Việt Nam dư thừa 1,5 triệu nam giới vào năm 2034

Tổng cục Thống kê dự báo, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới từ 15 đến 49 tuổi vào năm 2034 nếu mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn cao như hiện nay.

Sáng 18/12, tại hội nghị công bố kết quả nghiên cứu chuyên sâu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dự báo, năm 2059 cả nước dư thừa 2,5 triệu nam giới.

Nếu mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh được cải thiện, thì số nam giới dư thừa năm 2034 là 1,5 triệu người; năm 2059 là 1,8 triệu.

Theo kết quả nghiên cứu, trong vòng 30 năm qua, mức sinh của Việt Nam đã giảm gần một nửa; tổng tỷ suất sinh (TFR) giảm từ 3,8 con/phụ nữ năm 1989 xuống còn 2,09 con/phụ nữ năm 2019.

“Việt Nam vẫn duy trì mức sinh ổn định ở mức thay thế trong hơn một thập kỷ qua, xu hướng sinh hai con vẫn là phổ biến”, bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết.

Tuy nhiên, tỷ số giới tính khi sinh năm 2019 là cứ 100 bé gái sinh ra thì có 111,5 bé trai, được đánh giá là “mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức rất cao”. Trong khi đó, tỷ số giới tính khi sinh theo tự nhiên khoảng 105 bé trai/100 bé gái. Năm 2019, cả nước có 45.900 bé gái bị thiếu hụt theo tỷ số này.

Tình trạng này phổ biến ở Đồng bằng sông Hồng, nhất là khu vực nông thôn. Mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ở tất cả các nhóm mức sống khác nhau.

“Tâm lý ưa thích con trai và nhu cầu cần có con trai tác động tới việc sinh thêm con của các cặp vợ chồng. Những cặp vợ chồng đã có hai con nhưng chưa có con trai, khả năng sinh thêm con cao gấp đôi so với những gia đình đã có ít nhất một con trai. Việc sinh thêm để có con trai đặc biệt rõ ở nhóm dân số có trình độ học vấn cao và mức sống tốt”, bà Thủy phân tích.

Đám cưới tập thể của 70 cặp đôi tại Hà Nội. Dự báo đến năm 2034, có 1,5 triệu nam giới không được kết hôn. Ảnh: Việt Anh
Đám cưới tập thể của 70 cặp đôi tại Hà Nội, năm 2017. Ảnh: Việt Anh

Tổng cục Thống kê cũng dự báo, năm 2029, dân số Việt Nam là 105 triệu; 2039 là 111 triệu; 2069 là 117 triệu. Năm 2034, Việt Nam sẽ chấm dứt thời kỳ dân số vàng tồn tại từ năm 2007, khi người trên 65 tuổi chiếm 15% tổng dân số.

Năm 2030, Việt Nam có khoảng một nửa dân số sống ở khu vực thành thị; đến 2069 là 65%.

Tại hội nghị, bà Naomi Kitahara, trưởng đại diện quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA), bày tỏ lo ngại, “dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ nhanh chưa từng thấy”. Năm 2019, cả nước có 11,4 triệu người hơn 60 tuổi, chiếm gần 12% tổng dân số.

Vì vậy, bà khuyến nghị thời gian tới nhà chức trách cần xây dựng chính sách để cá nhân, cặp vợ chồng có thể tự do lựa chọn về số con, thời gian sinh, khoảng cách giữa các lần sinh, thay vì thực hiện chính sách “dân số và kế hoạch hóa gia đình như hiện nay”. “Chúng ta cần hiểu đầy đủ rằng già hóa dân số xảy ra không chỉ do tỉ lệ chết giảm và tuổi thọ tăng mà chủ yếu do mức sinh giảm. Trước đây Việt Nam thực hiện chính sách điều chỉnh và hạn chế mức sinh, dẫn đến quá trình già hóa dân số nhanh”, bà Naomi Kitahara phân tích.

Đồng thời, bà cũng bày tỏ lo ngại khi tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam cao thứ ba thế giới. “Có những bằng chứng thuyết phục cho thấy đây là kết quả của việc can thiệp lựa chọn giới tính thai nhi”, bà nói.

Vì vậy, bà đề xuất nhà chức trách cần xây dựng các khung pháp lý để ngăn chặn việc lựa chọn giới tính thai nhi.  

Nguồn: https://vnexpress.net/viet-nam-du-thua-1-5-trieu-nam-gioi-vao-nam-2034-4208224.html