30 chiều nay, đại diện hộ gia đình có mặt tại nhà văn hóa phường Mỹ An để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Đề nghị mọi người nghiêm túc!”.

Tiếng loa như thay tiếng náo nhiệt phố thị, đánh thức mọi người đang ngủ vùi giữa nhịp sống chậm những ngày giãn cách. Rồi cũng tiếng loa đó, 9 giờ sáng, bố Hoanh thông báo: “Thực phẩm hỗ trợ đã về. Đề nghị bà con ở yên tại chỗ, tổ dân phố sẽ đem đến tận cổng”.

Những ngày đầu giãn cách xã hội, rau củ quả hỗ trợ đưa đến khu phố liên tục. Tất cả được tập kết tại nhà bố Hoanh, tổ trưởng phân ra từng suất bằng nhau rồi đưa đến tận nhà. Lúc mẹ tôi – tổ phó cùng bố Hoanh nặng nhọc chất rau củ lên yên xe cũng vừa đúng 12 giờ. Người dân phần lớn đều không thấy cảnh bố Hoanh đội nắng chở rau củ, chỉ biết sau khi nghe tiếng chuông thì đã có một phần quà tinh tươm được treo ngay trước cổng nhà.

Một ngày không dưới 3 lần, tổ trưởng Nguyễn Văn Hoanh lại mang loa tuyên truyền thông tin đến cộng đồng dân cư

Trở về, bố Hoanh không có giấc ngủ trưa bởi còn phải lên danh sách hộ khó khăn để đề xuất hỗ trợ. Dịch bệnh, người nào cũng khó khăn nhưng hỗ trợ thì có hạn. Có người nhường quà cho hộ khó hơn nhưng cũng có trường hợp tị nạnh nhau: “Sao tui cũng nghèo mà không được quà?”.

“Thấy ai cũng khó nên mình điền thêm vào danh sách. Trình lên phường thì bị trả lại ngay vì quá số lượng cho phép. Cân đo đong đếm lắm nhưng bà con không hiểu, cứ trách móc mình hoài” – bố Hoanh phân trần.

Công việc phát loa, phát gạo, vận động bà con cứ thế tiếp diễn cả ngày không ngơi nghỉ. Quá giờ cơm tối, người ta vẫn thấy ông tổ trưởng già một mình chạy xe máy ngoài đường. Tiếng loa thì vẫn văng vẳng, từ sáng tinh mơ đến tối mịt…

Lắm chuyện oái oăm

Không ít lần trong cuộc họp tổ dân phố, bố Hoanh đề đạt ý kiến xin rút lui, nhường việc cho người trẻ. Người không hiểu thì nghĩ bố “lẫy” không chịu làm. Còn người hiểu thì rõ chức tổ trưởng đúng nghĩa “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nên nhất quyết không cho bố từ chức để khỏi cáng đáng trách nhiệm. Ấy thế là ông tổ trưởng 73 tuổi vẫn phải đương nhiệm.

Già thì hay quên, không ít lần bố Hoanh bị người dân phàn nàn về việc phát chậm đồ hỗ trợ hay sót tên trong danh sách cứu trợ. Chuyện đi chợ hộ cũng lắm oái oăm. Trong thời gian giãn cách xã hội, Đà Nẵng chỉ cho người dân đặt hàng qua tổ trưởng 2 lần/tuần. Tổ dân phố phụ trách nhận đơn, chuyển đơn cho siêu thị rồi ra siêu thị lấy hàng để giao cho bà con.

Đơn hàng gồm 43 món khiến ông Nguyễn Văn Hoanh bối rối

Chuyện trễ đơn, trễ hẹn là có khiến nhiều người phàn nàn, gọi bố Hoanh “cháy máy”. Nhưng cũng có những hộ dân với đơn hàng hơn 40 danh mục mua sắm khiến tổ trưởng phải hoang mang. “Siêu thị có hàng thì người ta đặt, không trách họ được nhưng nhiều người đặt hàng nhiều quá, mình cam không xuể. Đi chợ hộ đâu chỉ có mình họ, tổ có hơn 70 hộ dân mà” – bố Hoanh nói.

Từ ngày 21-8, Đà Nẵng xem xét phương án cho nhân viên giao hàng của các siêu thị được phép hoạt động dưới sự giám sát đặc biệt. Quyết định trên khiến những tổ trưởng như bố Hoanh phần nào đỡ vất vả.

Danh sách người nhận hỗ trợ được lập vội trong khoảng nghỉ ngơi chờ rau củ hỗ trợ tới khu dân cư

Mấy ngày nay, khi số ca cộng đồng tại Đà Nẵng tăng cao, phường Mỹ An cũng thêm nhiều ca nhiễm. Các tổ tuần tra ráo riết xử phạt người không chấp hành quy định phòng chống dịch. Tổ trưởng cũng chịu một phần trách nhiệm nếu xuất hiện trường hợp vi phạm tại địa phương. Vừa rồi, tổ 50 cũng có 2 trường hợp bị xử phạt vì ra đường “tám chuyện”. Thế là người dân toàn tổ lại được nghe tiếng loa của tổ trưởng: “Vừa có 2 trường hợp ra đường bị xử phạt ở đường Mỹ An 2. Đề nghị bà con chấp hành, “ai ở đâu thì ở yên đó” – bố Hoanh nói rồi bồi thêm: “Nhắc mãi rồi bà con nhớ nghe rõ nghe!”.

Hay tin một ông bạn tổ trưởng tại khối phố bên cạnh phải đi cách ly vì tiếp xúc với F0 trong lúc làm nhiệm vụ, các con của bố Hoanh liên tục cằn nhằn việc bố đi làm. Nguy cơ nhiễm Covid-19 là hiện hữu và đặc biệt nguy hiểm với người lớn tuổi. Tuy nhiên, bố Hoanh vẫn tiếp tục làm việc của mình. Tổ công tác cộng đồng Covid-19 vẫn giúp dân hết mình, cũng là cách bơm thêm năng lượng vui sống cho chính bản thân.

Tại cuộc họp phòng chống dịch ngày 18-8, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã khẳng định việc phòng chống dịch thành hay bại chính là ở cán bộ cơ sở. Tất cả những chính sách của thành phố dù có tốt bao nhiêu chăng nữa thì cũng sẽ không hiệu quả nếu lực lượng cơ sở triển khai làm không tốt nên đề nghị các cấp quan tâm đối với lực lượng này.

Nhân lúc nhận quà hỗ trợ tại nhà, tôi nói tin này cho bố Hoanh nghe. Bố Hoanh ưỡn ngực tự hào: “Tất nhiên rồi. Bí thư nói đúng quá!”. Vui vậy nhưng không nán lại lâu, bố Hoanh vội chào tạm biệt để gấp rút chuyển suất hỗ trợ đến với người đang cần.

Theo Người lao động

Nguồn: https://nld.com.vn/chuyen-tu-noi-cach-ly/ai-o-dau-o-yen-do-bac-to-truong-choang-voi-don-mua-ho-43-mon-20210821222319614.htm

Người dân họp chợ tự phát từ 3 giờ sáng đông đúc ở TP.HCM

Rạng sáng 22-8, Tuổi Trẻ Online đã ghi lại những hình ảnh người dân họp chợ tự phát đông đúc, nhộn nhịp, thậm chí ùn ứ tại con đường Vũ Tùng và Bùi Hữu Nghĩa (phường 2, quận Bình Thạnh, TP.HCM).

Từ khoảng 3h sáng, chợ đã nhóm họp với hàng chục người bán, đầy đủ mặt hàng từ hàng tươi sống, đông lạnh, thịt cá, rau củ, gia vị, trái cây… Thời điểm mua bán xôm tụ nhất là vào khoảng 4h sáng, khi có nhiều người dân đến mua hàng, cả người mua sỉ lẫn người mua lẻ.

Cả cung đường Vũ Tùng từ đoạn giao với đường Bùi Hữu Nghĩa đến đường Võ Trường Toản dài khoảng 150m đã trở thành chợ tự phát khi người dân bày bán hàng hóa, ngồi bên vệ đường.

Trong khi đó, đoạn đường Bùi Hữu Nghĩa bên hông chợ Bà Chiểu cũng có khá nhiều người dân bày bán các loạt tôm, cá và rau củ.

Dọc các con đường này cũng là nơi các xe tải chở hàng bỏ sỉ xuống hàng tươi sống khiến cho con đường càng trở nên đông đúc, có những thời điểm ùn ứ, người dân nối đuôi nhau.

Theo một tiểu thương bán cá ở chợ tự phát này, vì cuộc sống khó khăn, cộng với nhu cầu mua hàng hóa của người dân quá lớn nên các tiểu thương đem hàng ra đây họp chợ từ khoảng 3h, đến 6h sáng là tan chợ.

Trong số những người bán hàng tại đây, có những người buôn bán thời vụ, có người trước đây đã kinh doanh ban đêm xung quanh chợ Bà Chiểu.

Trong đó, có cả những người bán vé số, thời gian qua thất nghiệp nên chuyển sang bán buôn tự phát trong lúc giãn cách.

Theo một người dân mua hàng tại đây, do việc mua sắm ban ngày khó khăn, mua sắm hạn chế theo phiếu nên người dân cũng “liều” đến mua sắm ở chợ tự phát này.

Dù cả người bán lẫn người mua đều đeo khẩu trang, thậm chí có tiểu thương còn mang găng tay để phòng dịch, song việc buôn bán là tự phát.

Một số hình ảnh Tuổi Trẻ Online ghi nhận vào sáng sớm nay.

Người dân TP.HCM tấp nập đi chợ sớm trên đường Vũ Tùng (quận Bình Thạnh) vào sáng sớm 22-8 – Ảnh: N.H.

Mua bán nhộn nhịp, người bán, người mua đều đeo khẩu trang – Ảnh: N.H.

Con đường Vũ Tùng sôi động, ảnh chụp lúc 4h36 sáng 22-8 – Ảnh: N.H.

Dãy hàng tươi sống trên đường Vũ Tùng lúc 4h32 sáng 22-8 – Ảnh: N.H.

Người dân chen chúc mua hàng – Ảnh: N.H.

Nhiều người bán buôn thời điểm này đều là bán buôn tự phát, kinh doanh thời vụ, một số “tiểu thương” kể rằng vì khó khăn mà phải bán buôn dù vẫn biết nguy cơ dịch bệnh – Ảnh: N.H.

Chợ thưa thớt người dần dần, đến 6h sáng là ngưng – Ảnh: N.H.

Theo Tuổi trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/nguoi-dan-hop-cho-tu-phat-tu-3-gio-sang-dong-duc-o-tp-hcm-2021082206341395.htm