Chàng trai vừa cầm bằng tốt nghiệp loại giỏi thì nhận kết quả ung thư máu đã ra đi: ‘Cuộc đời vô thường, vĩnh biệt lớp trưởng gương mẫu!’

‘Theo phác đồ điều trị, để có thể hóa trị, mình cần ít nhất 2 tỷ ‘đối đầu’ với cuộc chiến cam go này. ‘Căn bệnh nhà giàu’ khiến mình chùn bước, nói với mẹ: ‘hay là mình về nhà đi, đến đâu thì đến!”…

Ngày hôm qua (10/4), chàng trai 23 tuổi Đỗ Danh Hường, cựu sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội, đã trút hơi thở cuối cùng sau thời gian chống chọi với bệnh tật. Sự ra đi của chàng trai trẻ để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho người thân, bạn bè, thầy cô giáo và cộng đồng mạng.

Danh Hường trong ngày nhận tấm bằng cử nhân loại giỏi
Danh Hường trong ngày nhận tấm bằng cử nhân loại giỏi

Trước đó, vào tháng 12/2020, khi vừa tốt nghiệp khoa Viết văn – Báo chí (Đại học Văn hóa Hà Nội) được 2 tháng, Danh Hường được chẩn đoán mắc ung thư máu thể hiếm khiến những ước mơ và hoài bão buộc phải tạm khép lại, thay vào đó là chuỗi ngày sống trong bệnh viện.

Ngày nhận kết quả bị ung thư, Hường từng tâm sự rằng:

‘Mình đã rất sốc và suy sụp.

Mọi thứ đến quá nhanh khiến mình không kịp thích ứng. Mình bật khóc như đứa trẻ con. Chỉ tháng trước thôi, mình còn là một tân cử nhân đầy hoài bão và mộng mơ. Mình ôm nhiều dự định về con đường phía trước. Nhưng, bệnh tật chẳng chừa một ai.

Mẹ mình, bà thực sự đau khổ, còn hơn cả bản thân mình. Bà chỉ biết than trời sao bất công với 2 mẹ con mãi thế, mọi chuyện thật trớ trêu! 53 tuổi gian truân, về già chưa kịp cậy nhờ con trai, bà đã phải vào viện chăm sóc mình. Cũng từ đó, 2 mẹ con đồng hành cùng nhau qua từng bệnh viện’.

Chàng trai trẻ khi đang nằm viện điều trị với một bệnh nhân khác
Chàng trai trẻ khi đang nằm viện điều trị với một bệnh nhân khác

Được biết, bố mẹ ly hôn khi Hường mới lên 3 tuổi. Hai mẹ con sau đó ôm nhau về quê ngoại, xin bác gái nương tựa. Năm Hường học cấp 2, mẹ mắc bệnh trầm cảm, phải uống thuốc quanh năm.

‘Theo phác đồ điều trị, để có thể hóa trị, mình cần ít nhất 2 tỷ ‘đối đầu’ với cuộc chiến cam go này. ‘Căn bệnh nhà giàu’ khiến mình chùn bước, nói với mẹ: ‘hay là mình về nhà đi, đến đâu thì đến!’. Bà đã luôn động viên mình rằng ‘mẹ sẽ nghĩ cách, con yên tâm!’.

Mình thực sự không muốn mẹ khổ, không muốn chứng kiến cảnh vào giờ trưa, bà phải chạy vội xuống cổng viện, đưa tờ giấy giới thiệu hiến máu, để chờ ‘xin’ máu cho con trai, rồi ăn tạm suất cơm hộp.

Đôi lúc mình tự hỏi, tại sao ung thư đến với mình khi mọi thứ chỉ mới chớm bắt đầu. Nếu bệnh đến vào một thời điểm khác thì có lẽ mình sẽ ít nuối tiếc hơn. Nhưng chuyện đến, mình nghĩ cách tốt nhất là đón nhận. Mình đã bình tĩnh hơn, biết đối mặt và chấp nhận, nhờ những lời động viên của thầy cô, bạn bè và người thân.

Có người sống cùng căn bệnh này tận 10, 20 năm cơ mà, mình vẫn kiên cường lắm!’.

Chàng trai trẻ đã ra đi vĩnh viễn
Chàng trai trẻ đã ra đi vĩnh viễn

Hường cũng đã đăng kí hiến tạng, vì cậu tin ‘sẽ luôn có cách để tiếp nối một cuộc đời’.

Thế nhưng, cuộc đời Hường quá ngắn ngủi, những giấc mơ cứ thế dang dở. Bạn bè, thầy cô và cộng đồng mạng khi hay tin Hường qua đời đã để lại những bình luận xót xa, tiếc thương cho một chàng trai hiếu thảo, giỏi giang:

‘Em yên nghỉ nhé. Người bị bệnh đau một thì người thân ruột thịt đau mười, một trăm lần. Thương mẹ em quá. Mong cô ổn định tinh thần và điều trị bệnh mau khỏi’.

‘Chúc bạn yên nghỉ, mong những gì tốt đẹp nhất sẽ đến với mẹ bạn và gia đình’.

‘Cả đời học tập, cố gắng biết bao nhiêu, bây giờ có được điều mong muốn thì lại ra đi, bất công quá!’.

‘Nhớ ngày trước năm nhất đại học bạn ấy nhỏ nhỏ gầy gầy cơ mà siêu khoẻ, đạp xe chở bà chị 50kg từ đầu Đê La Thành về Cầu Giấy. Nhìn em lúc nào cũng cười nói vui vẻ nên cũng không biết là em đã phải trải qua những năm tháng vất vả như thế. Yên nghỉ em nhé’…

‘Một người lớp trưởng gương mẫu, luôn không ngừng phấn đấu nỗ lực. Nhiều lúc có hơi khó tính với các bạn một chút nhưng các bạn hiểu đó là vì trách nhiệm cũng như muốn tốt cho lớp thôi. Cuộc đời vô thường quá, bạn đã làm rất tốt rồi, hãy yên nghỉ nhé!’.

‘Cầu mong bạn an yên ở thế giới khác. Mong cho bác gái và gia đình sớm vượt qua nỗi đau này’…

Tạm biệt chàng lớp trưởng gương mẫu!
Tạm biệt chàng lớp trưởng gương mẫu!

Theo Luxia/Baodatviet.vn

Tâm sự xúc động của người cha dành cho “đồ đanh đá” đã ra đi vì bệnh ung thư: “Con là thiên thần rồi phải không? Xin lỗi vì đã khóc nhưng ba rất nhớ con”

Dù bé Như An – con gái của anh Trần Kiên đã mất lâu rồi, nhưng nỗi nhớ con, tình thương của anh dành cho bé vẫn còn mãi.

Con đang khỏe mạnh bỗng một ngày bị chảy máu chân răng, sốt không khỏi…

Vào một ngày cuối tháng 2, ngồi thẫn thờ trong phòng, ngắm nhìn ngôi nhà đồ chơi được trang trí màu hồng tươi sáng, đẹp mắt, anh Trần Kiên (hiện đang làm việc tại Hà Nội) khắc khoải nỗi nhớ về cô con gái có tên rất đẹp – Như An.

Anh từng hứa với con, sẽ không khóc khi nhớ về cô bé. Nhưng xin lỗi, là do anh nhớ con quá nhiều!

Căn phòng đồ chơi màu hồng anh Kiên tự làm cho con gái.

Em bé là chủ nhân của ngôi nhà đó, nhưng giờ em không còn nữa rồi. Anh Kiên kể: “Có 1 cô bé 4 tuổi, xinh lắm, đáng yêu lắm và đanh đá lắm. Nhưng con lại không may mắn như các bạn. Con bị bệnh, phải truyền hóa chất. Con đau lắm, mệt lắm và tóc con rụng dần. Con mạnh mẽ lắm, chiến đấu với căn bệnh quái ác này được gần 2 năm thì con mệt rồi. Con không cố được nữa…”.

Người cha này nhớ lại, ngày sinh Như An, vợ chồng anh được bố mẹ thưởng, bởi là gia đình sinh con gái trước tiên. Khi đó cả nhà vui lắm. Anh Kiên cứ ngỡ “nàng công chúa” nhà mình sẽ hiền dịu hơn 2 ông anh trai nghịch như giặc. Nhưng không, cô bé còn cá tính, đanh đá và bắt nạt được cả 2 anh.

Tâm sự xúc động của người cha dành cho "đồ đanh đá" đã mất: "Giờ con đã là thiên thần rồi phải không? Xin lỗi vì đã khóc nhưng ba rất nhớ con" - Ảnh 2.
Như An mang lại nhiều niềm vui, tiếng cười cho gia đình anh Kiên.

Từ ngày có Như An, nhà anh vui lắm, lúc nào cũng tíu tít tiếng cười đùa. Nhưng số phận trớ trêu. Năm cô bé được 2 tuổi rưỡi, sau chuyến đi du lịch về anh Kiên phát hiện bé chảy máu chân răng, sốt cao và mãi không khỏi. Anh đưa con vào bệnh viện khám, bác sĩ nghi ngờ con bị bạch cầu cấp (thường được gọi là ung thư máu). Cả đêm đó anh Kiên đã cầu nguyện để không phải, nhưng cuối cùng gia đình anh sốc lặng người đi khi chẩn đoán của bác sĩ là thật.

Một hôm đưa con đi chơi, Như An nói thích ngôi nhà mô hình trị giá hơn 10 triệu. Nhưng lúc đó anh Kiên đã không mua. Anh hứa sẽ làm cho con ngôi nhà thật to và con sẽ ở trong đó, chỉ cần con khỏi bệnh.

Thế nhưng hy vọng của anh cũng không thành. Biết bệnh tình của con trở nặng và không thế cố gắng được lâu nữa, anh Kiên quyết định lên ý tưởng, tự vẽ và làm cho con 1 ngôi nhà bằng gỗ thật đẹp. Ngôi nhà này màu hồng – màu Như An thích nhất.

Tâm sự xúc động của người cha dành cho "đồ đanh đá" đã mất: "Giờ con đã là thiên thần rồi phải không? Xin lỗi vì đã khóc nhưng ba rất nhớ con" - Ảnh 3.
Căn nhà đồ chơi này anh Kiên và những người bạn tốt bụng của mình đã làm gấp rút trong 1 thời gian ngắn.

Được sự giúp đỡ của 1 người bạn, ngôi nhà hoàn thành chỉ sau 2 ngày. Nhưng lúc đó, Như An đã rất yếu. “Bác biết con không còn nhiều thời gian nên dù công ty nội thất của bác rất bận. Bác vẫn cho dừng hết mọi việc để các cô chú trong xưởng cùng ba và bác hoàn thiện.

Rồi bệnh con trở nặng, chỉ còn vài ngày nữa… Mọi người trong xưởng, cả ba và bác làm ngày làm đêm với hy vọng khi con thấy ngôi nhà đó biết đâu sẽ có 1 phép màu giúp con ở bên ba lâu hơn, 1 chút thôi cũng được.

Nhưng có lẽ cuộc sống quá bất công với con. Ba và bác cuồng cuồng lắp ngôi nhà để con nhìn thấy nó 1 lần. Vừa lắp, mọi người nhìn con và rơi nước mắt.

Con là đứa hiểu chuyện. Thấy mọi người cố gắng vì mình, con cũng cố gắng chiến đấu từng nhịp đập cho đến khi ngôi nhà lắp hoàn thành trong 1h đồng hồ. Con đã được vào nằm ở trong. Ba không biết có nhìn nhầm không vì mắt nhòe quá rồi, nhưng ba thấy con mỉm cười…” – Người cha chia sẻ lại khoảnh khắc đặc biệt của căn nhà đồ chơi này.

Ngôi nhà đó có gác xép nơi con có thể nằm ngủ cùng các bạn gấu bông, bạn búp bê Elsa. Trong đó còn có cả bếp này, bàn trang điểm này, đồ chơi này, hoa này, son này,… Nhưng rất tiếc, giờ Như An không còn!

Nhà đây, đồ chơi còn đây nhưng con gái đâu rồi?

2 năm chiến đấu đầy mạnh mẽ với căn bệnh quái ác của cô bé 4 tuổi

Ung thư là nỗi ám ảnh của nhiều người. Và với anh Kiên, nó chính là “kẻ thù” đã cướp con anh đi.

Buổi sáng khi nghe kết quả chọc sinh thiết của bé Như An từ bác sĩ, gia đình anh suy sụp. Là người mạnh mẽ nhất nhà, anh Kiên biết lúc này con cần mình, mọi người đang trông chờ vào anh. 10 năm công tác trong quân đội nhưng anh vẫn quyết xin ra quân để sát cánh cùng con gái trong hành trình chữa bệnh.

Sau khi nghiên cứu, anh Kiên được biết, bệnh này thì khả năng chữa khỏi khoảng 60-70% và ở Việt Nam hay Singapore đều có y thuật như nhau. Chính vì vậy anh quyết định chuyển con sang Bệnh viện Nhi trung ương để chữa trị.

Anh Kiên kể: “Khi Như An chọc tuỷ, con gào khóc và nói “Ba ơi cứu con, mẹ ơi cứu con“. Mẹ của bé không dám nhìn, vì đau lòng quá. Lúc đó mình xót xa lắm và ước mình có thể thay thế cho con. Như An gần như một tuần phải chọc và tiêm tủy một lần, kiểm tra suốt ngày nên lúc nào bé cũng bảo con đau lắm.

Lúc đầu vào bệnh viện, con cũng sốc nữa. Mắt tròn xoe hỏi về các bạn xung quanh “Sao đầu các bạn trọc thế ba”. Rồi thấy tóc mình bắt đầu rụng, môi tái nhợt đi do các đợt truyền hóa chất, bạn ấy không chịu chụp ảnh đâu, suốt ngày lo lắng tóc không thể mọc lại. Lúc đó mình an ủi con “Tóc rụng rồi sẽ lại mọc đẹp và dài như bạn Elsa, mà Nhím xinh mà nhỉ?””.

Tâm sự xúc động của người cha dành cho "đồ đanh đá" đã mất: "Giờ con đã là thiên thần rồi phải không? Xin lỗi vì đã khóc nhưng ba rất nhớ con" - Ảnh 5.
Ban đầu cô bé rất thắc mắc về diện mạo mới của mình, nhưng sau 1 thời gian, em đã quen và còn tự tin trước ống kính.

Như An là cô bé lạc quan và thích ứng rất nhanh. Sau đó, con dần quen với diện mạo mới của mình. Con không thấy kì quặc nữa, ngược lại con tự tin hơn, thường xuyên cầm điện thoại để chụp ảnh. Cô bé còn bắt mẹ sơn móng tay, đội tóc giả để “làm đỏm” trước ống kính.

Không những thế, Như An còn mạnh mẽ thực sự. Cô bé đã dần quen với những mũi kim, những lần chọc tuỷ. Mỗi lần đó, cô chỉ hỏi ba: “Nay mình đến viện chọc tuỷ thôi không phải ở viện đâu ba nhỉ?”. Vì bé phối hợp rất tốt với bác sĩ trong việc điều trị, sau gần 1 năm chữa trị tại bệnh viện, Như An được đưa về nhà để duy trì. Mỗi tháng, bé chỉ cần đến khám định kỳ một lần. Nếu ổn thì chỉ mấy năm sau là khỏi. Lúc đó, anh Kiên mừng rơi nước mắt. Hy vọng càng thêm hy vọng!

Nhưng rồi một ngày đen tối nữa lại ập đến. Bệnh tình của Như An tái phát trở lại. “Ba như sụp đổ, hôm đó ba phải trốn vào phòng và khóc như trẻ con vậy. Ba không muốn con nhìn thấy vì con rất thông minh và nhạy cảm” – anh Kiên tâm sự.

Lần này, anh Kiên không có nhiều hy vọng như lần trước. Bác sĩ nói bé không còn nhiều thời gian. Nếu muốn kéo dài thì phải truyền hoá chất cực mạnh vào cơ thể con. Nhưng lúc đó, Như An đã rất yếu rồi, khả năng sẽ không chịu nổi, sẽ rất đau đớn. Cuối cùng, vợ chồng anh Kiên quyết định đưa con về, cùng con sống những ngày vui vẻ nhất.

Như An vốn thích đẹp và điệu đà nên những ngày cuối của em, gia đình đã ở bên, tạo cho em nhiều niềm vui nhất.

Như An vốn thích làm đẹp, thích điệu đà, anh chị đều chiều con hết mực. Cô bé thích biển, thích ở nơi thật đẹp, sang chảnh, thích chỗ có cả bể bơi, thích xem máy bay… Anh đã quyết định đưa cả nhà đi Đà Nẵng. Đó là chuyến đi xa đầu tiên, chuyến bay đầu tiên và cũng là cuối cùng của “đồ đanh đá”.

Những ngày cuối, con đau đớn và cáu gắt rất nhiều. Con giận dỗi bố mẹ, tát đánh bố mẹ… Nhưng càng thế anh càng thương con vì biết con đang chịu những đau đớn, bứt rứt dày vò.

“Ngày ngôi nhà màu hồng hoàn thành cũng là ngày con không còn cố gắng được nữa, con mệt rồi… Con chỉ gắng gượng được ở trong đó khoảng 30 phút rồi đi”, anh nghẹn ngào nhớ lại.

Vì con yêu đời, mạnh mẽ nên ba sẽ không khóc đâu

Ngày đưa tiễn Như An, trái với những đám tang bình thường, mọi người đến đều ăn mặc những sắc màu rực rỡ. Đó là yêu cầu nhỏ nhoi của bố mẹ bé em. Bởi cô bé thích đẹp, thích điệu đà, yêu những màu sắc rực rỡ và ghét màu đen u tối.

Sau đó, anh Kiên cũng không quay lại quân đội làm việc nữa. Anh lên đường tham gia các chuyến thiện nguyện để giúp đỡ những trẻ em nghèo, những hoàn cảnh khó khăn, những số phận đáng thương. Vì con anh là cô bé mạnh mẽ, nên anh sẽ không bi lụy.

Tâm sự xúc động của người cha dành cho "đồ đanh đá" đã mất: "Giờ con đã là thiên thần rồi phải không? Xin lỗi vì đã khóc nhưng ba rất nhớ con" - Ảnh 7.
Con là cô bé mạnh mẽ nên ba cũng không yếu đuối!

Những đồ vật của con, anh đều giữ. Khi nhớ con anh sẽ lôi chúng ra ngắm và cảm giác như con đang hiện hữu ngay bên cạnh mình. “Ba nhớ Như An, đó là niềm vui của ba mỗi ngày” – mỗi lần nghĩ về con, anh lại cố gắng làm nhiều việc tốt để cô bé thiên thần trên kia sẽ tự hào về ba mình.

Anh Kiên còn cho biết, từ trường hợp bệnh của con, anh rút ra được kinh nghiệm cho những bậc làm bố làm mẹ khác. Đó là bệnh ung thư máu không phải do di truyền mà là môi trường.

Các vết thương hở là môi trường lý tưởng để vi khuẩn lạ xâm nhập vào cơ thể của các con. Mặc dù có tiểu cầu, bạch cầu kháng lại nhưng sau đó 1 thời gian, sức đề kháng trong cơ thể đứa trẻ sẽ quen dần. Những vi khuẩn gây bệnh đó sẽ tiếp tục sinh sôi và chuyển qua nhiều căn bệnh khác, trong đó có bệnh ung thư.

Trong khoa ung thư có 10 cháu thì đến 6 – 7 cháu là bị bạch cầu cấp, xác suất cực kỳ cao. Anh Kiên hy vọng rằng mỗi bậc cha mẹ sẽ lưu tâm đến con nhiều hơn, đừng coi thường những vết thương hở trên cơ thể bé, dù là nhỏ nhất.

Theo Pháp luật và Bạn đọc

Nguồn: https://tiin.vn/chuyen-muc/song/chang-trai-vua-cam-bang-tot-nghiep-loat-gioi-thi-nhan-ket-qua-bi-ung-thu-mau-da-qua-doi-khien-cong-dong-mang-tiec-thuong.html